Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Xếp hàng thời bao cấp

Chen nhau mua hàng thời bao cấp!
Thời bao cấp, chuyện xếp hàng mua nhu yếu phẩm, hàng hoá phục vụ tiêu dùng là chuyện “thường ngày ở huyện”. Cán bộ công chức ngoài tiền lương còn được cấp tem phiếu để mua lương thực, thực phẩm, mắm muối, vải vóc, đường sữa, thuốc lá, xà phòng… Ngày thường xếp hàng đã cực, ngày giáp tết xếp hàng mua hàng tết còn cơ cực nữa, cứ là phải xác định mất ba bốn ngày mới mua xong tiêu chuẩn! Những ngày cuối năm, phòng làm việc thường vắng teo, tất cả đều phải tranh thủ đi xếp hàng chờ mua hàng tết! Nhiều lúc xếp cả buổi, sắp đến lượt mình thì… hết hàng!
Hồi mới ra trường, làm ở Trần Bình Trọng, ngủ ở phố “hàng bàn”, bố báo cơm ở nhà ăn tập thể ở đường Nguyễn Quyền, giáp với khu tập thể 58A Trần Nhân Tông. Cơm 2 bữa chính: sáng và chiều, trưa tự túc. Ngày ấy bố còn bị đau dạ dày, chả được kiêng khem gì, canh dưa cải chua lại là món thường trực, đau càng thêm đau! Bố ăn ở đây chừng gần năm, khi có bác Cò về ở cùng thì thôi, tự nấu ăn lấy. Ấn tượng về nhà ăn này cũng không nhiều lắm. Nhưng có một lần ăn mà nhớ tới già! Hôm ấy là ngày theo lịch bố dành buổi tối cho “sức khoẻ” của ông ngoại, bố đi ăn sớm. Ăn cùng mâm với bố là 2 bác, bố không biết tên. Lúc đầu cũng chuyện qua chuyện lại rôm rả. Nhưng đến giữa chừng thì hai bác kia bỗng ngưng chuyện và vội vàng kết thúc khi mới ăn được 2 chén (thường chị nuôi chia cơm mỗi người 3 chén). Họ đi rồi, bố cũng làm thêm chén thứ 3, định chan canh để ăn cho nhanh. Canh hôm ấy là canh rau cần nấu với vài miếng thịt heo, thường đựng trong chiếc xoong nhôm. Nhưng muỗng canh vừa lên khỏi mặt nước, bố vội buông tay thả xuống bởi trong cái muỗng ấy, lẫn trong mấy cọng rau cần là một khúc của con… thằn lằn, màu xanh lè! A, giờ thì bố hiểu vì sao hai bác kia đột ngột kết thúc bữa ăn! Mà cũng lạ, lẽ ra khi phát hiện thấy thế, họ phải thông báo cho người cùng ăn biết, tốt nữa thì cầm ngay xoong canh báo cho chị nuôi để rút kinh nghiệm chứ nhỉ!...  Bố phải ngồi một lúc cho trấn tĩnh lại rồi lặng lẽ thu dọn đồ ăn đưa xuống trả cho nhà bếp. Bao năm rồi, mỗi khi nhớ chuyện ăn cơm tập thể ở Nguyễn Quyền, một khúc con thằn lằn màu xanh lại hiện ra trước mắt bố, rõ mồn một!
Từ khi có bác Cò về làm chung phòng, ngủ chung phố “hàng bàn”, bố không ăn ở cái bếp tập thể ấy nữa. Bác Cò khảnh ăn, không ăn được cơm ở bếp tập thể, nấu ăn rất giỏi, biết buôn bán, có đồng ra đồng vào, lại hay có khách… Vậy là bố và bác ấy mua một số thứ dùng cho nhà bếp, tự nấu ăn ngay tại phòng làm việc, sử dụng bếp điện là chính, bếp dầu chỉ để dự phòng lúc cần kíp hoặc khi mất điện. Do nấu ăn giỏi nên bác Cò giữ chân nấu ăn, bố lo đi mua đồ ăn. Từ chỗ làm, bố thường ra chợ Hôm xếp hàng, mua hàng theo tiêu chuẩn tem phiếu được cấp. Chuyện xếp hàng ở đây có 2 chuyện vui.
Chuyện thứ nhất: Bố bắt được kẻ trộm! Hôm ấy là ngày mùa đông, bố ra đây xếp hàng mua cá hay thịt gì đó, chả nhớ. Bố mặc một chiếc áo blu dông bằng vải ni lông lót mút mỏng, có 4 túi, miệng khoá bằng phẹc mơ tuya. Đó là chiếc áo ấm đẹp đầu tiên bố tự mua được có sự giúp sức của mẹ con. Lúc ấy, trước bố còn 3 người, phía sau còn khoảng mươi người. Trong lúc bố đang chăm chú nhìn về phía trước, nhìn ngó hàng, chờ đến lượt, bố bỗng cảm thấy như có ai đang từ từ kéo phẹc mơ tuya miệng túi áo dưới, bên trái. Không cần ngoái lại nhìn xuống, với một động tác nhanh như chớp, tay phải bố đã nắm được cổ tay của kẻ trộm, vặn ngược ra phía sau. Kẻ trộm kêu oai oái! Thì ra kẻ trộm là người phụ nữ vẫn đứng sau bố từ lúc đến xếp hàng. Cái miệng túi mới kéo được nửa chừng. Chị ta van xin: Tiền của anh vẫn ở trong túi, em chưa lấy được, xin anh tha thứ! Mọi người xúm lại bảo, con mẹ này thường xuyên móc túi ở đây, giải nó lên giao cho công an phường! Vậy là bố phải bỏ việc mua hàng, cùng với một hai người hỗ trợ dắt kẻ trộm lên làm thủ tục giao cho công an.
Chuyện thứ hai: Anh Dê giả làm… thương binh! Anh Dê tên thật là Dương, cùng quê “Thái lọ” với bố, bạn học ĐH với bố mẹ, cười nói be be suốt ngày nên mọi người gọi luôn là dê. Tính anh như trẻ con, giờ đã quá nửa đời người mà tính trẻ con thì vẫn nguyên như ngày nào. Khi nhà mình chuyển đến 58A Trần Nhân Tông, anh thường ghé chơi cùng nhóm bác Cò, “huấn luyện” con gọi anh là anh dê, xưng em. Do có vài trục trặc, anh Dê ra trường sau bố một năm, run rủi thế nào lại về làm cùng cơ quan với bố, khác bộ phận. Anh Dê cũng ngủ “hàng bàn”, ăn cơm Nguyễn Quyền. Ngày chủ nhật hoặc hôm nào có khách, bố và bác Cò lại gọi anh Dê đến tham dự. Anh Dê được cái chân chạy, sai việc gì cũng đi, chẳng nề hà, nhất là đi xếp hàng mua thực phẩm thì rất yên tâm, thế nào cũng mua được, lại ngon nữa! Chẳng hiểu anh Dê nhặt đâu được cái thẻ thương binh, cái ảnh thì mờ cũ, nhờ cái mờ cũ ấy mà được việc! Thời đó, tại các điểm dịch vụ của nhà nước, thương binh được ưu tiên. Vậy nên, khi nào cần mua thực phẩm gấp về đãi khách hay tổ chức ăn tươi, anh Dê lại được giao nhiệm vụ. Đến chỗ xếp hàng, anh tập tễnh lê bước đứng vào hàng ưu tiên. Gặp cô mậu dịch viên kỹ tính, săm soi tấm thẻ rồi hỏi: Thẻ này có phải của anh không? Anh nghểnh tai lên và nói rõ to: Hả! Cô kia nhắc lại: Có phải thẻ của anh không? Anh đáp lại: Chân giò còn nhiều… lông cũng mua!... Mọi người nhao nhao, người ta là thương binh, bán đi, hỏi mãi! Vậy là phải bán, anh lại cứ chỉ miếng ngon! Sau này họ quen mặt anh, thấy anh tập tễnh đến là bán, không cần phải kiểm tra thẻ nữa!
Từ khi rời phố “hàng bàn” về Trung Tự, bố vẫn thường đảm nhận việc xếp hàng mua thực phẩm. Một số thứ có thể mua ban ngày, bà ngoại thường làm vì bà đã nghỉ hưu, dư thời gian. Nhưng khi mua thịt hoặc cá, muốn tươi ngon thì phải xếp hàng từ sớm, làm sao khi cửa hàng mở cửa thì mình phải đứng ở top 5 hoặc chí ít trong top 10! Bà ngoại có một chiếc làn nhựa rách, chuyên dùng cho việc xếp hàng.  Mưa, nắng, rét buốt gì cũng vậy, cứ khoảng 9 giờ tối, bố mang chiếc làn rách này ra chỗ bán thực phẩm để xí chỗ, vậy mà cũng ít khi được vị trí số 1, thường là số số 5 số 7. Xí chỗ xong thì về ngủ, sáng hôm sau 3 rưỡi hoặc 4 giờ phải dậy để giữ chỗ. Đến gần 7 giờ sáng, bà ngoại ra nhận chỗ, bố về ăn sáng rồi đi làm, sau này, từ đầu 1985, là đi học. Những lúc đi giữ chỗ như vậy, bố thường mang theo cuốn truyện để đọc. Khi đi học, bố thường mang theo sách giáo khoa, nhất là sách chính trị để tranh thủ học bài. Trong ánh đèn đường vàng vọt, bố chăm chú đọc học thuyết Mác-Lê nin, “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng”- tác phẩm nổi tiếng của Lê duẩn… Ngày ấy, đọc họ, bố thấy họ viết đúng quá, chả sai chỗ nào!!! Càng đọc càng thêm yêu cuộc sống mới, thêm yêu Cách mạng, chả thấy việc xếp hàng là khổ cực, là vô lý!!!... Cũng nhờ tranh thủ đọc sách khi đi xếp hàng mà các môn thi chính trị, vốn chẳng thông minh lắm mà bố toàn được điểm 7, điểm 8!
Hàng hoá bây giờ tràn ngập, không sợ phải xếp hàng, chỉ sợ không có tiền. Người ta bảo có tiền là có tất cả, cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền!




Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

Chiếc quạt Green sea

Chiếc quạt Green sea
(Chụp tại SG năm 2011)
Năm 1987, khi chuyển đến 58A Trần Nhân Tông, nhà mình chỉ mang theo 2 chiếc quạt điện: một chiếc quạt tai voi của Liên xô và một chiếc quạt con cóc của Điện cơ VN. Chiếc quạt tai voi là của ông bà ngoại cho mẹ từ khi chưa lấy chồng, nó cũ rồi, về 58A, chạy được thời gian ngắn thì nó hư. Vậy nên, những ngày trời nóng, chỉ có chiếc quạt con cóc làm việc. Chiếc quạt con cóc gốc gác ra sao bố cũng không nhớ nữa! Ngày ấy, trời đã nóng, oi bức, điện lại yếu, chập chờn, cánh quạt chạy lờ đờ, nóng càng thêm nóng. Đêm đến, trên chiếc phản gỗ lim, con được ưu tiên nằm gần nó, đến mẹ rồi đến bố. Nhờ có cái phản gỗ lim làm mát lưng, luồng gió yếu ớt của chiếc quạt con cóc và gió từ chiếc quạt giấy mẹ phụ quạt cho con, cả nhà rồi cũng chìm dần vào giấc ngủ, những giấc ngủ vật vờ, có khi thức giấc người đẫm mồ hôi!
Trong một lần vào Sài gòn công tác, ông ngoại mang ra cho nhà mình một chiếc quạt trần cũ, mừng quá! Nhưng khi lắp lên, bật công tắc điện, nó lại quay lắc lư, kêu ken két. Nhờ thợ đến xem, họ bảo quạt bị sát cốt, không sửa được, không dùng được! Vậy là từ khi treo nó lên, nó chỉ “làm cảnh”! Ngày ấy, bác Cò cũng thường buôn quạt trần từ Nam ra Bắc, có lúc mang đến nhà mình gửi nhờ lủ khủ cả chục chiếc, toàn hàng của Pháp, Ý, Mỹ, dù là hàng cũ, nhưng bố mẹ chả dám sờ vào, mỗi cái cả đống tiền, chả phải chuyện chơi!  
Đâu như tháng 3, năm 1990, bố có dịp cùng bác Mạnh đi Móng Cái Quảng Ninh, mẹ đưa 400 đồng để bố tìm mua chiếc quạt Trung quốc. Ngày ấy, biên giới còn đóng cửa, hàng hoá chưa thông thương nên để tìm mua hàng Trung quốc không phải dễ, mua được rồi cũng không dễ mang lọt vào sâu nội địa. Bác Mạnh vốn người thổ địa, lại có nhiều người quen ở Móng cái, vậy mà lùng mãi vẫn không có hàng. Họ bảo quạt đang hết, phải chờ vài ngày nữa may mới có. Chờ thì không được vì chuyến công tác không thể kéo dài thêm, mà có chờ cũng không biết khi nào có hàng! Tình cờ gặp một người cùng học với bố mẹ công tác ở vùng biên, bố gửi tiền nhờ mua, mua được người ấy sẽ gửi cho bác Mạnh, bác Mạnh sẽ mang lên Hà Nội cho nhà mình. Một tháng, rồi hai tháng trôi qua, chả thấy hồi âm gì. Bố phải nhờ bác Mạnh tìm người ấy lấy lại tiền.
Lấy lại tiền rồi, vừa may bác Tuyết - vợ bác Khánh – bảo, ở gần chỗ bác ấy làm, có công ty lắp ráp quạt, linh kiện của Đài loan, quạt đẹp lắm, 380 đồng (tương đương 1 chỉ vàng) một cái. Chưa biết mua quạt nào, ở đâu, trời lại đang mùa hè đỏ lửa, bố mẹ bàn với nhau đánh liều mua một cái!
Đó là chiếc quạt đứng (cây), hiệu Green sea, nhãn ghi Made in Taiwan! Thân quạt màu vàng sậm, 3 phím bấm tốc độ 1 phím tắt, một chiếc đèn ngủ, một nút hẹn giờ. Chiếc quạt đóng trong hộp carton, mở ra, vài động tác tháo lắp đơn giản là xong, sừng sững oai nghiêm đứng một góc nhà. Cắm điện vào, bố run run nhấn nhẹ cái nút số 3 tốc độ nhỏ nhất. Cánh quạt quay đều, bầu quạt quay qua quay lại chia gió mát cho mọi người. Nhấn nút số 1, gió thổi vù vù, mát ơi là mát! Từ chiếc quạt con cóc lên chiếc quạt Green sea, với nhà mình là một bước “đại nhảy vọt”, cuộc sống tưởng như cũng như được lên tiên! Đêm hôm đầu có Green sea hầu hạ, bố bật chiếc đèn ngủ gắn ở quạt, chiếc đèn toả ánh sáng dìu dịu, vàng nhạt, cảm giác thật lâng lâng, sao mà khó ngủ! Khi hai mẹ con đã khò khò, bố lặng lẽ ngồi dậy ngắm chiếc quạt dịu dàng quay quay trong đêm, đẹp như vũ nữ đang múa. Rồi bố ra sờ thử vào bầu quạt, quạt bật từ chập tối mà bầu quạt chỉ hơi âm ấm, khác hẳn chiếc quạt con cóc, mỗi khi nó chạy, bầu quạt nóng ran, có hôm phải lấy khăn dấp nước, đắp lên giải nhiệt.
Khi chuyển vào Sài gòn, may mắn thay, nhà mình lại mang theo chiếc quạt Green sea. Hơn 20 năm rồi, Green sea đã già nua tự lúc nào! Nhưng, ngoài cái tuốc năng bị hỏng, Green sea vẫn còn “khoẻ mạnh”, ngày ngày vẫn đứng ở góc nhà, như một lão bộc cần mẫn quạt mát cho mọi người những trưa hè oi ả.
Đất nước mở cửa, kinh tế xã hội nước nhà phát triển, hàng hoá phong phú vô cùng. Những chiếc quạt nội ngoại đủ loại, hình thức bắt mắt, có cả loại điều khiển từ xa, lại có cả quạt không cần cánh… Nhà mình cũng mua thêm nhiều chiếc quạt, đứng ngồi có cả, nhưng Green sea vẫn là cây quạt mà bố yêu quí, nhớ về nó nhiều nhất.
Green sea như người bạn trung thành, đã từng giúp nhà mình vượt qua quãng đường đầy gian nan, vất vả!
Bố sẽ giữ Green sea  ở với nhà mình, mãi mãi!



Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

58A Trần Nhân Tông

            Đây là nơi nhà mình chuyển đến ở khi rời nhà ông bà ngoại.
        Khu này thuộc quận Hai Bà Trưng. Từ nhà ông bà ngoại, ngược về phía Bờ Hồ, cách chừng 3 cây số.
Khu 58A (màu đỏ)
          Khu 58A là nơi làm việc của Cục kỹ thuật, Bộ CA. Khu này một mặt giáp đường Trần Nhân Tông, một mặt giáp đường Trần Bình Trọng, một mặt giáp đường Nguyễn Quyền, một mặt giáp với bến xe Kim Liên nổi tiếng một thời, giờ là khách sạn Nikko.
          Trong khu này có 4 khối nhà 5 tầng, 2 khối chạy song song và gần mặt đường Trần Nhân Tông, 1 khối chạy song song và gần mặt đường Nguyễn Quyền, một khối nữa nằm giữa sân phía đường Trần Bình Trọng. 3 khối để làm việc, một khối phía mặt đường Trần Nhân Tông lấy làm nhà ở cho cán bộ, nhân viên của đơn vị. Chắc là do nhu cầu nhà ở bức thiết, người ta xây thêm một khối nhà 3 tầng làm nhà tập thể cho những người độc thân hoặc vợ con ở quê, không có điều kiện đưa ra Hà Nội. Khối nhà này xây dọc theo chiều giáp với bến xe Kim liên; 2 dãy nhà cấp 4 xây giữa khoảng sân của 2 căn nhà 5 tầng (một phía Trần Nhân Tông, một phía Nguyễn Quyền) dành cho những người có vợ chồng đều làm việc tại Hà Nội. Trong 2 dãy thì một dãy to, song song với khối nhà 5 tầng, dài dọc sân, chắc là xây trước; một dãy nhỏ hơn, chắc là mới xây sau này; một dãy nữa sau khối nhà 5 tầng, sát tường rào giáp mặt đường Nguyễn Quyền.
Nhà mình ở dãy cấp 4 nhỏ, sau dãy cấp 4 lớn. Dãy nhỏ này không liền mạch dọc sân vì còn phải chừa lối đi. Bởi vậy cái khúc nhà mình ở gồm 3 gian, chia cho 2 gia đình, mỗi gia đình một gian rưỡi, gian giữa không cắt ngang mà cắt dọc, diện tích mỗi nhà khoảng 17m2, cửa nhà mở phía đầu hồi. Trước cửa nhà mình là một cái sân vuông khoảng gần 200m2. Nhờ khoảng không này, nhà mình luôn thoáng, mát.
Mẹ và con ở nhà trong khu 58A
          Chẳng hiểu ông ngoại “trinh sát” thế nào mà lại tìm được một cái phòng trống ở đây và không hiểu ông đã gặp những ai, nói những gì để bố mẹ được cấp cái phòng này! Rất nhiều người làm ở cơ quan này chưa có nhà ở nhòm ngó, vậy mà nó lại thuộc về bố mẹ - những người làm việc ở tận đẩu đâu! Bởi vậy hôm nhà mình chuyển đến, bố mẹ chỉ gặp những “ánh mắt mang hình viên đạn”! Thây kệ họ! Bố mẹ cứ thu xếp cuộc sống của mình, cố gắng không làm phiền ai. Ai nói lời thân thiện thì mình cũng nới, mở lòng; ai nhìn mình hằn học, nói lời cay độc, khích bác thì bố cũng trừng mắt lên đáp trả. Cuộc sống là vậy, mình hiền quá, người ta dễ bề ăn hiếp!
          Khởi nguyên là phòng làm việc nên nhà mình không có bếp, không nhà tắm, nhà vệ sinh, không nguồn nước sinh hoạt. Bếp thì mình dành một góc nhà, còn lại dùng chung của khu tập thể. Được cái nhà mới rất gần chỗ làm của bố mẹ: chỗ bố cách chừng vài trăm mét, chỗ mẹ non cây, đi bộ cũng được. Đối diện bên kia đường Trần Nhân Tông là rạp xiếc và công viên Thống Nhất, sau đổi là công viên Lê nin. Đối diện bên kia đường Trần Bình Trọng là hồ Thiền Quang. Những ngày nghỉ, lúc rảnh rỗi, dẫn con đi dạo chơi rất tiện.
          Ở nơi ở mới, chúng ta cũng có người tốt quan tâm giúp đỡ. Ông cục trưởng quản lý khu này thì rõ rồi. Chẳng biết quan hệ giữa ông ngoại và ông cục trưởng thân thiết như thế nào, chỉ biết ông ấy đã rất khó khăn, chịu nhiều áp lực, chỉ trích khi đồng ý cho bố mẹ đến ở tại khu tập thể này. Rồi khi bức tường rào ngăn cách khu tập thể với khu làm việc được xây dựng, nếu không có sự giúp đỡ của ông cục trưởng thì nhà mình cũng không tài nào có thêm được cái bếp. Đó là những việc mà bố biết được. Cũng có thể có những việc khác mà ông ấy đứng ra làm chỗ dựa để kẻ khác không dám gây chuyện với nhà mình nữa, nhưng tất cả những việc ông cục trưởng làm, chưa bao giờ ông ấy kể với bố mẹ lấy một lời. Ông ấy cũng không tỏ vẻ thân thiết gì hơn với người ở khu này, chưa bao giờ ông ấy ghé vào nhà mình. Chỉ lần duy nhất, hôm nhà ta chuyển đến, ông ngoại cũng đến, khi đồ đạc đang được chuyển từ sân vào nhà, ông ấy đi ngang qua, dừng lại chào ông ngoại, nhìn mọi người chuyển đồ vài phút rồi đi làm việc. Ngày ấy khó khăn, bố mẹ cũng cạn nghĩ và ỷ lại vào ông ngoại nên cũng không làm được cái việc sắm chút lễ mọn, tìm dịp tốt, đến nhà ông ấy để tỏ lòng biết ơn. Thật áy náy quá!
Người tiếp theo là vợ chồng ông Giang, có thời kỳ công tác cùng Bà ngoại. Cả hai vợ chồng ông Giang làm ở cơ quan này, nhà  năm sáu người, được phân căn hộ 20m2 ở tầng 1 của khối nhà 5 tầng phía đường Nguyễn Quyền. Ông Giang kiêm tổ trưởng tổ dân phố. Khi đi ngang nhà mình, thi thoảng ông cũng dừng lại, hỏi han vài câu thân thiện.
Người tốt nữa là vợ chồng bác Tuế. Bác Tuế làm ở bưu điện Bờ Hồ, vợ bác ấy tên là Hương làm ở cơ quan này, được cấp 1 gian nhà cấp 4 giáp đường Nguyễn Quyền. Dãy này ẩm thấp, ngột ngạt. Nhưng gặp lúc “bung ra”, các gia đình dãy này đồng loạt trổ cửa thông ra đường, nhà thành mặt tiền, buôn bán lặt vặt, vậy mà lại rủng rỉnh đồng ra đồng vào. Bác Tuế là người đầu tiên ở khu này chủ động vào thăm nhà mình, hỏi han, trò chuyện rất thật thà, cởi mở, mời bố mẹ hôm nào rảnh sang nhà chơi… Bác gái hơn bố mẹ chừng hai ba tuổi. Bác Tuế hơn vợ cả chục tuổi. Cả hai vợ chồng đều hiền lành, giản dị, chất phác, rất tốt bụng. Bố cũng chẳng hiểu tại sao, một người xa lạ, bỗng dưng rất quí bố mẹ, quí rất thật lòng, có miếng gì ngon cũng mang sang cho. Đổi lại bố mẹ cũng rất quí trọng gia đình bác Tuế, thân thiết, tin cậy như người nhà. Có việc bác Tuế giúp mà bố nhớ mãi. Ở quê bố, có người có con ở nước ngoài gửi về ít hàng hoá, chả hiểu vướng mắc gì bị Hải quan bưu điện Hà Nội giữ lại, đòi tịch thu. Người đó nhờ bố, bố nhờ đến bác Tuế. Nghe chuyện, bác Tuế rất sốt sắng nhận lời, nói có quen ông trưởng hải quan bưu điện. Chẳng hiểu bác ấy nói sao, chiều ấy hàng được nhận về đầy đủ. Tối ấy, bố và người nhận hàng sang nhà bác Tuế chơi, cảm ơn và biếu bác ấy chút quà lấy từ gói hàng mới nhận. Nhưng bác ấy chối đây đẩy, bảo đã xin giúp rất nhiều người và chưa bao giờ nhận quà của ai, dù chỉ là gói thuốc lá.
Người tốt bây giờ vẫn còn, nhưng cũng không thật nhiều!
Làm dáng bên vạt hoa ven hồ Thiền Quang
Ở đây, ngoài việc đi làm cho nhà nước, bố mẹ phải tìm việc làm thêm, kiếm thêm mấy đồng bù vào số tiền lương ít ỏi. Bố có một hộp gỗ hương đủ làm một bộ bàn ghế sa lông do bác Bích, anh rể của bố hồi còn làm ở Đắc Lắc mua cho. Nhà chật, chưa có dịp lấy ra làm, lại đang cần vốn, vậy là bố mẹ bán, được 100 đồng (lương của bố mẹ ngày ấy được hơn trăm đồng), bù thêm 20 đồng mua được một chiếc máy may cũ. Nhận hàng gia công, công bèo bọt, vẫn phải làm, làm được vài tháng thì không có hàng để làm nữa! Lại tìm việc khác, xoay sang dệt len. Nhờ người mách nước, bố mẹ bán chiếc máy may được trăm đồng, vay thêm bà ngoại bù vào mua một chiếc máy dệt len cũ, ọc ạch như một bà lão. Vậy mà cái “bà lão” ấy đã từng gắn bó với nhà mình gần 2 năm trời. Cứ chiều, về tới nhà là mẹ đứng máy dệt, cơm chín, ăn cơm vội vã rồi lại đứng ngay vào máy dệt, dệt cho kịp số hàng đã nhận, thường thường cứ phải mười một mười hai giờ đêm mới xong! Đêm khuya, tiếng máy dệt chạy xoẹt xoẹt, to càng to! Có người khích, nhà cô chú làm khuya thế, tiền tiêu sao hết! Phần bố, lo cơm nước chiều, rửa bát xong thì vừa coi con, vừa khâu những vạt len mẹ vừa dệt xong cho thành chiếc áo hoặc chiếc mũ. Số chưa khâu xong thì hôm sau đi học về, khâu tiếp, sao cho xong hàng để kịp giao cho người ta. Thời ấy, nhiều người cũng mánh mung, buôn bán, cũng có người phát tài, nhanh chóng có xe máy chạy vè vè, vàng đeo đỏ tay! Bố mẹ thì không có vốn, lại dốt cái khoản ấy, chỉ biết lấy sức lao động đổi lấy ít đồng tiền lẻ, nuôi mình, nuôi con. Có người chê bảo làm thế khác gì để bọn tư sản bóc lột sức lao động. Học lý thuyết, thấy bọn tư sản bóc lột sức lao động của công nhân tàn nhẫn thì mình tức lắm! Nhưng thời ấy, đói ăn, bố mẹ chỉ mong được nó bóc lột! Nó bóc lột mình còn được tý tiền, bữa cơm con thêm được tý rau, tý cá, hơn là nó không bóc lột, mình ngồi không, nhìn cái đói vàng mắt!
Ở đây, thời ấy bố mẹ cực lắm, nhưng được cái nhà cửa lại luôn rộn ràng. Khi còn ở Trung Tự, một là hơi xa, hai là còn ở nhờ ông bà ngoại nên người ta e ngại, ít người đến chơi, có thì cũng ghé thăm chút rồi đi. Còn ở đây, vừa gần nơi làm việc, lại độc lập tự do, vậy là nhà mình bỗng trở thành “trung tâm giao lưu, gặp gỡ”.
Bạn của bố, thường xuyên là nhóm của bác Cò cùng với anh Lịch, anh Dương (hai người bạn học cùng bố mẹ, lúc ấy chưa vợ, họ huấn luyện con gọi bằng anh, xưng em), bác Đức, bác Hoàng Mai, bác Trần Sự… Nhóm này tuần nào cũng họp, có tuần họp hai ba lần. Bác Cò vừa là chủ chi, vừa rất khéo nấu ăn. Khi tổ chức nhậu, không nhiều thời gian thì mua đồ ăn sẵn, có thời gian thì mua đồ tươi sống về chế biến, những món chính thì bác Cò phải tự tay pha chế, đun nấu, không ai có thể làm thay bác ấy được. Tiệc nhậu bày ở chiếc phản gỗ lim, lúc thì năm sáu người, lúc hơn chục người, hò hét, quậy tưng bừng. Cũng có những cuộc nhậu tới bến, khách mời hăng hái zdô zdô quá, xỉn, ói tại trận, mẹ con phải lấy vội cái xô nhỏ để khách cúi đầu vào đó mà “hò dô ta”! Có hôm tiệc kéo dài tận khuya, trời mùa đông, đã ngà ngà say, vậy là dọn sơ cái phản, cả đám ôm nhau ngủ cho tới khi sáng bạch. Cũng tại chiếc phản này, dịp tết Nguyên tiêu rằm tháng giêng 1992, bố đã trịnh trọng mở chai rượu Suntory red của Nhật mời bạn bè. Chai rượu này bố được một đơn vị hải quan Quảng Ninh tặng dịp đến công tác. Bố và phần lớn những người dự tiệc hôm ấy lần đầu tiên biết đến mùi vị của rượu ngoại. Chu choa, xưa nay toàn uống bia Vạn lực, rượu nút lá chuối loại rẻ tiền (có khi bị cho thêm ure hay thuốc trừ sâu để tăng độ!!!), giờ được uống rượu ngoại, cảm giác - nói như bây giờ - thật yomost!!! Hoá ra rượu ngoại nó hơn đứt cái anh rượu chanh, rượu mơ Hương tích, Làng Vân… của VN mình! Sau này, có nhiều dịp uống rượu cao cấp hơn của Pháp, Anh, Úc… nhưng không có lần nào bố có được cảm giác sướng như lần đầu uống Suntory.
Con chơi ở công viên Lê nin
Bạn của mẹ là mấy bác (gái) , mấy cô làm cùng phòng, thường xuyên thì có bác yến, cô Hương, cô Vân, cô Thoa, cô Giang… Nhóm này hay tụ nhau buổi trưa, làm bún chả hoặc ốc luộc. Có lần bố cũng tham dự. Đang ăn giữa chừng, cô Hương, người to béo nhất nhóm con ông Luân, thiếu tướng CA, dừng tay bảo: xin lỗi ông nhé, tôi nới cái cúc quần, ăn cho thoải mái! Vừa nói cô vừa điềm nhiên cởi cúc lưng quần, kéo phẹc mơ tuya cái rẹc! Cả đám cười ré lên, rồi makeno, tiếp tục ăn uống vui vẻ! Có lần bố nhờ mẹ chú Thơi ở quê làm cho ít mắm tép biển, hay gọi là con moi. Sản phẩm mang lên gồm một chai 70ml nước mắm ngon tuyệt và một âu mắm cái. Một lần tổ chức ăn bún chả, mẹ con khoe có mắn tép ngon, cả hội lấy ra ăn. Ai ngờ ngon quá, sau bữa tiệc, cô Hương “tịch thu” luôn cái âu mắm vẫn còn 2/3 của nhà mình, ăn hết mắm rồi cũng quên trả lại cái âu rất đẹp!  
Ở phía ngoài đường, từ cổng 58A rẽ phải vài bước chân có 3 hàng phở. Hàng thứ nhất chuyên về sốt vang, khách vừa phải; hàng thứ hai phở bò gà, ít khách; hàng thứ 3 phở bò gà, rất đông khách. Mỗi sáng, khách ăn ở đây phải xếp hàng dài chờ tới lượt. Những lúc con biếng ăn, mẹ hay mua phở ở đây cho con. Cũng có sáng chủ nhật, hứng chí, cả nhà mình cũng ra đây làm tô phở cho tỉnh người! Bố cũng thích ăn phở sốt vang. Nhớ lúc còn ngủ ở “hàng bàn”, có lần ốm dậy, người mệt lử thử, một anh cùng phòng dẫn bố đến ăn ở hàng phở sốt vang này, ăn về thấy người khoẻ hẳn ra! Khi chuyển đến đây ở, mỗi khi có khách bất ngờ ghé nhà lúc sắp dùng bữa, bố thường ra cửa hàng phở sốt vang, mua độ ba bốn đồng là được 1 tô thịt bò sốt vang, làm thêm 1 chai 70ml rượu đế nữa, vậy là đủ để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”! Nhiều khi cao hứng, rượu ngà ngà, chủ và khách còn “bình loạn” cả chuyện thiên đình, chuyện thế giới tận bên Mỹ!
Ở đây cũng tiện đi dạo chơi, giải trí. Lúc rảnh, bố mẹ thường dẫn con vào công viên Lê nin dạo chơi, chụp ảnh. Chiều tối nóng quá thì dạo quanh hồ Thiền Quang, mỏi chân ngồi làm ly nước mía. Còn rạp xiếc thì ngay đó, chỉ vài bước chân qua đường. Những lúc con lười ăn, mẹ thường rong con tới rạp xiếc để con vừa chơi vừa ăn. Bởi vậy, mấy bác bảo vệ đã nhẵn mặt con, con được vào rạp miễn phí. Ở đây cũng gần cơ quan bố mẹ, thường tối thứ 7 cơ quan hay chiếu phim, diễn kịch, ca múa nhạc. Hôm nào có vé, vậy là vội nấu ăn sớm, bồng bế nhau đi xem. Bố nhớ có lần, đi hơi trễ, sắp đến giờ đóng cửa, bố ôm con trước bụng, chạy gằn cho kịp. Mới chạy được mươi bước, con ngước lên bảo: Bố chạy chậm thôi, kẻo ngã! Bố giật mình, bước chậm lại. Đúng là lỡ vấp chân té ngã thì con sẽ chịu trận, hậu quả khó lường! Lời cảnh báo của con thật là quí giá! Sau này, mỗi khi gặp chuyện nôn nóng, bố thường nhớ lời nhắc của con, kịp trấn tĩnh lại. Có thể vì thế mà bố tránh được những sai lầm!
Ở đây chỉ có một điều bất tiện, đó là chuyện tắm rửa, vệ sinh.
Cả cái khu tập thể mấy chục hộ gia đình ở 3 dãy nhà cấp 4 và hàng trăm người ở phòng tập thể mà chỉ có 3 cái phòng tắm, một dành cho nữ. Chiều tới mọi người dồn ra chầu chực. Mỗi phòng cứ sáu bảy người chen nhau dưới vòi nước, xoa vội vài phút rồi ra, để người khác vào.
Tắm rửa vậy nhưng chưa đến mức kinh hãi. Chuyện đi vệ sinh, nhất là đi cầu thì thậm kinh khủng. Bằng ấy con người cũng chỉ có 3 cái nhà cầu, một dành cho nữ. Hầu như mọi người đều phải nhịn, để dành đến cơ quan giải quyết. Vậy nhưng, sáng sáng vẫn có cả chục người tay ôm bụng, tay vo vo giấy báo, chờ đến lượt! Bố cũng thường phải nhịn, khi còn đi học thì mang đến trường giải quyết, dù cũng bẩn, nhưng đỡ hơn, khi học xong thì mang đến cơ quan vậy. Nhưng bụng dạ bố vốn yếu, chủ nhật hoặc khi không thể nhịn được phải vào đó giải quyết, cảm giác thật không dám tả, sợ bẩn blog, bẩn mắt người đọc! Ám ảnh ấy, cho đến giờ, bố vẫn mơ thấy mình cứ cuống cuồng tìm nhà vệ sinh, khi tìm thấy thì lại bật ngược trở ra vì nó… kinh tởm quá! Mười mấy năm nay, khi xây nhà mới, nhà của mình có 3 phòng vệ sinh, cần dùng lúc nào cũng được, yomost vô cùng!
Tập thể 58A Trần Nhân Tông giờ cũng giải toả hết rồi, chỉ còn lại nơi làm việc. Các gia đình tứ tán, chẳng rõ ai đi đâu về đâu!
Mỗi lần có dịp đi trên đường Trần Nhân Tông, qua địa chỉ 58A, bố lại thấy bồi hồi nhớ lại những tháng ngày gian khó, thấm đẫm nhiều kỷ niệm không bao giờ phai!
Bố yêu 58A Trần Nhân Tông, yêu mãi!



Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Hai lần doạ mổ ruột thừa

           Sáng sớm ngày này cách đây 25 năm, con bước sang ngày tuổi thứ 11, bố mẹ vội vã ôm con, chở bằng xe đạp chạy vào viện C bởi con bỏ ăn từ 10 giờ đêm hôm trước. Rồi may mắn, con được BS Hiếu gửi nhờ Viện nhi Thuỵ Điển kiểm tra, theo dõi. Con ở đó 10 ngày thì được xuất viện về nhà. Đó là những ngày bố mẹ lo thắt ruột, thắt gan. Ơn trời, những ngày ấy cũng qua trong bình yên!
Chợ Hoa Nguyễn huệ SG 1994
Sau này, ngoài chuyện hắt hơi, sổ mũi, con còn làm bố mẹ hoảng hồn 2 lần nữa!
Lần thứ nhất lúc con 7 tuổi, đang học lớp 2 Trường PTCS Nguyễn Thái Học, Q1, TP HCM. Hôm ấy tầm hơn 4 giờ chiều, bố có việc ở bên ngoài, mới về tới công sở thì nghe chuông điện thoại bàn đổ dồn. Phòng làm việc chiều ấy mọi người đi vắng hết. Thời ấy điện thoại di động chưa phổ biến như bây giờ. Khi bố nhấc ống nghe, xác định được người cần gặp, người ở đầu dây bên kia nói: Chúng tôi gọi nhiều lần, giờ mới gặp, anh đến trường gấp, cháu bị đau bụng, nghi đau ruột thừa! Bố hỏi gấp: cô báo cho mẹ cháu chưa? Trả lời: chưa! Bố cuống cuồng gọi cho mẹ con rồi xách xe chạy. Cũng may, trường con cách chỗ bố làm chừng non cây số, cách chỗ mẹ gần 2 cây số. Khi bố đến, con đang ở phòng bảo vệ của trường, chẳng có cô giáo hay người nào của trường cả. Người đang ở bên con, xoa bụng cho con là một bà lão ngoài 60 tuổi. Bà lão là người bán hàng quà bánh ngoài cổng trường. Thấy bố đến, bà lão trách: Sao bây giờ anh mới đến, cháu nó đau hai ba tiếng rồi. Thấy cháu đau quá mà không có ai chăm sóc, tôi vào dỗ và xoa bụng cho cháu. Anh nên đưa cháu ngay tới bệnh viện khám cho cháu xem sao! Tội nghiệp cháu tôi, đau tái cả mặt thế kia!
Mẹ con cũng kịp nhờ người chở tới. Chỉ kịp nói lời cảm ơn những người tốt bụng rồi bố mẹ vội đưa con tới bệnh viện nhi đồng 2 cách đó chừng 3 cây số. Nghe nói cháu đau ruột thừa, các bác sỹ vội tiến hành khám sơ bộ, cho cặp nhiệt độ… Lúc sau, có vẻ như không thấy dấu hiệu của bệnh đau ruột thừa, BS khám cho con hỏi, hôm nay cháu đi cầu chưa? Con lắc đầu. Quay sang mẹ con, BS hỏi, cháu có ăn gì khó tiêu, ví như ổi, sung… Mẹ con bảo chiều qua con có ăn ổi xanh. BS đưa cho mẹ viên thuốc sổ bảo cho con uống, chờ con đi cầu, đi cầu rồi mà vẫn còn đau thì đêm nay ở lại viện để theo dõi.
Đúng là thuốc thần, hiệu nghiệm nhanh thật. Chừng năm mười phút gì đó thì con ôm bụng chạy vào nhà cầu, chừng mươi phút sau thì ra. Bố mẹ hỏi dồn, còn đau không, con lắc đầu. Thật hú vía, nhẹ bỗng cả người! Vào gặp BS báo cáo kết quả, BS dặn hạn chế cho con ăn quả xanh, thức ăn khó tiêu, cần ăn nhiều rau xanh…
Đường về nhà hôm ấy thật vui! Vui bởi không phải con đau ruột thừa, một căn bệnh cấp tính, rất nguy hiểm nếu không cấp cứu kịp thời! Vui vì các y bác sỹ làm việc rất tận tình, rất ân cần! Vui vì cuộc sống có những người thật tốt bụng như bà lão ở cổng trường! Bà lão không hề quen biết bố mẹ, không hề quen biết con, nhưng khi con gặp nguy hiểm, bà lão sẵn lòng bỏ việc kiếm sống của mình, chăm sóc con như người thân vậy! Chỉ đáng trách là cô giáo chủ nhiệm lớp con! Một đứa trẻ bé như thế, nghi bệnh cấp tính như thế… mà đem bỏ mặc con ở cổng trường! Lẽ ra cô phải đưa con đi bệnh viện gấp và chờ cho đến khi liên lạc được với bố mẹ. Không đưa đi bệnh viện được thì phải cắt cử người chăm sóc con cho đến khi bố mẹ đến chứ! Cô thật vô tâm quá! Rủi ngày ấy có việc gì, chắc bố không để cô ấy sống yên thân! Ơn trời!!!...
Lần thứ hai lúc con 18 tuổi. Thi xong tốt nghiệp phổ thông và đại học, con xuống Vũng tàu, ở nhà chú Phương, dự định ở chơi một tuần. Đâu được hai ba ngày thì chú Phương gọi cho bố báo tin dữ: Con bị đau bụng, bệnh viện nghi con đau ruột thừa, làm thủ tục chuẩn bị mổ! Nhưng chú Phương bảo không dám cho mổ ở Vũng tàu, sợ họ làm ẩu, nên đã mua vé tàu cánh ngầm, đang “áp tải” con trên dường về Sài gòn!
Bố mẹ lại một phen rụng rời chân tay, vội nhờ chú Khương liện hệ với BS quen, chuyên về mổ ruột thừa, hẹn chờ đưa con đến cấp cứu. Bố mẹ chạy ra bến Bạch Đằng đón con, phân công chú Khương chờ trong bệnh viện.
Khánh Duy 18 tuổi
Thật may, tàu cánh ngầm không trục trặc gì, cập bến đúng giờ, tính ra con đã phải chịu cơn đau thêm gần 2 tiếng đồng hồ, một khoảng thời gian đáng kể đối với những căn bệnh cấp tính. Nhưng lúc đón con lên bờ, thấy con không đau lắm. Sau khi hỏi han kỹ càng về mức độ đau, bố mẹ quyết định đưa con về bệnh viện quân đội 175 gần nhà, nhờ cô Mơ làm ở bệnh viện này gửi người quen khám, theo dõi. BS khám kỹ nhưng cũng không thấy triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm ruột thừa nên cho nhập viện để tiếp tục theo dõi. Thời gian nặng nề trôi trong sự lo âu mà cơn đau của con cũng không thấy tăng lên, thậm chí có vẻ như giảm đau so với lúc ở Vũng tàu. 9 giờ tối rồi, bố mẹ cũng đã chuẩn bị tinh thần qua đêm ở bệnh viện cùng con, nhưng con lại muốn về nhà ngủ. Bố mẹ lên xin BS trực, lúc đầu họ không cho, nói mãi lý do nhà gần và con cũng giảm đau, sau khi kiểm tra lần nữa BS đồng ý cho về, hôm sau vào tiếp để theo dõi.
Ơn trời, đêm ấy rồi cũng trôi qua mà không có sự biến gì. Sáng hôm sau, cơn đau chỉ còn đau nhẹ. Sau khi kiểm tra lại, BS đã đồng ý cho con xuất viện. Hôm sau nữa thì cơn đau dứt hẳn, con trở lại bình thường.
Ruột thừa (ruột dư) là một đoạn ruột hẹp, kín, tận cùng, dài khoảng vài centimet và bám dính vào manh tràng (đoạn đầu tiên của ruột già). Lớp lót bên trong lòng ruột thừa tiết ra ít chất nhầy và chảy vào manh tràng. Thành của ruột thừa chứa mô bạch huyết, là một phần của hệ miễn dịch sản xuất kháng thể. Bình thường ruột thừa cũng tham gia vào quá trình tạo tế bào lympho giúp cho hệ thống miễn dịch của cơ thể. Khi con người ngoài 30 tuổi thì ruột già không còn tác dụng gì và nó teo dần, ngoài 60 tuổi thì ruột già hầu như biến mất.
Viêm ruột thừa là do lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng bị tắc nghẽn. Hiện tượng tắc nghẽn này là do tích tụ nhiều chất dịch nhầy trong lòng ruột thừa hoặc do phân từ manh tràng đi vào ruột thừa. Chất nhầy hay phân trở nên cứng, giống như đá và làm tắc nghẽn lỗ thông. Hiện tượng phân cứng như đá được gọi là "sỏi phân" (phân có kích thước bằng hạt đậu, cứng và bị can xi hóa gây tắc nghẽn lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng). Có thể có hiện tượng mô bạch huyết của ruột thừa bị phù và làm tắc nghẽn ruột thừa. Sau khi hiện tượng tắc nghẽn xãy ra, các vi khuẩn bình thường thường trú trong lòng ruột thừa bắt đầu xâm lấn vào thành ruột thừa. Cơ thể đáp ứng với hiện tượng xâm lấn này bằng cách tấn công các vi khuẩn. Hiện tượng tấn công các vi khuẩn đó được gọi là viêm.
Triệu chứng chính của viêm ruột thừa là đau bụng. Đầu tiên, đau thường lan tỏa và ít khu trú thành một điểm đau cụ thể. Đau ít khu trú là điển hình của các bệnh lý ở ruột non, ruột già và kể cả ruột thừa. Sau đó có thể xuất hiện các triệu chứng sớm của viêm ruột thừa như ăn mất ngon miệng và có thể diễn tiến đến buồn nôn và thậm chí nôn ói. Khi hiện tượng viêm ruột thừa tiếp tục diễn tiến, nó sẽ lan rộng ra lớp ngoài cùng của ruột thừa và sau đó đến lớp lót ổ bụng, một màng mỏng được gọi là phúc mạc. Khi phúc mạc bị viêm thì triệu chứng đau có thể thay đổi và khu trú tại một vùng nhỏ. Thông thường, vùng đau này nằm giữa điểm lồi ra phía trước của xương chậu bên phải và rốn. Điểm đau này mang tên bác sĩ Charles McBurney, được gọi là điểm McBurney. Nếu ruột thừa bị vỡ thì nhiễm trùng sẽ lan tỏa khắp ổ bụng và triệu chứng đau lúc này cũng sẽ lan tỏa.
Viêm ruột thừa là bệnh cấp tính, rất nguy hiểm, cần chẩn đoán và xử lý sớm trong vòng 24 giờ đồng hồ. Nếu không xử lý kịp thời, viêm ruột thừa dẫn đến biến chứng xấu cho sức khoẻ, dễ tử vong. Bởi vậy, mỗi khi nghe người than của mình bị viêm ruột thừa, ai cũng hốt hoảng, lo lắng. Đôi khi viêm ruột thừa có thể tự khỏi mà không cần phẩu thuật nếu hiện tượng viêm và nhiễm trùng không lan rộng vào ổ bụng. Viêm, đau và các triệu chứng sẽ biến mất. Đó là kết quả của hiện tượng tự "chữa lành" của cơ thể.
Ruột thừa của con vẫn còn đó. Lạy trời cho nó nằm yên mãi mãi!

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

Nhà mình có bếp

Nhà mình có lẽ vốn là cái phòng làm việc, lấy làm nhà ở. Bởi vậy nó không có bếp, không có nguồn nước sinh hoạt, không có khu vệ sinh. Từ khi chuyển đến ở, mẹ vẫn phải nấu ăn ở một góc nhà.
Rồi một sự kiện bất ngờ xảy ra!...
Khoan hãy nói đến sự kiện ấy. Bố muốn kể trước một câu chuyện lạ, khó tin, cho đến giờ hơn 20 năm rồi, bố cũng chẳng biết giải thích thế nào!
Hãy trở lại cái ngày con trốn trường mẫu giáo. Buổi chiều hôm trước ngày này, bố vẫn đang ở nhà bác Mạnh, tại cọc 8 Hòn Gai, Quảng Ninh, định hôm sau đi Móng Cái. Nhưng rồi cái chiều hôm ấy, bố thấy bồn chồn kỳ lạ, chỉ muốn về nhà ngay. Trong lúc đang chờ bác Mạnh về để bàn với bác ấy tạm dừng chuyến đi Móng cái thì có một bà cụ hàng xóm bế cháu sang chơi. Bà cụ người thấp đậm, gương mặt phúc hậu. Thằng bé mới chừng hơn một tuổi, miệng còn thơm mùi sữa. Bà bảo nó là cháu nội của bà. Bà cụ vừa bế cháu đi lại quanh nhà, vừa lân la hỏi chuyện bố, rằng bố là thế nào với chủ nhà, quê ở đâu, giờ ở đâu, có gia đình riêng chưa, được mấy cháu… Sau khi hỏi tuổi bố, bà cụ bảo: Anh tuổi Mậu Tuất, bằng tuổi thằng con tôi, bố thằng cháu này đây. Tuổi của anh, thời đầu vất vả lắm, phải tự lập sớm. Có tí may mắn là tuổi này thường có quí nhân phù trợ khi quẫn bách. Nhưng anh yên tâm, cái thời kỳ khó khăn nhất của anh sắp qua rồi! Sau này, cuộc sống của anh sẽ tốt hơn lên. Anh sẽ có nhiều con cái, có của ăn của để, có nhà lầu xe hơi… Rồi cụ bỗng nói: Anh giơ  bàn tay cho tôi xem nào. Bố làm theo răm rắp, như có ai xui khiến, giơ tay phải rồi tay trái, mặt trước rồi mặt sau theo yêu cầu của bà cụ. Bà cụ đứng cách bố chừng 3m, nhìn tay bố rất nhanh, chỉ khoảng mươi giây, chả hiểu cụ xem kiểu gì. Khi bố hạ tay xuống, bà cụ lại bế cháu đi quanh nhà và bảo, anh sắp có lộc trời cho!...
Ước mơ của bố!
Bố vốn không mê tín, ngày bé cũng chẳng sợ ma lắm, lớn lên được học và rất tin vào duy vật nên khi nghe bà cụ nói, bố thấy ngồ ngộ, buồn cười, chả tin. Phải tự lập sớm thì đúng bởi ông nội con mất lúc bố mới 13 tuổi. Vất vả thì đúng bởi bố là con nhà nông nghèo, lại đông anh chị em. Bố mẹ lấy nhau, hai bàn tay trắng, đồng lương ít ỏi, thời buổi khó khăn, sinh con thiếu tháng, lại mất sữa, phải nuôi bộ… vất vả thấm lắm rồi, rõ lắm rồi! Nhưng vào thời ấy, vất vả, khó khăn như bố là phổ biến. Nhìn khuôn mặt gày gò thiếu ăn của bố, nhìn quần áo bố mặc là quần áo nhà nước cấp, đã sờn… thì không phải là thày bói, bố cũng phán được câu này! Bảo bố sẽ có nhiều con thì đến 99% là không đúng bởi bố biết bệnh của mẹ, bố không muốn mẹ vất vả đau đớn thêm nữa, nguy hiểm thêm nữa. Các cụ nói cửa sinh cửa tử mà! Bảo bố sẽ có của ăn của để ư? Chả biết rồi sau sẽ thế nào! Còn thực tại lúc ấy, bố mẹ toàn phải ăn vay, giật gấu vá vai. Tiền lương cứ đến giữa tháng đã hết, mẹ lại vay tạm của các cô, các chú ở cơ quan. Đầu tháng có lương, trả nợ một mớ, còn mớ ăn đến giữa tháng, hết, lại vay… Cái vòng quay “nhận lương, trả nợ, ăn, vay,… nhận lương… ” cứ bám theo bố mẹ mãi, dai như đỉa, dù bố mẹ cũng tìm mọi cách xoay xoả! Vậy bảo bố mẹ sẽ có của ăn của để bằng cách nào đây, bố chẳng hình dung được! Xe hơi ư? Xa xỉ quá, xa vời quá! Ra trường, chắt bóp gần 2 năm trời, lúc mua khung xe, lúc mua cái líp, bộ đũa… bố mới ráp được cái xe đạp. Cái ngày nghe bà cụ phán, cái xe ấy đã trở thành xe cố vấn (lốp lâu ngày bục, không có cái thay, phải lấy dây cao su quấn lại mà đi), líp nhọn hoắt như chông, xích rão… Ngày ấy, nếu có mơ giữa ban ngày, bố cũng chỉ dám ước nếu có được chiếc ba bét nhè (Xe máy Babetta của Tiệp khắc sản xuất) để lâu lâu chở hai mẹ con lượn phố vè vè là mỹ mãn lắm rồi! Có xe hơi ư, chắc là chuyện trên mây! Còn nhà lầu? Khi được cấp cái phòng ở Khu tập thể 58A Trần Nhân Tông, bố mẹ mừng hết biết. Thú thực bố nghĩ rằng mình sẽ sống suốt đời ở đó. Sau này con lớn lên, có cưới vợ, bố mẹ sẽ tìm cách làm thêm cái gác xép, như những gia đình khác trong khu này vẫn làm, vậy là ổn rồi, vậy là đã hơn bao nhiêu gia đình cán bộ khác còn đang phải sống chung, tính ra mỗi người chỉ chừng 1m2! Tiền ăn hàng ngày còn chả đủ, lấy tiền đâu mua nhà lầu! Sắp có lộc ư? Nhìn lại những người thân của bố mẹ, ai cũng khó khăn cả, lấy đâu của mà cho! Người có tí “máu mặt” là chú Thơi, bạn thân học phổ thông với bố. Năm 1980,  chú Thơi đi Đức, năm 1986 cũng về nước rồi. Tiền của kiếm được, mớ thì chia cho họ hàng chú bác, mớ thì mua cái nhà nhỏ ven đô thị xã Thái Bình, mớ thì dùng để chạy chọt xin được chân công nhân ở nhà máy đay, đồng lương cũng bèo bọt, lại đang lo cưới vợ nữa, làm gì có quà cho bố! Còn bác Khánh, anh của mẹ con, đi lao động ở Liên xô mấy năm, năm 1986 cũng đưa cả vợ con về nước. Tài sản đáng giá nhất là 3 cái tủ lạnh Xaratop, một cái để dùng, hai cái bán đi đâu được chừng hơn triệu, quy ra thành 5 chỉ vàng, đem gửi tiết kiệm, qua mấy năm tiền mất giá, 5 chỉ xuống còn 3 chỉ, nẫu hết cả ruột! Nhà lầu ư, Xe hơi ư, Lộc trời ư?… Chắc là bà cụ nói cho vui, nói để động viên bố!
Hôm sau về nhà thế nào, bố đã kể trong chuyện đưa con đi nhà trẻ. Rồi bố cũng quyên ngay câu chuyện với bà cụ.
Khoảng 2 tuần sau đó thì có sự kiện bất ngờ xảy ra. Hôm ấy bố được nghỉ học sớm, về tới nhà đã thấy người ta dùng xà beng đang đục sân gạch, đào một cái rãnh dài chạy dọc sân, hỏi thì người ta bảo làm móng xây tường rào ngăn khu tập thể với khu làm việc. Thì ra vậy. Có điều, cái tường rào kia không xây áp sát với tường hồi nhà mình mà nó chạy song song và cách tường hồi nhà mình 1,2m. Đầu của bức tường rào người ta xây một bức nữa, vuông góc, nối thẳng với bức tường bên của nhà mình. Thấy bố về, mấy người trong khu tập thể kéo đến, bàn tán ì sèo. Họ bảo nhà mình được giời cho vàng…, tự nhiên được thêm mấy m2 …, chỗ ấy làm bếp, làm nhà tắm thì quá tuyệt!... Lúc đầu bố ngớ ra, chả hiểu họ nói gì. Nhưng nhìn kỹ, nghĩ kỹ thì hoá ra tự nhiên mình được thêm dễ đến gần 4m2. Bức tường rào họ xây cao 2 m. Nhà mình chỉ cần xây thêm một bức tường nữa, trổ cái cửa, làm cái mái che là sẽ biến chỗ đất thêm ấy thành công trình phụ rồi. Vậy là nhà mình sẽ có bếp, sẽ có chỗ tắm rửa riêng rồi! Ô, đúng là tự nhiên được lộc trời! Chả lẽ bà cụ nói đúng!
Tưởng dễ, hoá ra để chiếm được chỗ đất công ấy thành đất riêng chả dễ tẹo nào. Bố phải nhờ ông ngoại đến nói khó với ông thủ trưởng cơ quan quản lý cả khu vực đó. Ông ấy đồng ý, bảo bố làm cái bản thiết kế, mang sang đưa cái ông cấp phó xem, cho ý kiến. Khi gặp bố, cái ông phó kia khó chịu ra mặt. Ông ta bảo để đó, ông ta xem thế nào! Cả hơn tuần lễ, chả thấy ông ta có ý kiến ý cọp gì, bố lại cầu cứu ông ngoại. Mấy hôm sau, ông ta nhắn bố sang. Cái mặt khó chịu vẫn thế, nhưng vì không dám chống lại thủ trưởng, nể ông ngoại nên ông ấy nói sẵng: Cho cậu làm, nhưng phải làm đẹp, đừng để rác mắt cơ quan!
Được phép rồi nhưng tiền đâu mà làm! Một chiều, anh Lịch (bạn học ĐH với bố mẹ, nhưng anh lại “huấn luyện” con gọi bằng anh, xưng em!) đến chơi. Biết chuyện, anh Lịch tháo ngay chiếc nhẫn vàng 2 chỉ đưa cho bố bảo bán đi, lấy tiền làm, khi nào có thì trả.
Bức tường (bên trái) tạo ra cái bếp.

Có tiền rồi, vậy là thuê thợ, mua vật liệu, khởi công. Trong khuôn viên gần 4m2 ấy, bố cho xây 1 bức tường phụ, chia làm 2 phần bằng nhau, phía ngoài làm bếp, phía trong một phần xây một bể chứa nước nhỏ, còn lại làm chỗ tắm rửa. Mái thì dùng cốt tre, sang bằng gạch, láng xi măng ở trên. Trên bức tường rào, khu vực nhà tắm, bố cho trổ một cái cửa sổ nhỏ, cho thoáng và lấy sáng tự nhiên. Từ lúc khởi công, chiều chiều, anh Lịch lại chạy ra, xem xét, chỉ đạo, nhiều lúc xắn tay làm cùng với thợ. Thấy nhà mình làm, nhiều người tới ngó nghiêng. Người tốt thì nói lời mừng cho bố mẹ. Có một số thì tỏ ra ghen tức, đố kỵ. Kết quả là khi cái mái mới sang gạch xong, đang láng xi măng thì có 2 anh cán bộ đến, xưng là ở bộ phận quản trị, xây dựng của Bộ, sau một lúc nhìn, ngó, săm soi, yêu cầu bố cho thợ dừng lại, dỡ bỏ phần đã xây dựng thêm! Bọn nó cũng ác thật. Nếu chúng ngăn khi mình mới làm, mình sẽ thiệt hại ít. Chúng cứ để mình làm, gần xong chúng mới báo cho bên quản trị. Làm thế, nếu phải dỡ bỏ thì mình sẽ thiệt hại to. Hôm ấy anh Lịch cũng có mặt. Nghe họ nói vậy, bố và anh Lịch nhã nhặn mời họ vào nhà để nói chuyện. Chả biết anh Lịch đã gọi sẵn mấy chai bia từ lúc nào.  Nhưng mời mãi họ không vào, cứ một mực đòi dỡ bỏ. Tức quá, bố bảo, tôi là công chức, chỗ ở khó khăn thì mới phải tận dụng và cũng đã xin phép trước khi làm. Tôi phải vay tiền để làm, không thể dỡ bỏ! Ai muốn dỡ, lên mà dỡ! Tôi cảnh cáo trước, ai trèo lên dỡ bỏ, tôi bắn giữa trán!... Hai thằng cha đó bỏ ra về, không bao giờ thấy quay lại nữa.
Có thêm cái bếp, thật là sướng quá con ạ. Ngoài việc không phải nấu nướng trong nhà thì chúng ta đã có chỗ tắm rửa, không phải ra chầu chực ở mấy cái phòng tắm tập thể, đông và bẩn, nhất là mùa đông, dễ cảm lạnh. Rồi đêm hôm, khi cần đi tè, vào ngay cái bếp, chỗ tắm, làm một phát, dội nước là xong, không phải ra nhà vệ sinh chung cách đấy vài chục mét, bẩn kinh khủng. Lúc đầu không có nguồn nước dẫn vào bể, bố vẫn phải xách nước ở mấy cái vòi công cộng gần đó, đổ vào. Sau nghĩ ra cách mua mấy chục mét ống nhựa, chờ đêm khuya, rải ra, ròng nước về, sáng thu ống lại. Dễ đến cả năm sau, bố mẹ mới có tiền, góp với nhà bên cạnh, lắp ống dẫn nước vào tận bể.
Làm bếp xong, còn ít tiền, bố mẹ làm một bữa ăn tươi, mời bạn bè đến mừng tân…bếp! Chu choa, bỗng dưng có cái bếp, mặc dù hơi trục trặc tí, sao mà thấy hạnh phúc lâng lâng, rượu uống mãi chả say!
Sau đó khoảng tuần lễ hơn, anh Lịch ra chơi, nói sắp đi công tác, bảo bố đưa lại cho anh khẩu súng ngắn lần trước bố mượn mà chưa trả lại. Mươi năm sau, có dịp gặp ở Sài Gòn, nhắc chuyện cái bếp, anh Lịch cười bảo: Tao có đi công tác gì đâu, thấy mày doạ bắn mấy thằng quản trị, tao làm cớ lấy lại súng kẻo mày bắn thật, đi tù, khổ vợ con!
Rồi cuộc sống đưa đẩy, vài năm sau, nhà mình lại chuyển nhà, lần này đi xa, vào tận Sài gòn. 3 năm sau nữa, bố lại may mắn, “tự dưng” được nhà nước cấp 50 m2 đất. Cuộc sống lúc này đã khá hơn, vay mượn cũng dễ hơn, trên mảnh đất ấy, bố xây một căn nhà 3 tầng, một trệt hai lầu!
Ô, thì ra mình có nhà lầu thật! Chuyện ăn vay, chẳng nhớ hết tự lúc nào, nhưng cũng lâu lắm rồi. Từ ngày vào Sài gòn, chất lượng bữa ăn cũng khá lên nhiều. Ngoài tiền ăn, mặc, bố mẹ cũng để dành được vài đồng, phòng khi trái gió trở trời. Còn chuyện xe hơi? Giờ đã là năm thứ 11 của thế kỷ 21, ô tô không còn là đồ xa xỉ nữa. Nếu muốn, mua một cái tầm hai ba trăm cũng không phải là không mua được!...
Mỗi khi lại nhớ lời phán của bà cụ năm xưa, chả biết là nhân bảo hay là thần bảo! 



Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

39 C3 Trung Tự

Đó là nơi ngày này cách đây 25 năm, bố mẹ đón con từ nơi sinh, bệnh viện C Hà Nội, trở về khi con được 7 ngày tuổi.
39 C3 Trung Tự
Căn hộ 39 C3 Trung Tự là một trong hai căn hộ ông bà ngoại được nhà nước cấp và chuyển về ở từ năm 1977.
Khu tập thể Trung Tự đối diện với khu tập thể Kim Liên, mới xây dựng sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, thuộc quận Đống Đa Hà Nội, gồm nhiều khối nhà 5 tầng, xếp thứ tự theo các khu A, B, C, D, xây dựng theo công nghệ của Đức, lắp ghép bằng các tấm bê tông đúc sẵn. C2 nằm mặt đường, nay tên đường là Phạm Ngọc Thạch, C3 nằm sau C2, sau C3 là C4… Mỗi căn hộ có diện tích chính 24m2 và diện tích phụ rộng khoảng 0,8m, chạy dọc theo chiều dài của nhà, dài khoảng 10m. Diện tích chính chia thành 2 phòng: Phòng ngoài 14m2 , phòng trong 10m2 , sàn lót bằng gạch bông, màu tím sẫm. Diện tích phụ, một khúc làm bếp, một  khúc làm nhà tắm, một khúc chừng 0,5m2 làm nhà vệ sinh với một cái bệ xí xổm. Chiều cao từ sàn lên trần nhà là 2,8m. Ai quen ở nhà trần cao, khi bước vào căn hộ sẽ có cảm giác trần muốn chạm đầu! Phía trước là hành lang rộng chừng 1m dẫn vào các nhà. Phía sau có một hành lang nữa, nhỏ hơn dành để phơi phóng quần áo, để đồ lặt vặt… Tại đây, để chống trộm đột nhập, nhà nào cũng phải làm lồng sắt bảo vệ. Nhiều nhà có sáng kiến làm cái đế lồng sắt có chiều rộng từ 0,5 đến 1m, vậy là có thêm diện tích để vài thứ linh tinh, có khi là vài chậu hoa nhỏ. Các căn hộ ở khu tập thể Trung tự, cái nào cũng giống cái nào, đều tăm tắp, đúng là sản phẩm công nghiệp.
Ông bà ngoại được cấp 2 căn hộ liền nhau ở C3, số 39 và 40, tầng 2. Ông bà ở căn số 40, phòng trong dành để ngủ, phòng ngoài làm phòng khách, sàn nhà lót các tấm chiếu dệt bằng cói xe (cây cói chuyên dùng để dệt chiếu). Phòng khách kê một bộ bàn ghế sa lông nan, có nệm mút. Một chiếc tủ búp phê kiểu Đức, mặt tủ kê một chiếc ti vi Sanyo 14 inch, vỏ gỗ, có cánh lùa khép lại khi không xem; một dàn Akai băng cối. Thời ấy, đó là những thứ không phải nhà nào cũng có. Tại căn số 39, phòng ngoài kê một chiếc giường đôi để bác Bình và bác Khánh ngủ. Chỗ còn lại kê một chiếc bàn ăn với 5 sáu chiếc ghế để cả nhà ăn cơm. Nó không phải là bàn ăn chuyên dụng như bây giờ. Đó là chiếc bàn gỗ hình chữ nhật 0,8m x 1,2m, thường được dùng làm bàn giấy ở các cơ quan, công sở. Phòng phía trong 10m2 là không gian riêng của mẹ con. Cái bếp của căn hộ này dùng làm nơi nấu ăn chung cho cả gia đình.
Từ cầu thang đi lên, rẽ trái, căn hộ đầu tiên là số 40, rồi đến số 39. Tiếp theo, căn hộ số 38 là nhà của ông Thính, làm ở CA Hà Nội, sau sang làm giám đốc Hải quan Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu. Khi ông Thính chuyển nhà, gia đình ông Ninh chuyển đến ở. Phòng số 37 là nhà của ông Thảo, làm tổ chức ở CA Hà Nội. Phía bên kia cầu thang, căn 41 là nhà bà Nga, chồng bà là bác sỹ mắt, căn 42 là nhà của ông Cáp Xuân Diệm, cục trưởng bộ CA.  
       Lần đầu tiên bố đến nhà của ông bà ngoại vào năm 1980. Bố đến vừa với tư cách là bạn học của mẹ con (lúc ấy bố mẹ yêu nhau rồi, nhưng giấu, chưa dám công khai), vừa nhờ ông ngoại gợi ý giúp việc chọn đề tài làm luận văn tốt nghiệp. Đó là một buổi chiều cuối xuân, trời vẫn còn se lạnh. Khi bố đến, ông ngoại đang đi làm, chưa về. Bà ngoại đã nghỉ hưu được mấy năm. Mẹ đưa bố vào phòng khách, giới thiệu với bà ngoại, để bố ngồi đó, sang bên nấu cơm. Nhìn lướt căn phòng, đồ đạc, bố thấy ngần ngại, lo lắng bởi căn phòng trông sang trọng quá! Nhà bố ở quê tường đất, mái rạ, nền bằng đất nện, không có đến vữa (vôi trộn cát) mà trát chứ đừng nói đến xi măng! Còn ở đây, nền đã lót gạch bông lại còn trải thêm lớp cói xe nữa. Cói xe thì bố chẳng lạ bởi hồi nhỏ ở quê, bố xe cói mãi, cả xe bằng tay và cả xe bằng máy. Ngày ấy chỉ biết xe, giao lại cho người ta, không biết cói xe để làm gì. Đến nhà ông ngoại, bố mới biết nó được dùng cho người thành phố lót sàn nhà, đi cho khỏi lạnh chân! Bà ngoại tiếp bố chừng mươi phút, hỏi vài câu về gia đình, học hành… rồi bảo bố sang nhà bên (số 39) chơi, chờ “bác trai” đi làm về, ăn cơm và nói chuyện. Bà ngoại vốn thế, chẳng tiếp ai lâu. Sau cái lần gặp ấy, bà ngoại nói với mẹ con rằng trông nó yếu ớt, rõ là đói ăn, bố thì mất sớm, nhà đông anh em, chắc là vất vả lắm…
Ông ngoại bế con năm 1990
Bố ngồi một mình, đọc cuốn sách truyện gì đó mẹ đưa. Chừng nửa tiếng thì ông ngoại về, sang phòng để ăn cơm. Thấy bố, ông ngoại sững lại một hai giây, quay ngược sang phòng 40. Rồi ông trở lại ngay với nụ cười thân thiện. Chắc trước đó bà chưa kịp nói với ông về sự có mặt của bố, chẳng biết bố là ai, quan hệ thế nào… nên ông quay lại hỏi bà. Ông ngoại bảo bố ngồi vào bàn ăn. Bố lúng túng quá, ngượng ngập, người nóng ran, nhìn ra phía bếp cầu cứu. Ông ngoại vừa ăn vừa chủ động hỏi chuyện nên bố cũng bình tĩnh lại đôi chút. Ông ngoại ăn rất nhanh, ăn theo kiểu người lính, ăn xong xếp bát đũa đứng dậy khi bố còn đang mân mê chén cơm mới vơi non nửa, bảo bố cứ tự nhiên, ăn xong “sang gặp bác”.
Từ tháng 9 năm 1981, sau khi tốt nghiệp ra trường, bố về nhận công tác ở Hà Nội, làm ở phố Trần Bình Trọng, quận Hai Bà Trưng, ngủ “hàng bàn” (không còn nhà tập thể, buổi tối bố phải ngủ tại cơ quan, trên những chiếc bàn làm việc, rất nhiều người phải ngủ “hàng bàn” như bố). Tuần nào cũng vậy, bố dành 3 buổi tối thứ ba, thứ năm, chủ nhật để đến nhà 39 C3 chơi với “sức khoẻ” của ông ngoại. Ngày nắng cũng như ngày mưa, mùa đông cũng như mùa hè, cứ đến giờ là bố xuất hành. Không có phương tiện đi lại, bố đành cuốc bộ, cứ đúng giờ 7 giờ là gõ cửa 39 C3, đúng 9 giờ là trở về, chính xác như một cái đồng hồ Thuỵ Sỹ! Những người bạn ở “hàng bàn” với bố biết và rất tôn trọng cái lịch tình yêu của bố. Hôm nào có tổ chức ăn tươi mà trùng với lịch đi Trung Tự của bố, họ phải căn giờ nấu nướng. Nếu ăn muộn, dù mới ăn mà đến giờ “lên đường” là bố cũng đứng dậy, không ai có thể giữ bố lại được.
Thấy bố thường xuyên đến, ông bà gặng hỏi, mẹ con phải thú nhận là bố có “vấn đề” với mẹ. Biết vậy, ông bà ngoại cũng chẳng tỏ ra mặn mà hơn, cũng không có ý ngăn cản. Những buổi tối đến chơi với mẹ con, bố mẹ thường ngồi ở phòng ngoài, có sự “tuần tra, giám sát” kỹ lưỡng của bà ngoại. Có lần bố mẹ ngồi chơi, không bật đèn, bà ngoại vào nhắc liền: Các con bật đèn cho sáng! Cấm không được ngồi nói chuyện trong bóng tối!... Hãi quá, bố mẹ chẳng bao giờ dám tái phạm.
Vợ chồng ông bộ trưởng (ngồi giữa).
Cuối năm 1983 thì bố mẹ cưới nhau. Thời ấy cưới xin cũng đơn giản, chỉ mời nhau đến ăn kẹo, hút thuốc lá, uống nước chè tàu. Thường thì làm việc ở đâu, mượn cái hội trường ở đó mà tổ chức lễ cưới. Ông bà ngoại là người cách mạng, cũng từng nghèo khó, đều là công chức sống bằng lương nhà nước, chẳng dư giả gì. Ông bà cũng là người ưa giản dị, sống kín tiếng, không ưa ồn ào. Bởi vậy, ông bà quyết định tổ chức cưới cho bố mẹ theo hình thức tiếp khách tại nhà. Trong số khách dự đám cưới, nể trọng ông bà ngoại, vợ chồng ông bộ trưởng cũng đến chia vui.
Cưới xong, bố theo mẹ con về ở trong cái phòng 10m2 nơi mẹ vẫn ở. Mẹ vốn có một chiếc giường đôi rẻ quạt. Nghe lời người ta xúi, bố vay tiền mua và gạ mẹ con cho bố mang đến một chiếc giường hộp. Chiếc giường cũ chả biết rồi cho ai. Cái giường hộp người ta làm ẩu, vai giường mỏng, thang giường mỏng. Có tối bố mẹ đang nằm nói chuyện, chả làm gì, giường sụp cái rầm, ông bà chạy sang, ngượng ơi là ngượng! Hôm sau phải gọi thợ đến sửa, mất cả buổi.
Ở với ông bà ngoại, bố mẹ ăn chung cùng gia đình. Bà ngoại thường đi chợ mua đồ ăn, mẹ con nhận chân nấu ăn, bố nhận chân rửa bát. Buổi sáng ăn nhẹ, đi làm xách theo cái cặp lồng cơm, ăn trưa ở cơ quan. Buổi chiều mới ăn chung cả nhà. Cuộc sống cứ êm đềm trôi. Cho đến một ngày đầu tháng 7 năm 1986, lúc con sắp chào đời, bà ngoại gọi bố sang, bảo: Trước sau gì thì cũng đến ngày các con phải ăn riêng, không thể ăn chung mãi với bố mẹ. Vợ con sắp sinh, bố mẹ không thể trông cháu suốt ngày. Chắc con phải nhờ bà nội lên giúp. Như thế ăn chung sẽ không tiện, sợ bà nội sẽ e ngại. Mẹ tính để cho các con ra ăn riêng, con thấy thế nào? Thấy bà nói đúng nên bố đồng ý ngay, cũng chẳng thấy có trở ngại gì. Bà ngoại đưa cho bố một ít tiền để mua đồ dùng bếp núc. Bố bán một cái đồng hồ đeo tay cũ, chả được là bao, gom vào mua ít bát đĩa, cái mâm, mấy cái xoong nồi, cái chảo, cái rổ, cái rá, một cái bếp dầu, một cái bếp điện dùng dây may so, một cái thùng đựng gạo, cái can đựng dầu hoả, mấy cái âu đựng mắm, muối, mỡ, một cái vại muối dưa… Cái bếp chính của căn hộ, ông bà đã dùng để nấu ăn nên bố thu dọn cái hành lang phía sau làm cái bếp của nhà mình. Khi đón con về 39 C3 Trung Tự, nhà mình đã trở thành một gia đình nhỏ gần hoàn chỉnh, tương đối độc lập. Bữa cơm đầu tiên của nhà mình, ngoài bố mẹ, con, còn có cả bà nội. Khi con chào đời, bố đã nhắn về quê, mời bà nội lên gấp.
Bà nội Khánh Duy năm 1986.
Bà nội con đã từng một tay sinh và nuôi 6 đứa con, phụ giúp 3 đứa cháu ngoại nên khi lên Hà Nội để phụ giúp nuôi cháu nội có vẻ tự tin lắm. Nhưng cái ngày đầu tiên khi đón con về, gặp thằng bé sinh thiếu tháng, bé tý tẹo, mẹ nó mất sữa, cho ăn sữa ngoài với những điều kiện nghiêm ngặt, bà nội đâm lúng túng, chả biết xoay sở ra sao, thật tội! Con về, cứ 2 tiếng lại phải nấu nước sôi, tráng bình sữa, pha sữa theo công thức bác sỹ dặn, ngâm vào nước cho nguội bớt, còn âm ấm, khoảng 37 – 38ºC, thì đánh thức con dậy, cho con bú. Ban ngày còn đỡ, đêm hôm đó, cả nhà lịch kịch suốt, chả ngủ nghê gì được, mệt phờ người!
Như bố đã kể, đến 10 giờ đêm ngày thứ 3 kể từ hôm đón con về nhà, con bỏ ăn, cứ ngủ li bì. Mẹ con, bà nội thay nhau lay con thức dậy mà con không thức. Sáng hôm sau, chẳng kịp cơm cháo, bố mẹ vội đưa con trở lại viện C tìm BS Hiếu. Con được gửi sang viện Nhi Thuỵ Điển, nằm ở đó 10 ngày mới xuất viện trở lại nhà, thật hú vía!
       Từ viện nhi Thuỵ Điển trở về, nói trộm vía, sức khoẻ của con tốt hơn, con ăn ngủ đều, ít quấy khóc, mọi người hồi hộp theo dõi con từng ngày, mừng vui thấy con ngoan từng ngày. Con có thêm cái tên là Chuột, do ông ngoại đặt. Một ngày trôi qua, một tuần trôi qua, một tháng trôi qua, hai tháng trôi qua, ba tháng trôi qua… Mỗi ngày trôi qua là mối lo của bố mẹ, của bà nội, ông ngoại, bà ngoại… vơi đi một chút. Con đã biết hé mắt nhìn quanh, biết hóng hớt u ơ, biết nhận diện người quen, biết cười khi thích thú, biết khóc khi không vừa ý, biết lẫy, biết bò, biết ngồi, biết đứng, biết đi lẫm chẫm, biết chạy tung tăng, biết gọi bà, mẹ, âm (ông) ơi…, biết đón mẹ chiều về từ ngoài hành lang, dắt mẹ vào nhà đòi ti, ti xong mới thả cho mẹ làm việc khác… Từng ngày, từng ngày con đã lớn lên trong căn hộ 39 C3 như thế.
Khi con được hai hay ba tháng gì đó thì vợ chồng bác Khánh mang anh Long từ Liên Xô trở về. Anh Long khi đó được 4 tháng, bụ bẫm như thằng bé người nước ngoài. Vợ chồng bác Khánh chiếm cái phòng ngoài, bác Bình phải “sơ tán” sang ngủ ở phòng khách, căn hộ của ông bà. Ngày trước, có 4-5 người, 2 căn hộ, thấy rộng thênh. Giờ thêm 2 gia đình, nhân khẩu thêm 4, chưa kể người phụ giúp, diện tích căn hộ thì vẫn vậy, thành thử bắt đầu thấy chật chội. Cuộc sống vốn phức tạp, chuyện xô bát xô đũa thành chuyện khó tránh, dù không nhiều, không lớn! Ông ngoại sớm thấy việc này nên đã lặng lẽ đi ‘trinh sát” và ông đã biết được ở khu tập thể 58A Trần Nhân Tông có một căn phòng đang để trống. Ông tìm gặp những người có thẩm quyền giãi bày. Rồi một ngày ông ngoại bảo bố khai vào bộ hồ sơ, xin cơ quan xác nhận chưa có nhà ở. Rồi một ngày ông bảo bố đi theo ông lên 58A Trần Nhân Tông nhận bàn giao căn phòng. Rồi một ngày cả nhà mình chở theo một ít đồ đạc rời 39 C3 Trung Tự về ở trong khu 58A Trần Nhân Tông. Khi ấy con đã được hơn một tuổi.
Nhà mình chuyển đi, nhà bác Khánh vào tiếp quản. Bác Bình lại trở về vị trí cũ, trả phòng khách cho ông bà. Rồi bác Bình lấy vợ. Lại cũng không thể ở chung. Ông ngoại lại lặn lội tìm nhà, lại nhờ vả để vợ chồng bác Bình có một căn hộ tại khu tập thể Kim Giang. Vợ chồng bác Khánh tiếp quản cả căn hộ, trừ lúc ông bà sang ăn cơm.
Đâu như năm 1998, 1999, gia đình bác Khánh gặp tai nạn liên tiếp. Đầu tiên là bác Khánh té xe máy, gẫy mấy cái xương sườn, chữa mấy tháng mới khỏi. Năm sau đến lượt bác gái - bác Tuyết – đi xe máy, bị ô tô va quyệt, đứt mất nửa bàn chân phải, chữa trị, nghỉ làm cả nửa năm. Rồi nghe xì xào trước cửa căn hộ 39 C3 có cây đa chiếu, ở nữa sẽ nguy, có khi mất mạng. Sợ quá, ông bà phải bán vội. Nhà bác Khánh dọn sang ở căn 40, chung với ông bà ngoại. Bán được mấy tháng, giá nhà tăng chóng mặt, lên gấp đôi! Lúc ấy mới lờ mờ chuyện bị nghe tin lừa, lúc ấy mới tiếc nhưng đành bó tay! Cũng may là sau đó, với phương thức “nhà nước và nhân dân cùng làm”, mỗi căn hộ ở khu tập thể này đều nới rộng ra phía sau được gần 20m2. Nhà bác Khánh ở trọn chỗ này, có cả một góc bếp, một cái nhà tắm, vệ sinh có bồn cầu xí bệt, bình nước nóng… 
Mỗi lần ra Hà Nội, đến thăm ông bà ngoại, bố lại muốn ghé vào cái phòng trong của căn hộ 39 C3 để thăm lại nơi cả nhà mình từng gắn bó. Nhưng cửa nhà ấy lúc nào cũng đóng. Vả lại, nếu có cho vào, chắc gì họ đã cho mình ngó tận phía trong, cầm lòng vậy!
C3 thì vẫn thế, còn các căn hộ đã được đánh số mới. Căn 40 đổi thành 203. Căn số 39 đổi thành  204.
39 C3 giờ chỉ còn trong ký ức!



Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Chiếc phản gỗ lim

Hằng đêm, chiếc phản để con tè... thoải mái!
Khi rời nhà ông bà ngoại, chuyển đến ở 58A Trần Nhân Tông, ông bà ngoại cho nhà mình một chiếc phản bằng gỗ lim. Chiếc phản gồm 3 tấm ghép lại với nhau, mỗi chiều 2m. Mỗi tấm lại được ghép bằng các tấm nhỏ dài 2m, rộng 0,2m.
Chiếc phản gỗ này thời còn khó khăn, ông bà ngoại cũng đã từng dùng nó làm giường để ngủ. Năm 1977, khi chuyển về Trung Tự, ông bà được cấp 2 căn hộ. Thời ấy, được một căn hộ đã là hạnh phúc lắm rồi! Ông bà được 2 căn là vì bà ngoại là cán bộ lão thành, tham gia cách mạng từ trước năm 45. Ở Trung Tự, nhà cửa rộng rãi, lại đủ tiền mua giường cho các thành viên trong nhà nên tấm phản gỗ không cần dùng nữa. Nó được xếp ở hành lang phía sau căn hộ của ông bà.
Những năm 81, 82, đất nước lâm vào khủng hoảng, đồng tiền mất giá, lạm phát tăng cấp độ số nhân, giá cả thị trường leo thang vùn vụt, đời sống cán bộ, công nhân, viên chức cực kỳ khó khăn. Khó thì phải tìm cách vượt khó. Mọi người tìm đủ mọi cách để kiếm thêm thu nhập. Có nhiều người nghĩ ra cách nuôi lợn ngay trong những căn hộ tập thể chật hẹp. Bà ngoại cũng nuôi và rất mát tay. Lợn giống mua về chừng hơn chục ký, nhốt nuôi ở cái phòng tắm bé tý. Dưới bàn tay chăm bẵm của bà ngoại, chỉ sau 3 tháng, con lợn đã được bẩy tám chục ký, cho xuất chuồng, nuôi con khác. Con lợn được gọi là “bạn lớn” (nghĩa là lợn bán!), là “thủ trưởng hợi” (Hợi là lợn, thủ trưởng chắc là nói về sự quan trọng của nó!)… Con lợn ngày ấy được quan tâm, chăm sóc còn hơn cả con người! Người ốm, hãy cứ nằm đấy, từ từ lo! Còn “thủ trưởng hợi” mà ốm có mà lo sốt vó, lo thuốc thang chữa bệnh, rủi khó bề qua khỏi thì lo bán cho nhanh, không nhanh có mà cụt vốn! Mùa hè còn đỡ. Mùa đông phải lo chống rét cho “bạn lớn”. Cái nền nhà tắm vốn láng bằng xi măng. Để chống rét cho “bạn lớn”, bà ngoại đã lấy 1 tấm trong 3 tấm của chiếc phản ấy, kê cho “bạn lớn” nằm! Có “anh bạn” nào đó, chắc là ngứa răng, gặm vẹt mất một miếng gần bằng bàn tay. Nuôi được vài lứa, cũng có lời chút đỉnh, nhưng vất vả quá, lại hôi nữa nên bà ngoại chia tay với “bạn lớn”. Tấm phản lại được xếp vào chỗ cũ cho đến khi theo chúng ta về nhà mới.
Ở nhà mình, chiếc phản được kê ở góc ngoài, sát cửa ra vào. Chiếc phản có chân để kê lên, thành chiếc giường. Nhưng nhà mình chật, bố bỏ chân, kê trực tiếp xuống nền nhà cũng láng bằng xi măng.
Chiếc phản là nơi nhà mình ngồi ăn cơm, nơi tiếp khách đến chơi và là nơi bạn bè của bố tụ tập mỗi khi có tổ chức nhậu nhẹt. Bố mẹ vốn nghèo khó nên các cuộc nhậu thường do bác Cò tổ chức. Các bữa nhậu ngày ấy thường là bia hơi, bia tàu, rượu đế… Mồi nhậu khoái khẩu nhất là thịt chó mua ở chợ âm phủ, vó bò, nem bì heo, cá… Chiếc phản từng nghe nhiều chuyện khóc cười của người nhậu do “rượu vào lời ra”, chịu hứng cả bia rượu, mắm tôm rơi vãi, thậm chí cả cái thứ mà người nhậu xỉn quá ói ra ngay tại trận. Được cái nó làm bằng gỗ lim, rắn chắc như thép, sức chịu đựng rất tốt. Bia, rượu, mắm tôm hay thứ gì vấy ra, chỉ cần lấy nước lau rửa là nó lại sạch bong.
Lúc mới đến ở, cả nhà mình thường ngủ trên giường. Lúc ấy khoảng tháng 8, tháng 9 thì phải, trời vẫn còn nóng. Nhà chỉ có một chiếc quạt con cóc, nhưng điện yếu, quạt chạy lờ đờ, đưa cả quạt vào trong màn mà vẫn không đủ mát, con ngủ không yên giấc. Nóng quá, bố mẹ liền nghĩ đến chiếc phản. Thế là chiếc phản thêm nhiệm vụ làm giường ngủ cho cả nhà. Nằm ngủ ở chiếc phản hoá ra tiện nhiều thứ: không cần chiếu, rộng rãi hơn giường, lại mát lưng. Mùa đông thì trải thêm tấm mền nữa là ổn. Và một cái tiện nữa là để cho con… tè dầm thoải mái!
Trời đất, nhớ lại chuyện con tè dầm mà phát ớn! Đêm nào con cũng tè dầm, có đêm tè 2 trận. Khi còn ngủ ở giường, không chiếu nào chịu nổi, mỗi lần lau giường cực hết biết. Từ khi ngủ ở phản, hoá ra lại hay! Như đã nói, chiếc phản làm bằng gỗ lim, nước đái của con nó chịu tốt, tè vậy chứ có tè nữa cũng chẳng xi nhê gì! Khi cần, chỉ dở từng tấm lên, rửa lau sạch, xếp lại là lại ok. Nó vẫn làm tốt nhiệm vụ là chỗ cho mình ăn cơm, tiếp khách, nhậu nhoẹt, ngủ và hứng chịu những cơn tè dầm của con.
Con đã tè dầm bao đêm, khi nào thì hết chứng tè dầm, bố chẳng nhớ nữa! Chỉ nhớ khi con gần 7 tuổi tròn, lúc chuyển nhà vào Sài Gòn, ngủ bằng nệm, bố không thấy con tè nữa. Nếu con vẫn tè như trước, nệm nào chịu cho thấu!
Chiếc phản gỗ lim ấy, khi chuyển nhà vào Nam, bố mẹ tặng cho nhà cô Vân làm cùng với mẹ con, cô vân tặng bố mẹ 20 đô để nhà mình làm lộ phí. Chẳng biết chiếc phản ấy bây giờ thế nào?!!
Ngày ấy nếu chịu khó mang theo thì đâu đến nỗi giờ bố luôn canh cánh nhớ chiếc phản gỗ lim ấy!




Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Cai sữa cho con

Khi con được 18 tháng, bố mẹ tính chuyện cai sữa cho con.
Con biết chạy rồi nè!
Như bố đã kể, hồi mới sinh, mẹ con mất sữa, phải đến tháng thư tư, thứ năm gì đấy mới có sữa trở lại. Việc mất sữa và chậm có sữa là do mẹ sinh mổ, phải tiêm kháng sinh penicillin. Nhưng cũng còn nguyên nhân nữa là do nghèo khó quá!
Năm con sinh ra là năm khốn khó nhất sau hoà bình, thống nhất đất nước. Bố mẹ là công chức nhà nước, mới ra trường được vài năm, bố lại phải đi học tiếp, đồng lương èo uột, giá cả tăng chóng mặt. Người ta khá giả thì sau khi sinh được tẩm bổ thuốc bắc, được ăn gà tần, cá chép, chân giò heo… Còn mẹ con? Có bao nhiêu tiền, bố mẹ dành mua đường, sữa cho con. Bữa cơm đạm bạc, thường chỉ có rau dưa, muối lạc, đậu phụ kho… Quả trứng không dám chiên rán mà phải kho với cà chua để ăn cho đủ bữa. Cũng phải dành dụm lắm, cũng phải cắn răng lắm mới một vài lần mua cái chân giò nhỏ, nấu cháo với đu đủ, nuốt nước mắt ăn vào để mong có sữa cho con bú. Rồi bà ngoại thương tình, bớt xén khẩu phần ăn của ông bà và các bác, mua cái chân giò, hầm cháo, dấm dúi đưa cho mẹ.
Rồi như trời động lòng thương, mẹ con có sữa trở lại. Chu choa, mừng ơi là mừng. Lúc đầu sữa ít lắm, chưa đầy cái chén (ly) uống trà. Dần dần, sữa nhiều dần lên, nhưng cũng không nhiều như người ta được. Nhìn con bú ti mẹ, mặt mẹ hạnh phúc rạng ngời. Lúc con lẫm chẫm biết đi, những buổi chiều, khi mẹ từ cơ quan về, mới chỉ kịp dựng xe đạp ở hành lang là con đã cầm tay mẹ dắt vào nhà, đòi bú.
Lúc định cai sữa cho con thì nhà mình đã chuyển tới 58A Trần Nhân Tông. Nghe mọi người nói cai sữa cho con thường rất khó khăn, phải dùng nhiều cách, thậm chí bôi ớt vào ti để cho đứa trẻ bị cay, sợ mà không dám bú nữa. Bố mẹ bàn với nhau là đưa con đến gửi ông bà ngoại vài ngày, khi con “quên” việc bú tí mẹ thì sẽ đón con về.
Một buổi tối, khi đó đã là mùa đông, sau bữa cơm, bố mẹ quyết định đưa con xuống nhà ông bà ngoại. Chờ lúc con mải chơi đùa, bố mẹ lặng lẽ trốn con để về nhà.
Tối mùa đông lạnh, lại chả có việc gì, chả có ti vi, bố mẹ lên giường định ngủ sớm. Vậy mà trằn trọc, vậy mà cảm thấy trống vắng, cảm thấy lo lắng… Rồi mẹ con vùng dậy, bảo em nhớ con quá, sợ con không thấy bố mẹ con sẽ khóc suốt đêm!...
Thực ra lúc ấy bố cũng đang thấy bất an khi bỗng nhớ lại cái đêm nằm ở viện nhi Thuỵ Điển, đang ngủ bố bỗng giật mình tỉnh giấc vì nghe thấy tiếng con o oe. Bố gọi mẹ vào chỗ con nằm thì đúng là con đang o oe thật. Chắc là con tỉnh giấc, không thấy ai, sợ hãi nên o oe. Mẹ bế con lên, thay tã cho con, ru con à ơi, con nín và ngủ thiếp đi. Đêm nay không có bố mẹ, con sợ, con khóc thì làm sao! Nghe mẹ nói vậy, bố bảo thôi xuống đón con về. Bố mẹ thật không nỡ xa con dù chỉ một đêm.
Thấy bố mẹ lại đến, mọi người rất ngạc nhiên. May quá, con vẫn đang chơi đùa, chưa đến lúc thấy thiếu hơi bố mẹ, không biết rằng bố mẹ đã trốn con về nhà. Mẹ con nói, sợ cháu khóc nên chúng con đón cháu về. Bà ngoại bảo, ừ thì đón cháu về!
Đường về nhà, gió mùa đông hun hút. Bố đạp xe chầm chậm, lòng thư thái, bao lo lắng tan biến đâu mất. Nằm trong vòng tay mẹ, sưởi bằng hơi ấm của mẹ, về tới nhà con đã ngủ say. Giấc ngủ cũng nhanh chóng đến với bố mẹ bởi giờ con có o oe thì đã có bố mẹ bên cạnh con rồi.
Còn việc cai sữa cho con, hoá ra rất đơn giản. Nghe người ta bảo, mẹ bôi một chút dầu xanh vào đầu ti. Rồi khi con muốn ti, mẹ bảo cay lắm, sợ lắm… Nghe mẹ nói, nhìn điệu bộ của mẹ diễn tả, có lẽ con cũng hiểu. Vậy nên khi mẹ đưa ti về phía con, bảo ti đi, con đã lùi ra. Chỉ vậy thôi, con bỏ ti, chẳng bao giờ đòi ti nữa.

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Con đi nhà trẻ

          1- Thấm thoắt, con đã được hơn 6 tháng tuổi. Giờ thì nỗi lo đã đỡ hơn rất nhiều bởi con đã nhận biết được thế giới xung quanh, nhận biết người thân, biết i a, bi bô với mọi người.
Mẹ yêu con.
        Thời gian được nghỉ đã hết, mẹ phải đi làm. Mọi người đều phải đi làm. Ở nhà chỉ còn bà ngoại, nhưng bà ngoại sức khoẻ không được tốt, không thể trông cháu cả ngày. Vậy là bố mẹ phải gửi con đi nhà trẻ.
        Ở khu Trung Tự, gần nhà mình, có 2 ông bà nhận giữ trẻ. Theo giới thiệu của bạn bố, cũng có con đang gửi ở đó, ông bà giữ trẻ tốt, giá cả phải chăng, chỉ nhận số lượng giới hạn, đủ sức trông coi. Lúc mới gặp, bố mẹ hơi ngần ngại bởi cả 2 ông bà đều nhỏ bé, lùn, cao chỉ chừng 1,2m. Tuy nhiên, thấy ông bà sởi lởi, nhà cửa sạch sẽ… bố mẹ đồng ý gửi con cho ông bà.
        Sáng ngày đầu tiên đưa con đến nhà ông bà, gặp người lạ, con sợ hãi khóc thét, ôm chặt lấy mẹ, không chịu cho bà bế. Dỗ mãi, dỗ mãi, con chỉ khóc, tay chỉ đòi về nhà mình. Ông bà bảo, đứa trẻ nào cũng vậy, mới đến đều khóc vì lạ. Anh chị cứ để cháu lại, đi làm kẻo muộn, rồi cháu sẽ quen. Thương con lắm, nhưng biết làm sao, mẹ đành để bà bế dứt con ra, hy vọng rồi con sẽ quen. Nhưng tới gần trưa, ông bà gọi mẹ về, trả con lại vì con cứ khóc ngằn ngặt suốt sáng, dỗ thế nào cũng không được, làm những đứa trẻ khác cũng khóc theo.
       Tội nghiệp con tôi, mắt sưng húp, giọng khan đi, mới thấy mẹ là oà khóc nức nở, vừa được mẹ bế đã chỉ tay đòi bế về nhà.
       Mẹ phải xin phép được nghỉ làm, ở nhà với con. Vừa vỗ về ru con, vừa thủ thỉ: Con ngoan của mẹ, chịu khó ở với ông bà, mẹ còn phải đi làm, nếu không các cô các chú mắng, cho nghỉ việc thì rõ khổ. Con ở đó, chơi ngoan, hết giờ mẹ về ngay, đón con về… Ấy là thủ thỉ vậy, chứ nào con đã biết mẹ nói gì!
       Tối hôm ấy, bố mẹ lại sang ông bà nói khó nhờ ông bà trông giúp. Mới đầu, bà dứt khoát không chịu, bảo rằng chưa thấy đứa trẻ nào khóc dai như thế, khó quen như thế… Bố mẹ cũng nản, cũng định ra về mà không biết xử lý thế nào. Có lẽ hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của bố mẹ, ông nói rằng: Sáng mai anh chị cứ đưa cháu đến lần nữa xem sao. Nếu cháu vẫn không quen được thì chúng tôi đành chịu thôi.
       Sáng hôm sau, đưa con đến, con vẫn khóc, đòi về. Mẹ dỗ dành: con ngoan của mẹ, chịu khó ở với ông bà, hết giờ làm mẹ đến đón con ngay, nhé… Có vẻ như con hiểu được những điều mẹ nói, có vẻ như con bằng lòng ở lại, nhưng khi bà đưa tay định bế thì con dứt khoát quay đi, không chịu. Bà có vẻ không hài lòng. Tưởng đã phải bế con về thì ông bỗng đưa tay ra, lên tiếng: Lại đây với ông nào, ông thương… Thật kỳ lạ, con đồng ý theo ngay, mặc dù vẫn còn khóc, mắt nhìn mẹ như dặn mẹ nhớ đón con.
       Việc con theo ông làm mọi người rất ngỡ ngàng và vui mừng. Trước giờ, việc trông trẻ chủ yếu là do bà đảm trách, có sự phụ giúp của mấy cô, chú. Ông làm việc nhà, đi chợ, nấu ăn… Từ khi con theo ông, ông được giao đặc trách trông chỉ mình con. Sau này, con cũng quen dần với bà, với mọi người, với các bạn, nhưng thực sự con chỉ tha thẩn chơi với ông, theo ông như cái bóng của ông vậy.
     Ở với ông bà, con được ông bà quí mến, khen con ngoan, không quấy khóc, không nghịch ngợm quấy phá ngoài một lần ông ngủ trưa, sẵn có mẩu thuốc lá ông hút dở, con xé ra, lấy sợi thuốc dí vào mắt ông, làm ông đau mắt mất mấy ngày. Khi chuyển lên 58A Trần Nhân Tông, nhà mình chỉ cách nơi làm việc của bố mẹ chừng vài trăm mét, nhưng bố mẹ vẫn gửi con ở đây. Hàng ngày, mẹ đưa con tới gửi ông bà rồi quay ngược đến cơ quan. Chiều mẹ lại đến Trung Tự đón con về nhà. Cứ như vậy cho tới khi con được 3 tuổi, làm xong các thủ tục vào nhà mẫu giáo, con mới phải chia tay với ông bà. Cuộc chia tay ấy thật cảm động. Ông cứ ôm riết lấy con, không muốn rời. Ông bảo, ông chưa quí đứa trẻ nào như con, không nỡ xa một đứa trẻ ngoan ngoãn, quấn quýt tình cảm như con. Và ông đã khóc khi bố mẹ bế con ra về. Đúng là chuyện hi hữu đấy con ạ.
x
x x

       2- Khi con hơn 3 tuổi, con được mẹ đưa đi mẫu giáo. Ngày đầu tiên đến trường, con cũng gây ra chuyện kinh thiên, động địa!
       Trước đó vài ngày, bố có chuyến đi công tác ở Quảng Ninh. Theo chương trình, hôm sau bố sẽ đi Móng Cái hai ba ngày rồi mới về Hà Nội. Chẳng hiểu thế nào, buổi chiều hôm ấy bố thấy bồn chồn ghê gớm, nhớ con, chỉ muốn về. Rồi bố quyết định hôm sau về Hà Nội, không đi Móng Cái nữa.
      Thời ấy đi lại khó khăn lắm, mãi chiều bố mới về tới nhà. Vào nhà, bố thấy có mùi vật gì cháy, tưởng mẹ mới đốt gì. Mẹ thì bảo không. Nhìn bàn thờ, thấy bát hương vẫn nghi ngút khói, chân nhang đã cháy rụi. Hoá ra cháy bát hương, hôm ấy ngày rằm, mẹ mới thắp hương. Bố nghĩ chắc có điềm gì. Hỏi mẹ có chuyện gì lạ, mẹ kể chuyện sáng nay con mới trốn trường! 
Hôm nay con tới trường...
     Mẹ kể, sáng đưa con tới trường, mọi việc diễn ra bình thường. Mới đầu con cũng ngần ngại, không dám vào, vì lạ. Nhưng được mẹ động viên, các cô chào đón nên con cũng vào lớp. Mẹ về cơ quan làm việc, trưa ghé về nhà, đầu giờ chiều lên lại cơ quan để làm việc, hết giờ chiều mới phải đến đón con về. Nhưng vừa tới phòng làm việc, đã thấy con đang đứng khóc, tay vẫn cầm đôi dép, các cô cùng phòng mẹ đang rối rít vây quanh, không hiểu sao con lại về được đây. Cũng đúng lúc ấy, điện thoại bên trường gọi sang, hỏi con có về đó không! Họ rất mừng khi biết con đã về cơ quan mẹ, không lạc đâu hay bị ai bắt cóc!
    Thì ra, cả buổi sáng con vẫn ở trong lớp. Đến trưa, sau khi ăn, tất cả các cháu đều ngủ, các cô cũng tranh thủ ngủ. Đúng lúc ấy, con đã lặng lẽ bò dậy, ra cửa lớp tìm lấy đúng đôi dép của mình và trốn khỏi trường. Điều đáng ngạc nhiên là, từ chỗ mẹ làm, phải qua 2 con phố ồn ào náo nhiệt, xe cộ ngược xuôi mới đến được trường con. Mới ngày đầu mẹ chở con bằng xe đạp đến trường, con còn bé thế, làm sao con qua đường được, làm sao con nhớ được đường để tìm về đúng chỗ mẹ làm việc! Đến bây giờ bố vẫn không thể tin được điều này. Bố vẫn nghĩ rằng hình như có thần thánh dẫn đường cho con đấy. Nếu đúng vậy thì bố chắc là bà cụ nội là người dẫn đường cho con bởi cụ nội của con ngày xưa rất yêu quí bố, thường dẫn bố đi học và đón về khi bố còn bé như con.
        Nghe xong chuyện, bố nhớ ngay tới việc bát hương mới bốc hoả. Đúng là điềm báo tai qua nạn khỏi bởi trời đất tổ tiên phù hộ. Bố chỉ còn biết vội vào chắp tay xá liên hồi để cảm tạ.
       Rồi mẹ lại dẫn con sang trường, giao cho các cô, dặn con phải học chăm chỉ, không được trốn nữa. Con là đứa con biết nghe lời. Sau đó, không một lần con làm các cô phải lo lắng, hoảng sợ nữa.
        Hai cô giáo để con trốn ra buổi trưa hôm ấy bị một phen xanh mặt. Tháng ấy các cô bị cắt thi đua. 
       Còn con thì bị hai cô đưa vào diện cần theo dõi đặc biệt! 


      Hình ảnh lúc nhỏ của con