Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

Tiếng hát Thanh Hoà

NSUT Thanh Hòa là ca sĩ có giọng nữ trung (mezzo-soprano), một giọng ca có cá tính, hiếm. Thanh Hòa xuất thân từ Đoàn văn công Quân khu  Tả Ngạn cùng Lê Dung, Bích Lan. Sau, chuyển về Ca Múa Dân tộc Trung ương. Thanh Hòa hát nhiều bài hay như: Gửi sông La, cây lúa non như con của mẹ,  Huyền thoại ở hồ núi Cốc, Hạt mưa mùa xuân, Có ai về thành Huế chúng tôi, Sông Đà nhịp điệu mùa xuân, Miền Nam nhớ mãi ơn Người,.....Thanh Hòa thường đảm nhiệm bè trầm trong các song ca với Thanh Hoa, Thu Phương , Bích Lan...

Bản thu đầu tiên của Thanh Hòa trên VOV hồi còn ở Quân khu  Tả Ngạn là bài Hò kéo gỗ (song ca cùng Bích Lan). Thanh Hòa và Lê Dung là 2 ca sĩ mà NSND Tường Vi đã dự đoán từ rất sớm (hồi còn lơ ngơ mới vào nghề, khoảng đầu 70) là sẽ rất có tương lai của thanh nhạc quân đội. Khoảng đầu 80, Thanh Hòa có tham gia một cuộc thi nhạc nhẹ ở Bungary và đạt một giải không chính thức.

Hiện nay (2011) NSUT Thanh Hòa nghỉ hưu ở Khu văn công Mai Dịch, HN.

Một số bài tiêu biểu của chị:
Gửi sông La - Lê Việt Hòa.


Cây lúa non như con của mẹ - Vĩnh An.


Huyền thoại hồ Núi Cốc - Phó Đức Phương.


Trên những dòng sông quê hương - Nguyễn Lang.
(Thu Phương và Thanh Hoà)


Chiều xa thành phố cảng - Văn Dung.


Hát dưới cây đào Tô Hiệu - Hồ bắc.


Tình ca xây dựng - Hồ Bắc.


Khúc hát của em bé châu Mỹ - Phạm Tuyên.


Làng tôi - Hồ Bắc.
(Thu Phương và Thanh Hoà)


Thư về cho nhau - Phan Huấn.


Có ai về thành Huế chúng tôi - Hồ Bắc.


Trên đường tiếp vận - Y Na.

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

Tiếng hát Bích Liên

Đường tôi đi dài theo đất nước - Vũ Trọng Hối.

Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng - Hoàng Vân.


Người là niềm tin tất thắng - Chu Minh.



Tên lửa ta đánh rất hay - Huy Thục.


Cô gái mở đường - Xuân Giao.


Bài ca năm tấn - Nguyễn Văn Tý.


Về đây với đường tàu - Lưu Cầu.


Tự Nguyện - Trương Quốc Khánh.


Biết ơn chị Võ Thị Sáu - Nguyễn Đức Toàn.


Tiếng hát đò đưa - Hoàng Sông Hương.


Nổi lửa lên em - huy Du.


Ngày mùa - Văn Cao.


Đà Nẵng quê ta giải phóng rồi - Nguyễn Đức Toàn.


Tình ca Tây Bắc - Bùi Đức Hạnh.


Em đứng giữa giảng đường hôm nay -


Người giỏi chăn nuôi - Nguyễn Văn Tý.


Em là thợ quyét vôi - Đỗ Nhuận.


Cá lội đồng xanh - Vũ Thanh.


Gửi nắng cho em -

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Tiếng hát Tiến Thành

Nơi đảo xa - Thế Song.


Gửi em ở cuối sông Hồng - Thuận Yến.


Dòng sông quê em, dòng sông quê anh - Đoàn Bổng.


Tình ca Tây Nguyên - Hoàng Vân.


Tiếng gọi sông Đà - Trần Chung.


Đi lên trong ánh bình minh - Vũ Thanh.


Người Hà Nội - Nguyễn Đình Thi.


Tình ca người thợ mỏ - Hoàng Vân.


Nhớ về Pác pó - Phan Nhân.


Đất nước tôi - Trần Chung.


Tiến về Hà Nội - Văn Cao.


Tình yêu Hà Nội - Hoàng Vân.


Hát mừng non nước hôm nay - Trần Chung.


Từ thành phố đi xa -


Hát cùng non nước Hạ Long -

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Tiếng hát Lê Dung

Anh ở đầu sông em cuối sông - Phan Huỳnh Điểu.


Dòng sông quê em, dòng sông quê anh - Đoàn Bổng.


Tiếng hát trên đường quê hương - Huy Thục.


Hà Giang quê tôi - Thanh Phúc.


Người con gái sông La - Doãn Nho.


Tình em biển cả - Nguyễn Đức Toàn.


Hát từ xóm biển Cà Mau - An Chung.


Bạch Long Vĩ đảo quê hương - Huy Du.


Vui mùa chiến thắng - Văn Chừng.


Chào em cô gái Lam Hồng - Ánh Dương.


Cô gái vót chông - Hoàng Hiệp.


Rừng Hà Tuyên mến yêu - Lê Việt Hoà.


Tình ca biển cả - Đỗ Nhuận.


Tuổi xanh Mộc Châu - Hoàng Tạo.


Chợ Chờ em vẫn chờ ai - Huy Du.


Hà nội niềm tin và hy vọng - Phan Nhân.


Vào lăng viếng Bác - Hoàng Hiệp.


Màu cờ tôi yêu - Phạm Tuyên.


Cảm xúc tháng mười - Nguyễn Thành.


Xa khơi - Nguyễn Tài Tuệ.


Bài ca hy vọng - Văn Ký.


Serenade - Franz Schubert.

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Tiếng hát Thu Hiền

Bài ca thống nhất - Võ Văn Di.


Qua bến Đò Quan - Thái Cơ.


Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh - Nguyễn Văn Tý.


Người đi xây hồ Kẻ Gỗ - Nguyễn văn Tý.


Quảng Bình quê ta ơi - Hoàng Vân.


Dáng đứng Bến Tre - Nguyễn Văn Tý.


Rặng trâm bầu - Thu Hiền-Kiều Hưng-Thanh Huyền.


Câu hò bên bến Hiền Lương - Hoàng Hiệp.


Đường cày đảm đang - An Chung.


Bến đợi - Minh Đoàn.


Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long - Huỳnh Thơ.


Lắng tiếng quê hương - Dân Huyền.

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

Tiếng hát Kiều Hưng

Bên lăng Bác Hồ - Dân Huyền.


Tình ca - Hoàng Việt.


Tình ca Tây Bắc. ST: Bùi Đức Hạnh;Kiều Hưng - Bích liên.


Sông Dakrong mùa xuân về - Tố Hải.


Người đi xây hồ Kẻ Gỗ - Nguyễn Văn Tý.


Về thăm mẹ - Trần chung.Hình ảnh năm 1990.


Việt Nam quê hương tôi - ST: Đỗ Nhuận; Kiều Hưng - Bích Liên.


Bài ca Hà Nội - Vũ Thanh.


Đường tàu mùa xuân - Phạm Minh Tuấn.


Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ - Nguyễn Văn Thương.


Hát lên em cô gái xã viên - Trần Chung.


Chào em cô gái Lam Hồng - Ánh Dương.


Tiếng đàn bầu - Nguyễn Đình Phúc.Hình ảnh năm 1990.


Áo mùa đông - Đỗ Nhuận.


Ra ngõ mà trông - Dân ca quan họ.


Chiếc nón bài thơ - Lê Việt Hoà.


Những thành phố bên bờ biển cả - Phạm Đình Sáu.


Hà Nội mến yêu ơi - Trần Nhơn.


Sông Hàn vang tiếng hát - Huy Du.


VN ơi, ta bước tiếp - Huy Du.


Hồ chí Minh đẹp nhất tên Người - Trần Kiết Tường.


Cung đàn tuổi xanh - Dân Huyền.


Du kích Sông Thao - Đỗ Nhuận.


Âm thanh ngày mới - Nguyễn An.


Cảm xúc tháng mười - Nguyễn Thành.


Hát về cây lúa hôm nay - Hoàng Vân.


Nhịp cầu nối những bờ vui - Văn An.


Bèo dạt mây trôi - Dân ca quan họ.

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

Tiếng hát NSND Thanh Huyền

Suối Lê nin - Hoàng Đạm và Hà Té



Câu hò bên bến Hiền Lương - Hoàng Hiệp



Khi thành phố lên đèn - Thái Cơ



Đường cày đảm đang - An Chung



Mẹ yêu con - Nguyễn Văn Tý


Lời ca dâng Bác - Trọng Loan


Gửi anh khúc hát dân ca - Dân Huyền


Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Hoàng Vân


Từ Làng sen- Đỗ Nhuận


Người ở đừng về - Dân ca quan họ.


Xe chỉ luồn kim - Dân ca quan họ.


Ngồi tựa mạn thuyền - Dân ca quan họ.


Cò lả - Dân ca.


Người thày giáo thương binh - Nguyễn Đức Toàn.


Bài ca Hà Nội. ST: Vũ Thanh; trình bày: Tuyết Thanh.


Người con gái Pa Cô - Trí Thanh.


Chiếc khăn tay -

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

Sinh nhật của con

Ngày này cách đây tròn 25 năm, con vừa đầy tháng.
Phú quí sinh lễ nghĩa! Những gia đình khá giả, ưa tổ chức linh đình, vui vẻ, người ta thường tổ chức lễ đầy tháng. Hôm nay, khi viết những dòng này, bố tra cứu từ google mới biết rằng lễ đầy tháng, đầy năm  không đơn giản như bố mẹ nghĩ.
Theo phong tục xưa, việc tổ chức lễ đầy tháng trước là để tạ ơn bà Mụ không chỉ nặn ra đứa trẻ, mà còn phù trợ cho “mẹ tròn con vuông”, sau là để trình với nội – ngoại, họ hàng lối xóm về đứa trẻ sau một tháng chào đời, nhưng ít ai nhìn thấy. Đây như là chứng nhận của xã hội về sự tồn tại của một con người để được nâng niu, cưu mang, che chở… Trong ngày đầy tháng, ngoài việc chuẩn bị món ăn, thức uống để đãi khách, gia chủ còn chuẩn bị mâm lễ vật cúng kính 12 bà Mụ (Mụ bà Trần Tứ Nương, coi việc sanh đẻ; Mụ bà Vạn Tứ Nương, coi việc thai nghén; Mụ bà Lâm Cửu Nương, coi việc thụ thai; Mụ bà Lưu Thất Nương, coi việc nặn hình hài nam, nữ; Mụ bà Lâm Nhất Nương, coi việc chăm sóc bào thai; Mụ bà Lý Đại Nương, coi việc chuyển dạ; Mụ bà Hứa Đại Nương, coi việc khai hoa nở nhụy; Mụ bà Cao Tứ Nương, coi việc ở cữ; Mụ bà Tăng Ngũ Nương, coi việc chăm sóc trẻ sơ sinh; Mụ bà Mã Ngũ Nương, coi việc ẵm bồng con trẻ; Mụ bà Trúc Ngũ Nương, coi việc giữ trẻ; Mụ bà Nguyễn Tam Nương, coi việc chứng kiến và giám sát việc sinh đẻ) gồm 12 chén chè, 3 tô chè, 3 đĩa xôi và một mâm cúng kính 3 Đức ông (Thánh sư, Tổ sư và Tiên sư có chức năng truyền dạy nghề nghiệp) gồm con vịt tréo cánh được luộc chín, 3 chén cháo và 1 tô cháo...
Sau nghi thức cúng kính là nghi thức khai hoa còn gọi là "bắt miếng". Đứa bé được đặt ngay trên bàn giữa, chủ lễ rót trà thấp hương xin phép bắt miếng. Xong, bồng đứa trẻ một tay, tay kia cầm một nhánh hoa điệp (có thể hoa khác) vừa quơ qua, quơ lại trên miệng cháu bé vừa dạy những lời tốt đẹp như sau:
Mở miệng ra cho có bông, có hoa,
Mở miệng ra cho kẻ thương, người nhớ,
Mở miệng ra cho có bạc, có tiền,
Mở miệng ra cho xóm giềng quý mến...
Sinh nhật Khánh Duy năm 1991
Tiếp sau là lời chúc mừng và tặng quà hoặc tiền lì xì của khách mời, của dòng họ bà con cho cháu bé và gia đình nhân ngày cháu tròn một tháng tuổi. 
Khi đứa trẻ được tròn 1 tuổi, người ta tổ chức cúng đầy năm. Lễ đầy năm còn gọi là lễ thôi nôi. Thôi nôi có nghĩa là bỏ cái nôi. Từ khi sinh ra cho đến lúc được một tuổi, đứa bé thường được đặt trong nôi. Nhưng sau khi đầy năm, người ta sẽ cho bé nằm giường và thôi không nằm nôi nữa. Vào ngày này, ngoài việc cúng lễ, người ta còn có tục thử trẻ. Đứa trẻ được tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới. Nếu là con trai, người ta sẽ bày bên cạnh nó những đồ chơi là cung tên, giấy bút; nếu là con gái thì bày kim chỉ, dao kéo. Theo phản xạ tự nhiên, đứa trẻ sẽ bò đến và nhặt lấy những thứ mà nó thích. Người xưa cho rằng: nếu đứa con trai chọn kiếm cung thì sẽ theo nghiệp võ, còn chọn giấy bút thì theo nghiệp văn chương; đối với con gái nếu chọn kim chỉ sẽ có tài may vá, còn chọn dao kéo sẽ có tài nội trợ. Trong lễ cúng đầy năm, người ta làm lễ cúng bà Mụ và cúng gia tiên.
Sinh nhật anh Long
năm 1992, con dự ké.
Bố sinh ra ở nông thôn, trong gia đình vốn nghèo khó. Khi bố đầy tháng, đầy năm, không biết ông bà nội có làm lễ theo phong tục trên không, bố bé quá chẳng biết! Sau đó, cho đến lúc 18 tuổi, rời làng quê, lên Hà Nội học đại học, bố không hề có khái niệm về sinh nhật. Thậm chí ngày sinh chính xác của bố là ngày nào, bố cũng không biết, bà nội cũng chỉ nhớ mang máng. Chẳng biết bố có giấy khai sinh không. Thời chiến tranh, đâu như năm bố học lớp 6 (lớp giữa cấp II, hệ 10 năm), bom đánh trúng trường, học bạ của bố và nhiều người khác cháy hết, nhà trường phải làm lại học bạ. Ngày sinh của bố bây giờ là ngày người ta gán cho, không đúng. Kể cả đến giờ, đã quá nửa đời người, bố cũng chưa từng tổ chức sinh nhật một cách ồn ào.  
Mẹ con sinh ra ở Hà Nội. Nhưng ông bà ngoại cũng là công chức ăn lương nhà nước, lại nặng gánh gia đình nên cũng không dư giả. Vả lại, cả ông và bà ngoại đều là người không ưa “màu mè riêu cua”, sống rất bình dị, đặc bôn sê vích, cách mạng, duy vật hoàn toàn. Vậy nên mẹ con cũng là người chỉ quen sống mộc mạc, không ưa hình thức, ghét loè loẹt, phô trương. Thời yêu nhau, bố cũng không để ý đến ngày sinh của mẹ con, cũng không thấy mẹ con tổ chức sinh nhật lần nào. Mãi đến khi đăng ký kết hôn, bố mới biết ngày sinh của mẹ con. Biết là biết vậy thôi, chẳng khi nào bố mẹ tổ chức sinh nhật theo cách người ta thường làm.
Chính vì vậy nên việc tổ chức sinh nhật cho con, bố mẹ cũng làm rất đơn giản. Bố hầu như không nhớ những dịp lễ lạt cho con. Mẹ con kể lại, khi con đầy tháng, bà ngoại cho tiền mua một con gà. Mẹ mua thêm một ít khoai sọ, hầm với chân, cổ, cánh. Bữa ăn tươi ấy cũng chẳng mời ai dự ngoài bà nội từ quê lên trông cháu. Khi con đầy năm, ông bà ngoại tổ chức ăn tươi hơn ngày thường một chút, tham dự cũng chỉ có ông bà ngoại, bác Bình, vợ chồng bác Khánh, anh Long mới hơn 1 tuổi, bố mẹ và con. Những năm sau này, đến sinh nhật con, mẹ thường mua một con gà về, chế biến đơn giản, chẳng mời bất kỳ ai dự.
Khi vào Sài gòn, bố mẹ cũng mấy lần đưa con đi dự sinh nhật của những bạn trạc tuổi con, cũng mua quà tặng. Đến dịp sinh nhật con, bố cũng định làm mâm cơm tươm tất, mời một số người đến dự. Nhưng rồi nghĩ tới chuyện họ phải lo mua sắm tặng quà cho con, thấy phiền hà, nên thôi. Bố mẹ cũng chẳng quen làm chủ trong việc tổ chức sự kiện có nhiều người, ồn ào. Biết làm như vậy là con thiệt thòi, không được sống trong không khí vui vẻ với những lời chúc tụng tốt đẹp, không được nhận những món quà có thể có món mà con yêu thích… Được cái, con cũng là người sống hướng nội, thích yên tĩnh, biết tiết kiệm, không đua đòi theo chúng bạn. Ngần ấy năm trôi qua, chưa một lần con đòi hỏi bố mẹ điều gì mỗi khi đến dịp sinh nhật.
Con thường thích tự chơi.
Mấy năm nay, bố phải công tác xa nhà. Mỗi lần đến sinh nhật của con, bố chỉ điện cho mẹ, cho con chúc mừng sinh nhật. Bữa cơm chắc vẫn có thêm con gà, nhưng chỉ có hai mẹ con tham dự.
Mọi năm, sau ngày 8 tháng 7, bố lại bị cuốn ngay vào công việc và những lo toan đời thường. Nhưng năm nay, suốt một tháng qua, ngày nào bố cũng sống với ký ức của những ngày đã qua mà con là nguồn cảm hứng. Tất cả các bài viết trong blog này đều viết để tặng cho con. Nhờ vậy mà bố thấy càng yêu thương mẹ con, yêu thương Khánh Duy hơn. Nhờ đó mà bố càng yêu thương quí trọng hơn tất cả những người thân trong đại gia đình nội ngoại, các bạn bè, đồng nghiệp đã yêu quí, giúp đỡ chúng ta trong cuộc sống. Nhờ đó mà bố có dịp nhìn lại mình, điều chỉnh lại mình để sống tốt hơn, tránh những sai lầm trong cuộc sống.
Cảm ơn con, Khánh Duy! Cảm ơn sinh nhật của con!

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

Chiếc cub 81 màu rêu.

Giữa năm 1992, bố được cơ quan cử đi thường trú tại Sài gòn.
Lúc đầu bố định mua một chiếc xe đạp cũ, đi tạm. Nhưng Sài gòn mênh mông quá, ô tô xe máy chảy cuồn cuộn, dùng xe đạp làm phương tiện đi lại chắc là không ổn, phải tính chuyện xe máy thôi!
Thực ra thì đầu năm 1992, bố đã mua được một chiếc xe cub 81 cũ, đời áp chót. Nhưng mua rồi mà chưa kịp ngồi lên yên nó lấy một lần! chuyện mua chiếc xe này cũng rất tình cờ và đáng nhớ.
Chiếc cub bố mua
tương tự chiếc này.
Số là cuối năm 1991, sau chuyến công tác ở phía Nam về, nhân ngồi uống mấy vại bia với chú Ba (học ĐH sau bố một khoá, nguyên là cán bộ cấp dưới của ông ngoại), làm cùng cơ quan với bố, khác bộ phận, chú Ba hỏi: Anh làm được mấy con xe rồi? Bố ngạc nhiên hỏi: Xe nào? Chú ba bảo: Xe máy, tiêu chuẩn 157. Thấy bố có vẻ ngơ ngác, chú Ba cười bảo: Anh cứ như là người trên cung trăng! Người ta buôn bán xe ầm ầm mà anh lại chả biết gì! Nghe chú Ba nói bố mới biết nhà nước có Quyết định số 157 cho đối tượng công tác nước ngoài mang về nước 1 xe máy miễn thuế. Có người về mang theo xe máy. Cũng có người về không mang theo xe máy, nhưng có mang tiền đô la Mỹ, từ 500 USD trở lên, có khai trong tờ khai hải quan khi nhập cảnh. Những người này có thể đặt các doanh nghiệp trong nước nhập xe máy cho mình để hưởng tiêu chuẩn miễn thuế hoặc bán tờ khai cho người khác sử dụng. Những người nhanh nhạy đi lùng mua những tờ khai này, đặt mua xe máy về, bán kiếm lời, bèo thì mỗi chiếc cũng kiếm được từ một hai trăm đô. Thậm chí có người “giỏi giang” còn mua luôn cả những tờ khai chỉ có một hai trăm đô hoặc chả có trăm nào, bằng cách nào đó, họ “thổi” tờ khai đó thành bảy tám trăm đô hoặc hơn, tuỳ vào giá chiếc xe họ định mua. Nhờ vậy mà có người phất lên vù vù! Chú Ba bảo bố chuẩn bị khoảng năm sáu trăm đô, chú ấy sẽ tìm mua giúp tờ khai, đặt mua giúp một chiếc xe máy, không đi thì bán kiếm chút lời!
Nghe chú Ba nói thấy hấp dẫn quá, bố bàn với mẹ, xúc tiến việc vay mượn. Rồi bố mẹ cũng vay được của ông Thắng (em ruột ông ngoại) một trăm đô, vay của người quen bác Đức 500 đô, gom lại đưa cho chú Ba. Chả biết chú Ba làm thế nào, một sáng đâu khoảng tháng ba, tháng tư năm 1992, chú Ba bảo bố đi lấy xe. Chú Ba chở bố trên một chiếc cub 81 cũ, đến một bãi xe máy cũ ở tận Văn Điển. Sau khi vào văn phòng công ty một hồi, chú Ba đi cùng một người ra bãi xe, tìm kiếm chừng mươi phút, người đó chỉ xe và chú Ba dắt nó ra. Đó là chiếc cub 81 đời áp chót, đã qua sử dụng, bụi bặm. Vừa ra khỏi bãi, một đám người đã bám theo chú Ba hỏi mua xe. Chú Ba ra giá: 950 USD! Đám kia nhao nhao chê đắt. Chả nói, chả rằng, chú Ba dắt xe đi. Có hai ba người bám theo, xin cho xem kỹ, ý chừng quyết mua. Nói qua, nói lại, cuối cùng chú ba quyết bán nó với giá 920 USD. Xong, chú ba bảo bố lên xe, về cơ quan. Sau chầu bia hơi ăn mừng, bố đưa lại chú Ba 50 USD, gọi là cảm ơn sự giúp đỡ của chú. Chú Ba cười bảo: Thời theo ông già (ông ngoại), em được ông già dạy cho mấy chiêu, đủ để ăn ở với đời. Em chẳng có dịp nào cảm ơn ông già. Em cũng chẳng dư giả để hỗ trợ anh. Em giúp được chút nào là vui chút ấy. Anh em mình mấy vại bia hơi là vui rồi, vô tư đi! Vậy là sau khi trả nợ, bố còn ba trăm đô, mang theo khi vào thường trú tại Sài gòn.
Muốn mua xe máy, chắc cũng phải có 600 USD!
Tính thì tính vậy, nhưng không phải tính vậy là mua ngay được. Bẵng đi chừng hơn 3 tháng, nhân một lần ăn cơm ở nhà bác Ánh với một số thuỷ thủ viễn dương, bố dò hỏi chuyện mua xe máy cũ. Một người vui vẻ nhận lời giúp bố trong chuyến đi tới nhưng với điều kiện bố phải nói với hải quan cảng Sài gòn không được trừ vào tiêu chuẩn của họ. Nhờ bác Ánh giới thiệu, bố đến cảng Sài gòn gặp chú Nghiệp phụ trách việc này. Sau khi nghe bố nói chuyện, chú Nghiệp bảo: Em sẽ giúp anh mà không cần phải nhờ anh ấy (người thuỷ thủ bố đã nhờ giúp). Một chiếc tàu đang trên đường về. Chiếc xe như anh yêu cầu chắc chắn là có, tầm 600 USD, chưa kể tiền thuế nhập khẩu. Anh cứ chuẩn bị sẵn tiền, khi tàu về đến, em báo anh đến lấy xe. Ô, hoá ra việc mua một chiếc xe máy cũng không khó như hái sao trên trời! Việc kiếm tiền ở Sài gòn lúc ấy, với bố, cũng khá thuận lợi. Nhờ vậy số tiền cần có cũng đã xêm xêm.
Cub 82 70 (ST)
Khoảng hơn một tuần sau, chú Nghiệp nhắn bố xuống cảng lấy xe. Bác Ánh chở bố đi bằng chiếc xe cub cánh én cổ cò. Tới nơi, chú Nghiệp bảo: Chiếc xe đó giá gốc là 620 USD, nhưng anh cứ đưa em 600 là được, số còn lại và tiền thuế bọn em giúp anh! Đúng là có “Quí nhân phù trợ”! Bố chỉ còn biết răm rắp làm theo lời chú Nghiệp. Rồi chiếc xe được dắt ra. Đó là chiếc cub 81 màu rêu, không bụi bặm như chiếc xe lần đầu bố mua ngoài Bắc. Chú Nghiệp cũng cẩn thận nhờ người đổ sẵn một ít xăng và kiểm tra sơ bộ. Nhờ vậy, bố và bác Ánh chỉ cần lắp chiếc biển số giả vào là cưỡi xe chạy về. Chu choa, về tới nơi ở rồi, ngắm nghía xe mãi rồi mà bố cứ ngỡ như mơ vậy! Sau khi đưa thợ kiểm tra kỹ lại máy móc, thay dầu mỡ, đổ thêm xăng… bố đã một mình cưỡi chiếc xe đó chạy lòng vòng ở quận 1, lòng vui phơi phới.
Gần tết Nguyên đán, bố kết thúc đợt công tác để ra Bắc, chiếc xe được gửi ra bằng xe lửa. Buổi chiều hôm nhận xe về trời mùa đông nhưng không lạnh lắm, không mưa. Bố chở mẹ và con hoà vào dòng xe chạy từ 58A Trần Nhân Tông, xuôi theo phố Huế, vòng quanh Bờ Hồ 2 vòng, theo đường Hàng Ngang, Hàng Đào lên chợ Đồng Xuân, theo đường Quan Thánh ra Hồ Tây chạy một vòng đường Thanh Niên, quay về quảng trường Ba Đình, xuôi theo Điện Biên Phủ về cửa Nam, ghé vào ngõ Cấm Chỉ, tự thưởng cho cả nhà mỗi người một tô gà tần thuốc bắc. Gần 20 năm rồi, hỏi mẹ con, mẹ bảo vẫn nhớ như in vị ngon ngọt của tô gà tần hôm ấy!
Chiếc xe ấy đã cõng cả nhà mình trong vòng một năm khi nhà mình chuyển vào Sài gòn. Đến năm 1994, được chú Nghiệp giúp đỡ, bố bán nó cho chú Khương, mua chiếc cub 82-70. Sau chú Khương bán nó cho ai, chẳng rõ!
Chắc bố phải tìm, mua lại một chiếc cub 81 màu rêu.

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

Ám ảnh đảo Rều!

Năm 1989, bố cùng bác Mạnh, bác Phong đi ra đảo Rều, xem khỉ.
Một góc trung tâm đảo Rều.
Đảo Rều thuộc phường Cẩm Đông, thị xã Cẩm Phả tỉnh Quảng Ninh, cách đất liền chừng 4 km về phía Đông Nam. Đảo Rều vốn là đảo hoang, chỉ một số cư dân từ đất liền  đến đây trồng khoai sắn. Năm 1962, nơi này được Bộ Y tế quyết định đầu tư thành nơi nuôi khỉ thí nghiệm, phục vụ cho công tác nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, giờ thuộc Trung tâm nghiên cứu sản xuất vác xin và sinh phẩm y tế của Bộ Y tế. Cái tên “đảo Khỉ” cũng đã ra đời từ đó.
Trên đảo có vài dãy nhà dành cho cán bộ, công nhân viên chuyên chăm sóc khỉ. Đây là đảo đất, nhỏ, không có gì đặc biệt, ngoài khỉ. Trên đảo có gần ngàn con khỉ sinh sống, chúng sống thành từng đàn trên dưới  50 con và rất có kỷ luật để bảo vệ bầy đàn. Mỗi đàn là một lãnh địa riêng do một con khỉ đực mạnh mẽ nhất cai quản. Khỉ đầu đàn có quyền lực tối thượng, đi một bước, cả bầy phải theo. Vị trí này được xác lập bởi những trận chiến khốc liệt, thậm chí đổ máu giữa các con đực cùng đàn để giành lãnh địa và... các nàng khỉ cái. Kẻ chiến thắng trở thành “Hầu vương”, kẻ thua trận phải rời khỏi đàn, sống cô độc.
Giống khỉ nuôi trên đảo thuộc họ khỉ vàng Đông Nam Á có tên gọi Maccaca Mullata, với đặc điểm lông vàng, đít đỏ, đuôi hơi ngắn và đặc biệt là phần lông ngực màu xanh xám. Ở đây, chúng được nuôi theo phương pháp bán tự nhiên: không nhốt, ăn thức ăn riêng. Mỗi ngày, cả bầy được ăn hai lần. Thức ăn của chúng  là cơm gạo lức trộn đậu đen hoặc đậu tương, lạc nhân và muối. Riêng củ quả tươi, mùa nào thức nấy, đều đặn mỗi tuần 2 lần, đủ loại như: chuối, ổi, mía, cam, khoai lang, cà rốt...
Tuổi thọ trung bình của khỉ là 30 năm. Chúng bước vào thời yêu đương lúc 4-5 tuổi. Mùa yêu đương của khỉ cũng trùng với mùa cưới của con người và đến tháng 2- 3 năm sau là mùa sinh sản. Khỉ mẹ mang thai 6 tháng. Sau khi đẻ, 6 tháng sau chúng có thể có mang trở lại. Một đời, khỉ có thể đẻ từ 7-10 lứa.
Tình mẫu tử
Bây giờ, không biết đảo Rều có mở cửa đón khách du lịch không? Năm bố đến, chỉ những người có trách nhiệm hoặc quen biết thế nào đó mới được đến đảo. Chuyến đi mà bố được tham dự do bác Phong (nhà báo) đạo diễn với sự dẫn đường của bác trưởng công an thị xã Cẩm Phả. Từ bến nước chỗ tàu thuyền cập mạn, có con đường dẫn lên khu nhà ở của cán bộ, công nhân, tiếp đó dẫn đến khu trung tâm cho khỉ ăn. Lúc đi trên đường, cây cối hai bên đường xao động, thỉnh thoảng có tiếng chí choé của khỉ. Đó là vì khỉ bám theo người. Quay lại nhìn sẽ thấy trong lùm cây, các con khỉ đang đu cây, chuyền cành, mắt láo liên nhìn du khách. Có một vài con dạn dĩ, bám theo ngay trên đường. Bác Phong dặn bố giữ chắc đồ đạc, mũ nón… Chỉ cần sơ hở là lũ khỉ có thể cướp mất!
Đến khu trung tâm mới thấy đúng là đảo khỉ! Từng bầy khỉ đang đùa giỡn trên bãi đất trống, khá bằng phẳng rộng chừng hai trăm vuông. Ở giữa bãi đất là một gian nhà nhỏ, mái bằng dùng để bắt khỉ khi cần. Những con khỉ ở đây khá dạn, chúng bu theo người, ngửa tay xin đồ ăn. Khi có đồ ăn ném xuống, chúng tranh nhau chí choé. Có một con khỉ mẹ bồng theo một con khỉ con tha thẩn ở một góc sân. Thấy bố lại gần, nó ngửa tay xin. Sẵn có quả chuối nhỏ, bố đưa cho nó. Nó cầm lấy, bóc vỏ rất nhanh, đưa cho đứa con. Nó ngước mắt nhìn bố, như muốn xin thêm, nhưng bố không còn gì để cho nó cả. Nhìn lũ khỉ chơi đùa thật thanh bình. Giá như chỉ xem vậy rồi về thì mãi mãi bố sẽ có ấn tượng đẹp về đảo Rều. Nhưng không chỉ có thế! Bố không biết mình sắp phải chứng kiến một cảnh tượng thương tâm, đầy ám ảnh!
Những con khỉ con bị đưa về đất liền
để chiết xuất sản xuất vắc xin.
Đó là lúc người ta mang đồ ăn lên cho khỉ và lại đúng vào ngày bắt khỉ. Thức ăn được rải ra quanh bãi một ít, còn phần nhiều để trong gian nhà. Khỉ từ các lùm cây ùn ùn kéo ra, cơ man là khỉ. Có nhiều con khỉ mẹ dẫn theo cả khỉ con. Nhặt hết thức ăn ngoài sân, chúng tranh nhau vào trong gian nhà. Bỗng rầm, rầm!!!... Các cánh cửa sập xuống, lũ khỉ hoảng loạn tìm lối thoát thân! Những con khỉ mẹ ôm con, nhớn nhác. Bố cũng không để ý, không biết trong số ấy có mẹ con con khỉ mới xin bố quả chuối không! Người ta nhanh chóng tìm cách thả bớt những con khỉ trưởng thành, tập trung vào mấy con khỉ mẹ và khỉ con. Lũ khỉ con sợ hãi, bám chặt vào mẹ, nhưng rồi từng con, từng con bị giằng khỏi mẹ chúng, đưa ra nhốt vào những chiếc lồng sắt nhỏ, xách về phía khu nhà ở của cán bộ công nhân. Những con khỉ mẹ chạy theo kêu khóc não nùng. Những con khỉ con khiếp sợ, kêu lạc giọng, tay thò ra về phía mẹ chúng cầu cứu…
Thật là một cảnh tượng hãi hùng. Sự việc diễn ra bất ngờ quá, kinh khủng quá làm bố bủn rủn chân tay, tim thắt lại. Bác Phong và bác Mạnh cũng thất thần, quay mặt đi, không dám nhìn theo nữa. Họ đều đang có con nhỏ, chỉ hơn con một hai tuổi thôi! Ai đã làm bố, làm mẹ, nhất là đang nuôi con nhỏ, chắc chắn đều sock nếu bất ngờ chứng kiến cảnh này!
Trước khi đến đảo, bố được nghe nói khỉ nuôi ở đảo là để phục vụ việc sản xuất vác xin phòng chống bại liệt cho người, nhưng không nghĩ rằng việc sản xuất ấy từ những con khỉ con mới một hai năm tuổi! Chúng còn bé dại quá! Tội nghiệp chúng nó!
Nhiều năm rồi bố vẫn không sao quên được hình ảnh những con khỉ con khiếp sợ, quơ quơ tay về phía mẹ chúng, gào thét đến lạc giọng, gọi mẹ, cầu cứu!
Mong sao các nhà khoa học tìm cách chế được vác xin phòng chống bệnh cho người mà không phải giết những con khỉ con tội nghiệp.
Mong lắm thay!!!

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Con mèo trắng đốm đen

Nó là con mèo cái, màu trắng muốt có một đốm đen lẫn một ít lông vàng ở đầu và hai đốm đen ở phần thân, gần đuôi, hơi chếch xuống bên trái.
Khi mới chuyển lên 58A Trần Nhân Tông, trên cái trần nhà bằng cót ép, đêm đêm chuột chạy rầm rầm, như giặc. Hôm đến chơi nhà bác Tuế, nhà ở dãy cấp 4 sát đường Nguyễn Quyền, thấy mèo nhà bác ấy đẻ, mèo con đã được 2 tháng tuổi, biết ăn, bố xin một con (theo kinh nghiệm dân gian, bố mẹ đưa cho bác ấy một đồng tượng trưng để cho dễ nuôi), nuôi để nó bắt chuột.
Đêm đầu tiên, lạ nhà, nhớ mẹ, nó kêu khóc ầm ĩ! Bố phải dậy, ngồi trong đêm tối, để nó trong lòng bàn tay, vuốt ve, dỗ nó. Kêu khóc một hồi lâu, rồi như mệt quá, nó ngủ thiếp đi. Đêm thứ hai, tắt đèn được một lúc, nó cựa quậy và bắt đầu kêu. Nằm trong màn, bố nói vọng ra, doạ: Ngủ đi! Không ngủ, tao gọi chuột đến bắt bây giờ! Con cũng cựa quậy, chưa ngủ, mẹ doạ: Ngủ đi, nếu không bố gọi chuột ra cho nó khiêng đi bây giờ! Không biết có phải hiệu quả do lời doạ hay không mà cả mèo và người đều lặng im và ngủ lúc nào chẳng biết!
Con mèo nhà mình nhang nhác
con này (ảnh ST)
Đó là một con mèo khoẻ mạnh, nhanh thoăn thoắt. Nó ăn rất tốt, thích ăn cá, thịt thích vừa phải, ăn được cả rau, nhất là rau muống xào… Mẹ kiếm cho nó một cái bát sắt, bị vỡ một miếng men bằng chiếc cúc áo bông, cho thức ăn vào đó mỗi khi đến bữa. Nó ăn một mạch, rất ngon miệng, thường là ăn hết suất, ít khi bỏ dở. Hôm nào có cá, vừa ăn nó vừa “ngoăm ngoăm” ra chiều khen “ngon ngon”. Ăn xong ra cửa ngồi, “chải chuốt” làm đẹp, không quấy quả ai trong lúc nhà mình ăn cơm, kể cả khi có khách. Mặc dù thường ở nhà một mình, nó chưa bao giờ ăn vụng.
Nó là con mèo nhát. Lúc bé, hễ cứ thấy người lạ vào nhà là nó chui tọt vào gầm giường ẩn nấp, khách về một lúc mới lò dò đi ra. Khi lớn, nó dạn hơn, nhưng ít khi nó để cho khách vuốt ve, ôm ấp.
Nó là con mèo không hay chuột. Bố chưa thấy nó bắt được con chuột nào. Nhiều lần bố chứng kiến nó ngồi ngoài cửa, hững hờ nhìn chuột cống chạy ngoài sân. Vậy mà kể từ cái đêm có nó, chuột bọ rủ nhau trốn đâu hết, không còn thấy chúng phá phách trên trần nhà!   
Nó có một cái tật hay đi toilet trong gầm giường. Nó là con mèo nhát, ít khi mò ra ngoài nhà. Nhà mình lúc ấy cũng chưa có bếp. Bố cũng chẳng “dạy” nó, bởi vậy khi có nhu cầu, nó chẳng biết toilet vào chỗ nào, cứ vào gầm giường là chỗ “kín đáo” nhất mà “giải quyết”! Mùi cứt mèo chua loét, nồng nặc. Mỗi lần dọn, lau rửa rất cực, lau rửa rồi vẫn còn mùi. Lúc còn bé, bố tha cho cái tội chưa biết gì. Khi nó đã thau tháu, mỗi lần dọn phân cho nó, bố lôi nó vào, chỉ cho nó biết lỗi, cho nó vài cái phát tay vào mông. Nhưng nó vẫn chứng nào tật ấy. Tức quá, có mấy lần bố lấy cái đũa cả, đánh nó thật mạnh, nó gào lên: ngao ngao… đau đau!!!
Bị đánh đòn đau, nó sợ bố. Mỗi trưa bố về, vừa mở cửa nhà là nó vội chạy ngay ra, không dám ở trong nhà. Có lần, chắc là ngủ quên, khi mở cửa bố thấy nó còn mắt nhắm mắt mở chạy ra, thật tội! Nỗi sợ này theo nó mãi, kể cả khi đã trưởng thành, đã là mẹ của mấy lứa con. Mẹ con kể,  đang ngồi lim dim với mẹ, hễ thấy nó chạy vội ra cửa ngồi là y như rằng biết bố đang về tới đầu ngõ. Có buổi chiều chú Thắng (bạn học với bố mẹ) tới chơi, bố đi làm chưa về. Trong lúc ngồi đợi, chú Thắng vừa trò chuyện, vừa vuốt ve con mèo. Con mèo đang lim dim bỗng dỏng tai, lách ra khỏi tay chú Thắng, chạy nhanh ra cửa. Mẹ bảo: ông ấy (bố) sắp về tới. Chú thắng ngó ra cửa nhìn, không thấy, quay lại hỏi: Có thấy đâu! Sao bà biết ông ấy đang về? Mẹ bảo: Con mèo nó nghe thấy tiếng xe đạp của “bố” nó, nó mà chạy ra cửa ngồi là bố nó sắp về! Quả đúng là như vậy!
Nó sợ bố nên nó thường né, không dám gần bố. Những lúc bố ở nhà, nó thường ra cửa nằm. Có lúc quên, nó đi vào nhà, nhưng thấy bố nhìn, tỏ ý không bằng lòng là nó lại quay ra cửa. Vậy nên, muốn để nó vào hoặc nằm chơi trong nhà, bố thường phải tránh, không nhìn nó. Nhiều lúc bố cũng lừa bắt được nó, vuốt ve, gãi đầu, gãi lưng cho nó. Những lúc như thế, tay trái bố phải giữ nhẹ nó, tay phải vuốt ve, gãi cho nó. Nó cũng để yên cho bố vuốt ve. Nhưng chỉ cần nó thấy bố buông tay, không giữ nữa là nó thoát khỏi bố ngay, không bao giờ chủ động ngồi chơi hay đùa giỡn với bố.
Nó rất quấn mẹ con. Mỗi khi mẹ đi làm về, nó rối rít theo chân, dụi đầu vào người mẹ, giục mẹ cho ăn. Hôm nào đói quá, nó giục mẹ cuống cuồng, có lần còn nhảy lên cả bàn bếp, ngó nghiêng vào cái chảo đang chiên cá cho nó, lửa bén cháy rụi một bên ria. Nhiều lần, biết tính nó, chưa kịp thay quần áo, chưa kịp nấu ăn cho người, mẹ phải vội làm đồ ăn cho nó. Những tối mùa đông, mẹ ngồi khâu len, nó thường quẩn quanh bên cạnh, chơi đùa với những sợi len. Có lúc làm vướng tay, mẹ nhắc nhở nó, nhưng nó cứ kệ, không nghe. Mẹ phải bảo, bố kìa, bố mắng nó đi! Bố chỉ cần tằng hắng, lừ mắt nhìn, vậy là nó thôi, không nghịch nữa, ngồi cạnh mẹ, ngủ gà ngủ gật. Đêm đến, cả nhà đi ngủ, nó thường nằm ngủ bên cạnh chân mẹ. Sáng ra, chừng 5 giờ, thấy mẹ trở mình, nó đi lên ngồi ngay ngang tai, kêu “mao mao…”, ý giục mẹ dậy “mau” để cho nó ăn. Nếu mẹ chần chừ, nằm rốn thêm, nó lấy tay cào cào vào tay mẹ, bắt dậy cho bằng được.
Đến tuổi trưởng thành, nó có bầu. Thương nó bụng mang dạ chửa, mẹ thường mua cá tẩm bổ cho nó. Một buổi, nó cuống cuồng quấn lấy chân mẹ. Biết nó chuyển dạ, sắp sinh nở, mẹ lấy một chiếc nắp hộp, lót một chiếc áo cũ, đặt vào gầm giường, chỗ khuất. Nó vào ngay, rục rịch một lúc thì thấy tiếng mèo con oe oe chào đời. Lần đó nó đẻ 3 con, con nó đều trắng, đốm đen giống mẹ. Khi con nó cứng cáp, biết bò lổm ngổm, một hôm nó tha một con đến trước mặt mẹ, đặt xuống, có ý muốn khoe. Con mèo con giống mẹ như đúc, rất dễ thương. Mẹ con đặt nó lên lòng bàn tay, vuốt ve, bảo: Trộm vía, con mày xinh lắm,… giống mẹ quá,… hay ăn chóng lớn nhé,… Nhưng mà mày đẻ vừa thôi, đẻ nhiều quá, không chăm sóc tốt được, biết chưa!... Con mèo nằm nghiêng, chân tay duỗi dài rất thoải mái, cái đuôi hững hờ vẩy qua lại. Nghe mẹ bảo đẻ ít thôi, nó nhìn lơ đãng đâu đó, kêu meo một tiếng như là tiếng… vâng! Nhưng nghe giọng điệu, có vẻ nó vâng cho phải phép!
Nó là con mèo khoẻ mạnh, mắn đẻ. Con nó được chừng hơn 2 tháng là người ta đến xin. Chừng tháng, hai tháng gì đó, đã lại thấy nó có bầu, rồi lại đẻ, nuôi con… Rồi một đêm tháng năm hay tháng sáu năm 1992, nó lại đến kỳ động dục. Nó ra ngoài tìm bạn từ chập tối. Nửa đêm, bố giật mình thức giấc vì tiếng con mèo chạy về, vào nhà qua cửa sổ. Tưởng nó về rồi nó ngủ. Nhưng không, nó và con mèo kia cứ nhảy qua nhảy lại qua cửa sổ, gầm gừ ầm ĩ. Tức mình bố bò dậy, quát nó một tiếng. Thấy vậy cả 2 phóng qua cửa sổ ra ngoài. Tiện tay bố khép cửa sổ lại để chúng nó khỏi quậy phá. Mọi lần, nó cũng đi qua đêm, nhưng sáng sớm hôm sau là nó về, nằm ở cửa chờ mẹ dậy. Nhưng lần này, sáng ra không thấy nó, đến chiều tối cũng không thấy nó về. Mãi sáng ngày thứ 3, khi mẹ chuẩn bị đi làm, mới thấy nó về, người lấm lem, leo lên ngay cái gác trong bếp nằm. Mẹ lấy đồ ăn cho nó, gọi nó xuống ăn, nhưng nó không xuống. 
     Mẹ điện báo cho bố biết con mèo đã về, dặn bố đừng mắng, đừng đánh nó, kẻo nó sợ, nó bỏ đi nữa, biết tìm ở đâu. Chiều bố về sớm. Chén cơm để trong bếp từ sáng vẫn còn nguyên. Vậy là nó bỏ ăn. Bố vào, nhìn lên chỗ nó ở, thấy nó đang nằm, quằn quại, đau đớn, miệng nó sùi bọt, quanh đó có một ít chất nó nôn ói ra. Vậy là có thể nó ăn phải bả độc ở đâu đó rồi! Trong cơn vật vã, nó nhìn bố như muốn cầu cứu, nhưng bố chẳng biết làm thế nào! Ngày ấy bác sỹ thú y chưa sẵn như bây giờ. Mẹ về, có mua cho nó con cá, vội chiên lên, nhưng nó không kịp ăn nữa!...
Bao năm rồi, mỗi lần nhớ chuyện con mèo, bố lại thấy hiện lên đôi mắt nó nhìn bố cầu cứu, thật thương tâm, thật đau lòng quá!
Lúc nó mất, nó mới được 5 năm tuổi, cái tuổi đang sung mãn của đời nó. Giá như bố không khép cái cửa sổ lại, có thể nó sẽ sống với nhà mình cho đến lúc già!
Giá như!!!



Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Con gà, con ngan

Nhiều nhà ở khu 58A Trần Nhân Tông tận dụng những chỗ có thể để nuôi gà cải thiện bữa ăn. Những nhà cạnh nhà mình cũng nuôi gà. Các chuồng nuôi gà được đặt ở ngoài nhà, dọc lối đi. Nuôi gà trong khu tập thể vốn chật chội đương nhiên là gây ô nhiễm môi trường. Nhưng đời sống khó khăn, mọi người đành sống chung với gà! Thấy họ nuôi được, bố mẹ cũng tính chuyện nuôi gà.
Gà chọi (ảnh  ST)
Nhân một chuyến về quê, bố mang lên Hà Nội một ít tre, vài thanh gỗ. Một ngày kỳ cạch cưa cưa, đóng đóng, bố cũng làm được một cái chuồng gà xinh xắn, đặt phía hông nhà, cạnh chuồng gà của nhà bên cạnh. Trong một lần về chơi nhà bà u nuôi của mẹ con ở làng Trịnh, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh, nhờ bà u mách bảo, bố mẹ mua được 6 con gà con, giống lai gà chọi. Nhìn đàn gà của gia chủ, bố mẹ rất thích bởi những con gà trưởng thành rất cao, to, thường cân nặng 3 - 4 ký lô. 6 con gà con lúc mua mới bằng nắm tay, giá 25 đồng, gần bằng nửa tháng lương của bố. Bố nhẩm tính, nếu nuôi tốt, vài tháng sau, gà lớn, bán đi chắc sẽ có một khoản tiền kha khá, bù vào mua đường sữa, thịt cá cho con! 
Hai ba hôm đầu, gà được nhốt trong chuồng. Khi gà đã quen chỗ ở, bố thả cho nó chạy kiếm ăn quanh khu. Mấy con gà này nhanh nhẹn, ăn tốt, lớn rất nhanh. Mới được chừng tháng mà đã thấy chúng nó lớn lộc ngộc, gấp đôi lúc mới mang về, nhìn rất thích mắt. Lúc nuôi gà vẫn chưa có bức tường ngăn khu tập thể và khu làm việc. Bởi vậy mấy con gà nhà mình nó đi kiếm ăn cả ở khu vực cơ quan làm việc. Mấy con gà đương nhiên không biết nguy hiểm đang chờ chúng ở phía trước. Bố cũng vô tâm, không nghĩ rằng có người vốn đã không ưa  nhà mình khi nhà mình chuyển đến đây, giờ thấy gà của nhà mình lớn nhanh như thổi, lại tung tăng quậy phá cơ quan, họ nghĩ cách chơi ác!
      Hôm ấy cũng như mọi ngày, bố thả gà ra, cho chúng ăn một chút rồi đi làm. Chiều tối, gà về chuồng đầy đủ, cho thức ăn, chúng không ăn, diều con nào cũng no căng, chắc là kiếm ăn được ở đâu đó! Đêm ấy, gió Bắc tràn về, trời trở lạnh, mưa nhỏ. Khoảng 2 giờ sáng, bố mẹ chợt thức giấc, lo âu bởi có tiếng lạch phạch phát ra từ cái chuồng gà của nhà mình. Lúc đầu tưởng trộm, nhưng nhìn qua cửa sổ không có bóng dáng người! Bố xách đèn pin ra soi vào chuồng gà, rụng rời chân tay khi thấy cả 6 con gà đang giãy giãy trong cơn hấp hối. Vậy là chúng bị đánh bả rồi! Hèn nào, chập tối, diều con nào cũng căng! Rất nhanh, bố nhận diện thủ phạm vụ đánh bả này, đó là mụ Nh, nhân viên y tế cơ quan. Khi gia đình mình đến đây ở, mụ luôn tìm cách cạnh khoé nhà mình. Nhà mụ, 2 vợ chồng cùng cơ quan, có 2 đứa con, cả nhà ở căn hộ khoảng 10m2 ở dãy sát đường Nguyễn Quyền. Trước đó, vợ chồng mụ đã xin đổi ra ở chỗ nhà mình, nhưng không được, nên thù ghét nhà mình.
Đàn gà nhà mình lúc bị đánh bả
cũng lộc ngộc thế này!
Bố mẹ thẫn thờ ngồi nhìn ra đêm mưa, ruột đau buốt nghe tiếng lạch phạch giãy chết của đàn gà mà không biết làm thế nào để cứu chúng! Đã nghèo, chắt chiu chút vốn còm, nuôi con gà con qué, coi như bỏ tiết kiệm, vậy mà giờ mất sạch, đúng là chó cắn áo rách! 3 giờ đêm, lạnh lẽo quá, bố đứng dậy thắp một nén hương, cầu cho linh hồn những con gà bị chết oan được siêu thoát! Gần 4 giờ sáng, tiếng lạch phạch không còn! Bố ra mở chuồng gà, 5 con gà đã chết, 1con còn ngắc ngoải. Uất ức, bố cầm những con gà đã chết, mang đến cửa nhà mụ kia, để đó. Sáng sớm, mụ ra sân đứng, nhìn về phía nhà mình, la oai oái! Bố ra cửa, tay chống nạnh, ném cái nhìn đầy lửa vào mặt mụ. Mụ im bặt, cắm cúi quay vào nhà. May cho mụ, nếu còn đứng đó mà lu loa, có thể mụ sẽ mất mấy cái răng cửa!
        Còn một con, thật ngạc nhiên, nó vượt qua cơn nguy kịch và sống được, chỉ có điều nó bị di chứng, giống người thần kinh, đầu nó luôn lắc lư. Con gà đó bố nuôi nhốt trong chuồng, không dám thả ra, thả ra chắc nó không tự kiếm ăn được. Nó lớn chậm, vài tháng sau mới được gần ký rưỡi. Nhân một chiều thiếu mồi nhậu, nhóm bác Cò lôi nó ra, hoá kiếp cho nó thành kiếp khác! Cái chuồng gà trống không, rồi bố cho ai đó, chẳng nhớ nữa!
Con ngan (ảnh ST)
            Bẵng đi một hai năm sau, khi bức tường rào ngăn khu làm việc và khu tập thể được dựng lên, nhờ vậy nhà mình có cái bếp, mẹ con tính chuyện nuôi ngan. Mẹ mua ở đâu đó 4 con ngan con, rất xinh xắn, thả vào ngăn trong của cái bếp, chỗ dành để tắm rửa. Có 2 con, sức yếu, được mấy ngày thì chết. 2 con còn lại rất phàm ăn, khoẻ mạnh, lớn nhanh như thổi. Suốt ngày bị nhốt trong khu vực chật hẹp, ít ánh sáng, nhưng chúng rất hiền lành, ăn xong lại nằm, đi lại quanh quẩn, không hề quậy phá. Kể cả khi chúng đã to lớn, đủ lông đủ cánh, mẹ chỉ chặn cửa khu vực nhà tắm và bếp bằng tấm gỗ thấp, chừng 30cm, nhưng chưa bao giờ chúng vượt qua sang khu vực nấu ăn. Nuôi đâu chừng gần 3 tháng, mỗi con đã được hơn 2 ký lô. Nhân một ngày đẹp trời, bố mẹ mời nhóm bác Cò ra tổ chức ăn tươi. Chiều đó, anh Lịch ra sớm, cắt tiết, vặt lông ngan. Lúc sau, 4-5 người nữa đến, xúm vào mỗi người một tay, vui vẻ, náo nhiệt. Trên chiếc phản gỗ lim, món ăn bày ra gồm ngan luộc, ngan xáo măng, rau sống, bún, bia vạn lực… Không biết có phải do là sản phẩm tự tay mình làm ra không mà bữa tiệc hôm ấy ngon quá! Thịt ngan mềm, ngọt, xáo măng thơm lừng, đậm đà, tuyệt cú mèo!... Ai nấy đều no say, mãn nguyện.
Bữa đó con ngồi trong lòng anh Lịch, anh gỡ những miếng nạc ngon nhất cho con ăn, hỏi ngon không, con gật đầu: ngon! Nhưng lúc ấy con còn bé, giờ chắc chả nhớ cái vị ngan hôm đó nó ngon thế nào!
Sau lứa đầu, mẹ nuôi thêm 2 lứa nữa, kết thúc mỗi lứa bao giờ cũng là một bữa ăn tươi vui vẻ, thấm đẫm nghĩa tình.




Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Nhà mình không có ti vi!

Chiếc đài VEF 206
Phương tiện giải trí duy nhất
của nhà mình!

      Những năm 80 thế kỷ trước, ở miền Bắc, ti vi là hàng hoá cao cấp, tài sản quí hiếm, chỉ ít gia đình có. Nhà ông bà ngoại có một chiếc ti vi cũ hiệu Sanyo 14 inch, đựng trong chiếc tủ gỗ, có cánh lùa, khép lại mỗi khi xem xong. Khi còn ở Trung Tự, hôm nào có phim, kịch, bố mẹ sang xem ké. Khi chuyển lên 58A Trần Nhân Tông, bố mẹ chỉ có cái đài VEF 206 của Liên xô mang theo. Chiếc đài này được bà ngoại mua, nhân chuyến đi thăm quan Hung ga ri năm 1986 do Ban tổ chức TW sắp xếp cho cán bộ Lão thành cách mạng, tặng cho con gái - mẹ con.
Những năm đầu ở 58A, nhà mình không có ti vi cũng là chuyện bình thường, chả ảnh hưởng gì đến “hoà bình thế giới”! Khi ấy con còn nhỏ, bố mẹ phải làm thêm quần quật ngoài giờ, chả có thời gian để mà xem ti vi. Ngay cái đài VEF cũng ít khi mở nghe buổi tối. Khi con 3-4 tuổi, biết xem ti vi, cứ đến chương trình những bông hoa nhỏ, mẹ thường đưa con sang nhà cô Thắm xem nhờ, hết chương trình lại về. Cũng có hôm bố mẹ mải làm, con một mình tự sang nhà cô Thắm xem ké, lúc thì vào trong nhà ngồi xem đàng hoàng, lúc chỉ đứng ngoài, nhìn qua cánh cửa kép hờ. Nhà cô Thắm ở dãy cấp 4 lớn, cửa nhà mở đối diện ngay cửa sổ nhà mình. Hai vợ chồng cô Thắm làm cùng cơ quan, chồng cô có thời gian làm chuyên gia giúp bạn Lào nên có tiền sắm được chiếc ti vi Samsung đen trắng 14 inch. Cô Thắm có đứa con gái, tên là Trang, hơn con vài tuổi.
Samsung đen trắng
Mơ ước một thời!
Vào một buổi tối giữa năm 1991, bố mẹ đang mải dệt len, khâu len thì thấy con về khóc mếu máo, hỏi thì con bảo chị Trang không cho xem ti vi! Như thường lệ, bữa ấy tới chương trình những bông hoa nhỏ, con lại sang nhà cô Thắm xem ké. Con đứng ở ngoài cửa nhìn vào, trong nhà chỉ có 2 mẹ con cô Thắm. Thấy con xem ké, chị Trang ra khép cánh cửa lại, nhưng chưa chốt cửa. Con kéo cửa ra, đủ để hé mắt nhìn vào cái ti vi, chị Trang liền ra khép cửa và chốt lại! Mẹ phải dỗ mãi, nói bố sẽ mua ti vi cho con xem thoải mái, tẩy chay, không thèm xem ti vi nhà ấy nữa!
Từ đầu năm 1991, Bố đã chuyển nơi công tác, cuộc sống đã dễ thở hơn. Bố mẹ cũng dành dụm được chút tiền, định mua một chiếc samsung 14 inch, nhưng có người bảo giờ ti vi đen trắng đã lỗi thời, có thì sắm luôn ti vi màu! Nghe mọi người nói, ti vi hàng cáy (hàng cũ từ nước ngoài nhập về), đem chuyển hệ (từ hệ NTSC sang hệ PAL) là có ti vi màu loại xịn,  nhiều cái dùng rất tốt, nếu quen biết thuỷ thủ viễn dương thì có thể mua được với giá rẻ. Bố gọi điện cho bác Phong ở Hòn Gai Quảng Ninh, dạm hỏi việc này. Bác Phong là nhà báo, quen biết nhiều, nhận lời nhờ người quen mua giúp. Khoảng một tuần sau, bác Phong thông báo có một chiếc ti vi màu, 14 inch, đã chuyển hệ, mang về xem liền, giá 600 ngàn (hơn một chỉ vàng, tương đương giá mua chiếc Samsung đen trắng do VN lắp ráp) nếu ưng thì mang tiền xuống lấy. Bố bàn với mẹ, quyết định mua chiếc đó. Bố đến nhà bác Phong tầm chiều, sau bữa cơm tối thì người ta mang chiếc ti vi đến. Người mang đến là một cán bộ hải quan làm ở cảng Hòn gai. Anh ta nói chiếc ti vi do anh ta mua lại của thuyền viên, đã đưa thợ chuyển hệ, nể bác Phong nên để lại cho bố giá gốc, không lời lãi! Anh ta giở ra, cắm điện, mở cho bố và bác Phong xem muỗi (xem màn hình không có tín hiệu). Đó là chiếc ti vi hiệu Siemens, không phải các hiệu nổi tiếng như Sanyo, National, JVC, Sony… Vỏ chiếc ti vi màu đen xám, vẫn còn khá tốt, theo bác Phong, muỗi khá đẹp. Bố ưng thuận liền, chả đắn đo suy nghĩ. Bố và bác Phong hì hục đóng nó trở lại vào chiếc hộp carton, làm thêm cái quai để xách. Đêm ấy, bố ngủ chập chờn, 4 giờ sáng đã dậy. Bác Phong đưa bố ra bến xe, gửi bố đi nhờ một bác tài xe khách quen về Hà Nội. Bác tài rất nhiệt tình, dành chỗ tốt để chiếc ti vi, trưa hôm ấy lại mời bố bữa ăn, có cả bia chai Hà Nội!
Chiều ấy, bố đi mua ngay một chiếc ăng ten, một đoạn dây ăng ten, chờ hết giờ, người làm việc đã về, bố mang ăng ten lên mái nhà 5 tầng, tìm chỗ đặt, thả dây xuống. Buổi tối, cơm nước xong, chờ đến giờ vô tuyến truyền hình, cả nhà mình hồi hộp mở ti vi. Ôi, nhạc hiệu quen thuộc nổi lên, hình màu, đẹp mỹ mãn. Vậy là nhà mình tiến thẳng lên ti vi màu, bỏ qua giai đoạn ti vi đen trắng! Cuộc sống thay đổi đến bất ngờ, cứ ngỡ như mơ!
Sony 14 inch theo vào SG
Cuối năm ấy, bố có chuyến công tác ở phía Nam, in và phát hành lịch tết, được một khoản kha khá. Đáng kể hơn là nhân chuyến đi phát hành lịch cho một tỉnh miền Tây Nam bộ, bố được đơn vị nọ cho mua hàng thanh lý từ nguồn bắt hàng lậu qua biên giới. Đó là một chiếc ti vi màu Sony 14 inch và một chiếc đầu video đa hệ. Cả hai đều mới cứng, tổng giá trị 3,2 triệu đồng. Khi về Sài gòn, riêng chiếc đầu video đã bán được 2,5 triệu đồng. Bố giữ lại chiếc ti vi, mang ra Hà nội sau chuyến công tác. Chiếc ti vi ấy ngoài thị trường bán 4,9 triệu đồng, tương đương một cây vàng. Những người cùng cơ quan bố, kể cả ông thủ trưởng, đều vẫn đang dùng ti vi Samsung đen trắng. Bởi vậy, nhiều người nhìn chiếc ti vi nhà mình với con mắt đầy ghen tỵ! Chiếc ti vi Siemens, nhà mình để lại cho ông bà ngoại, đúng dịp chiếc ti vi của ông bà ngoại mới hư cách đó vài tuần. Khi bố đi thường trú ở phía Nam, có lần viết thư cho bố, mẹ kể, lần nào xuống nhà ông ngoại, con đều bảo: Ông trả ti vi cho nhà cháu!
Khi nhà mình chuyển vào Nam, chiếc ti vi Sony cũng được mang theo. Nó ở với nhà mình thêm cả chục năm trời, cho đến khi ti vi 21- 29 inch tràn ngập, thay thế, nó đã lặng lẽ theo ai đó về miền đồng bằng Nam bộ, chả hiểu giờ còn “sống” không!
Giờ thì ti vi các loại nhiều vô kể, hiện đại vô cùng, giá lại rẻ như bèo! Nhà mình 3 nhân khẩu mà có lúc có tới 4-5 chiếc! Ti vi nhiều quá, rẻ quá, mua sắm dễ dãi quá… thành thử cảm xúc khi đón nhận nó cũng nhợt nhạt, chẳng để lại dấu ấn gì đáng kể, chả khác gì quan hệ thời kinh tế thị trường, dễ đến và dễ đi một cách vô hồn!

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Xếp hàng thời bao cấp

Chen nhau mua hàng thời bao cấp!
Thời bao cấp, chuyện xếp hàng mua nhu yếu phẩm, hàng hoá phục vụ tiêu dùng là chuyện “thường ngày ở huyện”. Cán bộ công chức ngoài tiền lương còn được cấp tem phiếu để mua lương thực, thực phẩm, mắm muối, vải vóc, đường sữa, thuốc lá, xà phòng… Ngày thường xếp hàng đã cực, ngày giáp tết xếp hàng mua hàng tết còn cơ cực nữa, cứ là phải xác định mất ba bốn ngày mới mua xong tiêu chuẩn! Những ngày cuối năm, phòng làm việc thường vắng teo, tất cả đều phải tranh thủ đi xếp hàng chờ mua hàng tết! Nhiều lúc xếp cả buổi, sắp đến lượt mình thì… hết hàng!
Hồi mới ra trường, làm ở Trần Bình Trọng, ngủ ở phố “hàng bàn”, bố báo cơm ở nhà ăn tập thể ở đường Nguyễn Quyền, giáp với khu tập thể 58A Trần Nhân Tông. Cơm 2 bữa chính: sáng và chiều, trưa tự túc. Ngày ấy bố còn bị đau dạ dày, chả được kiêng khem gì, canh dưa cải chua lại là món thường trực, đau càng thêm đau! Bố ăn ở đây chừng gần năm, khi có bác Cò về ở cùng thì thôi, tự nấu ăn lấy. Ấn tượng về nhà ăn này cũng không nhiều lắm. Nhưng có một lần ăn mà nhớ tới già! Hôm ấy là ngày theo lịch bố dành buổi tối cho “sức khoẻ” của ông ngoại, bố đi ăn sớm. Ăn cùng mâm với bố là 2 bác, bố không biết tên. Lúc đầu cũng chuyện qua chuyện lại rôm rả. Nhưng đến giữa chừng thì hai bác kia bỗng ngưng chuyện và vội vàng kết thúc khi mới ăn được 2 chén (thường chị nuôi chia cơm mỗi người 3 chén). Họ đi rồi, bố cũng làm thêm chén thứ 3, định chan canh để ăn cho nhanh. Canh hôm ấy là canh rau cần nấu với vài miếng thịt heo, thường đựng trong chiếc xoong nhôm. Nhưng muỗng canh vừa lên khỏi mặt nước, bố vội buông tay thả xuống bởi trong cái muỗng ấy, lẫn trong mấy cọng rau cần là một khúc của con… thằn lằn, màu xanh lè! A, giờ thì bố hiểu vì sao hai bác kia đột ngột kết thúc bữa ăn! Mà cũng lạ, lẽ ra khi phát hiện thấy thế, họ phải thông báo cho người cùng ăn biết, tốt nữa thì cầm ngay xoong canh báo cho chị nuôi để rút kinh nghiệm chứ nhỉ!...  Bố phải ngồi một lúc cho trấn tĩnh lại rồi lặng lẽ thu dọn đồ ăn đưa xuống trả cho nhà bếp. Bao năm rồi, mỗi khi nhớ chuyện ăn cơm tập thể ở Nguyễn Quyền, một khúc con thằn lằn màu xanh lại hiện ra trước mắt bố, rõ mồn một!
Từ khi có bác Cò về làm chung phòng, ngủ chung phố “hàng bàn”, bố không ăn ở cái bếp tập thể ấy nữa. Bác Cò khảnh ăn, không ăn được cơm ở bếp tập thể, nấu ăn rất giỏi, biết buôn bán, có đồng ra đồng vào, lại hay có khách… Vậy là bố và bác ấy mua một số thứ dùng cho nhà bếp, tự nấu ăn ngay tại phòng làm việc, sử dụng bếp điện là chính, bếp dầu chỉ để dự phòng lúc cần kíp hoặc khi mất điện. Do nấu ăn giỏi nên bác Cò giữ chân nấu ăn, bố lo đi mua đồ ăn. Từ chỗ làm, bố thường ra chợ Hôm xếp hàng, mua hàng theo tiêu chuẩn tem phiếu được cấp. Chuyện xếp hàng ở đây có 2 chuyện vui.
Chuyện thứ nhất: Bố bắt được kẻ trộm! Hôm ấy là ngày mùa đông, bố ra đây xếp hàng mua cá hay thịt gì đó, chả nhớ. Bố mặc một chiếc áo blu dông bằng vải ni lông lót mút mỏng, có 4 túi, miệng khoá bằng phẹc mơ tuya. Đó là chiếc áo ấm đẹp đầu tiên bố tự mua được có sự giúp sức của mẹ con. Lúc ấy, trước bố còn 3 người, phía sau còn khoảng mươi người. Trong lúc bố đang chăm chú nhìn về phía trước, nhìn ngó hàng, chờ đến lượt, bố bỗng cảm thấy như có ai đang từ từ kéo phẹc mơ tuya miệng túi áo dưới, bên trái. Không cần ngoái lại nhìn xuống, với một động tác nhanh như chớp, tay phải bố đã nắm được cổ tay của kẻ trộm, vặn ngược ra phía sau. Kẻ trộm kêu oai oái! Thì ra kẻ trộm là người phụ nữ vẫn đứng sau bố từ lúc đến xếp hàng. Cái miệng túi mới kéo được nửa chừng. Chị ta van xin: Tiền của anh vẫn ở trong túi, em chưa lấy được, xin anh tha thứ! Mọi người xúm lại bảo, con mẹ này thường xuyên móc túi ở đây, giải nó lên giao cho công an phường! Vậy là bố phải bỏ việc mua hàng, cùng với một hai người hỗ trợ dắt kẻ trộm lên làm thủ tục giao cho công an.
Chuyện thứ hai: Anh Dê giả làm… thương binh! Anh Dê tên thật là Dương, cùng quê “Thái lọ” với bố, bạn học ĐH với bố mẹ, cười nói be be suốt ngày nên mọi người gọi luôn là dê. Tính anh như trẻ con, giờ đã quá nửa đời người mà tính trẻ con thì vẫn nguyên như ngày nào. Khi nhà mình chuyển đến 58A Trần Nhân Tông, anh thường ghé chơi cùng nhóm bác Cò, “huấn luyện” con gọi anh là anh dê, xưng em. Do có vài trục trặc, anh Dê ra trường sau bố một năm, run rủi thế nào lại về làm cùng cơ quan với bố, khác bộ phận. Anh Dê cũng ngủ “hàng bàn”, ăn cơm Nguyễn Quyền. Ngày chủ nhật hoặc hôm nào có khách, bố và bác Cò lại gọi anh Dê đến tham dự. Anh Dê được cái chân chạy, sai việc gì cũng đi, chẳng nề hà, nhất là đi xếp hàng mua thực phẩm thì rất yên tâm, thế nào cũng mua được, lại ngon nữa! Chẳng hiểu anh Dê nhặt đâu được cái thẻ thương binh, cái ảnh thì mờ cũ, nhờ cái mờ cũ ấy mà được việc! Thời đó, tại các điểm dịch vụ của nhà nước, thương binh được ưu tiên. Vậy nên, khi nào cần mua thực phẩm gấp về đãi khách hay tổ chức ăn tươi, anh Dê lại được giao nhiệm vụ. Đến chỗ xếp hàng, anh tập tễnh lê bước đứng vào hàng ưu tiên. Gặp cô mậu dịch viên kỹ tính, săm soi tấm thẻ rồi hỏi: Thẻ này có phải của anh không? Anh nghểnh tai lên và nói rõ to: Hả! Cô kia nhắc lại: Có phải thẻ của anh không? Anh đáp lại: Chân giò còn nhiều… lông cũng mua!... Mọi người nhao nhao, người ta là thương binh, bán đi, hỏi mãi! Vậy là phải bán, anh lại cứ chỉ miếng ngon! Sau này họ quen mặt anh, thấy anh tập tễnh đến là bán, không cần phải kiểm tra thẻ nữa!
Từ khi rời phố “hàng bàn” về Trung Tự, bố vẫn thường đảm nhận việc xếp hàng mua thực phẩm. Một số thứ có thể mua ban ngày, bà ngoại thường làm vì bà đã nghỉ hưu, dư thời gian. Nhưng khi mua thịt hoặc cá, muốn tươi ngon thì phải xếp hàng từ sớm, làm sao khi cửa hàng mở cửa thì mình phải đứng ở top 5 hoặc chí ít trong top 10! Bà ngoại có một chiếc làn nhựa rách, chuyên dùng cho việc xếp hàng.  Mưa, nắng, rét buốt gì cũng vậy, cứ khoảng 9 giờ tối, bố mang chiếc làn rách này ra chỗ bán thực phẩm để xí chỗ, vậy mà cũng ít khi được vị trí số 1, thường là số số 5 số 7. Xí chỗ xong thì về ngủ, sáng hôm sau 3 rưỡi hoặc 4 giờ phải dậy để giữ chỗ. Đến gần 7 giờ sáng, bà ngoại ra nhận chỗ, bố về ăn sáng rồi đi làm, sau này, từ đầu 1985, là đi học. Những lúc đi giữ chỗ như vậy, bố thường mang theo cuốn truyện để đọc. Khi đi học, bố thường mang theo sách giáo khoa, nhất là sách chính trị để tranh thủ học bài. Trong ánh đèn đường vàng vọt, bố chăm chú đọc học thuyết Mác-Lê nin, “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng”- tác phẩm nổi tiếng của Lê duẩn… Ngày ấy, đọc họ, bố thấy họ viết đúng quá, chả sai chỗ nào!!! Càng đọc càng thêm yêu cuộc sống mới, thêm yêu Cách mạng, chả thấy việc xếp hàng là khổ cực, là vô lý!!!... Cũng nhờ tranh thủ đọc sách khi đi xếp hàng mà các môn thi chính trị, vốn chẳng thông minh lắm mà bố toàn được điểm 7, điểm 8!
Hàng hoá bây giờ tràn ngập, không sợ phải xếp hàng, chỉ sợ không có tiền. Người ta bảo có tiền là có tất cả, cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền!




Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

Chiếc quạt Green sea

Chiếc quạt Green sea
(Chụp tại SG năm 2011)
Năm 1987, khi chuyển đến 58A Trần Nhân Tông, nhà mình chỉ mang theo 2 chiếc quạt điện: một chiếc quạt tai voi của Liên xô và một chiếc quạt con cóc của Điện cơ VN. Chiếc quạt tai voi là của ông bà ngoại cho mẹ từ khi chưa lấy chồng, nó cũ rồi, về 58A, chạy được thời gian ngắn thì nó hư. Vậy nên, những ngày trời nóng, chỉ có chiếc quạt con cóc làm việc. Chiếc quạt con cóc gốc gác ra sao bố cũng không nhớ nữa! Ngày ấy, trời đã nóng, oi bức, điện lại yếu, chập chờn, cánh quạt chạy lờ đờ, nóng càng thêm nóng. Đêm đến, trên chiếc phản gỗ lim, con được ưu tiên nằm gần nó, đến mẹ rồi đến bố. Nhờ có cái phản gỗ lim làm mát lưng, luồng gió yếu ớt của chiếc quạt con cóc và gió từ chiếc quạt giấy mẹ phụ quạt cho con, cả nhà rồi cũng chìm dần vào giấc ngủ, những giấc ngủ vật vờ, có khi thức giấc người đẫm mồ hôi!
Trong một lần vào Sài gòn công tác, ông ngoại mang ra cho nhà mình một chiếc quạt trần cũ, mừng quá! Nhưng khi lắp lên, bật công tắc điện, nó lại quay lắc lư, kêu ken két. Nhờ thợ đến xem, họ bảo quạt bị sát cốt, không sửa được, không dùng được! Vậy là từ khi treo nó lên, nó chỉ “làm cảnh”! Ngày ấy, bác Cò cũng thường buôn quạt trần từ Nam ra Bắc, có lúc mang đến nhà mình gửi nhờ lủ khủ cả chục chiếc, toàn hàng của Pháp, Ý, Mỹ, dù là hàng cũ, nhưng bố mẹ chả dám sờ vào, mỗi cái cả đống tiền, chả phải chuyện chơi!  
Đâu như tháng 3, năm 1990, bố có dịp cùng bác Mạnh đi Móng Cái Quảng Ninh, mẹ đưa 400 đồng để bố tìm mua chiếc quạt Trung quốc. Ngày ấy, biên giới còn đóng cửa, hàng hoá chưa thông thương nên để tìm mua hàng Trung quốc không phải dễ, mua được rồi cũng không dễ mang lọt vào sâu nội địa. Bác Mạnh vốn người thổ địa, lại có nhiều người quen ở Móng cái, vậy mà lùng mãi vẫn không có hàng. Họ bảo quạt đang hết, phải chờ vài ngày nữa may mới có. Chờ thì không được vì chuyến công tác không thể kéo dài thêm, mà có chờ cũng không biết khi nào có hàng! Tình cờ gặp một người cùng học với bố mẹ công tác ở vùng biên, bố gửi tiền nhờ mua, mua được người ấy sẽ gửi cho bác Mạnh, bác Mạnh sẽ mang lên Hà Nội cho nhà mình. Một tháng, rồi hai tháng trôi qua, chả thấy hồi âm gì. Bố phải nhờ bác Mạnh tìm người ấy lấy lại tiền.
Lấy lại tiền rồi, vừa may bác Tuyết - vợ bác Khánh – bảo, ở gần chỗ bác ấy làm, có công ty lắp ráp quạt, linh kiện của Đài loan, quạt đẹp lắm, 380 đồng (tương đương 1 chỉ vàng) một cái. Chưa biết mua quạt nào, ở đâu, trời lại đang mùa hè đỏ lửa, bố mẹ bàn với nhau đánh liều mua một cái!
Đó là chiếc quạt đứng (cây), hiệu Green sea, nhãn ghi Made in Taiwan! Thân quạt màu vàng sậm, 3 phím bấm tốc độ 1 phím tắt, một chiếc đèn ngủ, một nút hẹn giờ. Chiếc quạt đóng trong hộp carton, mở ra, vài động tác tháo lắp đơn giản là xong, sừng sững oai nghiêm đứng một góc nhà. Cắm điện vào, bố run run nhấn nhẹ cái nút số 3 tốc độ nhỏ nhất. Cánh quạt quay đều, bầu quạt quay qua quay lại chia gió mát cho mọi người. Nhấn nút số 1, gió thổi vù vù, mát ơi là mát! Từ chiếc quạt con cóc lên chiếc quạt Green sea, với nhà mình là một bước “đại nhảy vọt”, cuộc sống tưởng như cũng như được lên tiên! Đêm hôm đầu có Green sea hầu hạ, bố bật chiếc đèn ngủ gắn ở quạt, chiếc đèn toả ánh sáng dìu dịu, vàng nhạt, cảm giác thật lâng lâng, sao mà khó ngủ! Khi hai mẹ con đã khò khò, bố lặng lẽ ngồi dậy ngắm chiếc quạt dịu dàng quay quay trong đêm, đẹp như vũ nữ đang múa. Rồi bố ra sờ thử vào bầu quạt, quạt bật từ chập tối mà bầu quạt chỉ hơi âm ấm, khác hẳn chiếc quạt con cóc, mỗi khi nó chạy, bầu quạt nóng ran, có hôm phải lấy khăn dấp nước, đắp lên giải nhiệt.
Khi chuyển vào Sài gòn, may mắn thay, nhà mình lại mang theo chiếc quạt Green sea. Hơn 20 năm rồi, Green sea đã già nua tự lúc nào! Nhưng, ngoài cái tuốc năng bị hỏng, Green sea vẫn còn “khoẻ mạnh”, ngày ngày vẫn đứng ở góc nhà, như một lão bộc cần mẫn quạt mát cho mọi người những trưa hè oi ả.
Đất nước mở cửa, kinh tế xã hội nước nhà phát triển, hàng hoá phong phú vô cùng. Những chiếc quạt nội ngoại đủ loại, hình thức bắt mắt, có cả loại điều khiển từ xa, lại có cả quạt không cần cánh… Nhà mình cũng mua thêm nhiều chiếc quạt, đứng ngồi có cả, nhưng Green sea vẫn là cây quạt mà bố yêu quí, nhớ về nó nhiều nhất.
Green sea như người bạn trung thành, đã từng giúp nhà mình vượt qua quãng đường đầy gian nan, vất vả!
Bố sẽ giữ Green sea  ở với nhà mình, mãi mãi!