Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Con mèo trắng đốm đen

Nó là con mèo cái, màu trắng muốt có một đốm đen lẫn một ít lông vàng ở đầu và hai đốm đen ở phần thân, gần đuôi, hơi chếch xuống bên trái.
Khi mới chuyển lên 58A Trần Nhân Tông, trên cái trần nhà bằng cót ép, đêm đêm chuột chạy rầm rầm, như giặc. Hôm đến chơi nhà bác Tuế, nhà ở dãy cấp 4 sát đường Nguyễn Quyền, thấy mèo nhà bác ấy đẻ, mèo con đã được 2 tháng tuổi, biết ăn, bố xin một con (theo kinh nghiệm dân gian, bố mẹ đưa cho bác ấy một đồng tượng trưng để cho dễ nuôi), nuôi để nó bắt chuột.
Đêm đầu tiên, lạ nhà, nhớ mẹ, nó kêu khóc ầm ĩ! Bố phải dậy, ngồi trong đêm tối, để nó trong lòng bàn tay, vuốt ve, dỗ nó. Kêu khóc một hồi lâu, rồi như mệt quá, nó ngủ thiếp đi. Đêm thứ hai, tắt đèn được một lúc, nó cựa quậy và bắt đầu kêu. Nằm trong màn, bố nói vọng ra, doạ: Ngủ đi! Không ngủ, tao gọi chuột đến bắt bây giờ! Con cũng cựa quậy, chưa ngủ, mẹ doạ: Ngủ đi, nếu không bố gọi chuột ra cho nó khiêng đi bây giờ! Không biết có phải hiệu quả do lời doạ hay không mà cả mèo và người đều lặng im và ngủ lúc nào chẳng biết!
Con mèo nhà mình nhang nhác
con này (ảnh ST)
Đó là một con mèo khoẻ mạnh, nhanh thoăn thoắt. Nó ăn rất tốt, thích ăn cá, thịt thích vừa phải, ăn được cả rau, nhất là rau muống xào… Mẹ kiếm cho nó một cái bát sắt, bị vỡ một miếng men bằng chiếc cúc áo bông, cho thức ăn vào đó mỗi khi đến bữa. Nó ăn một mạch, rất ngon miệng, thường là ăn hết suất, ít khi bỏ dở. Hôm nào có cá, vừa ăn nó vừa “ngoăm ngoăm” ra chiều khen “ngon ngon”. Ăn xong ra cửa ngồi, “chải chuốt” làm đẹp, không quấy quả ai trong lúc nhà mình ăn cơm, kể cả khi có khách. Mặc dù thường ở nhà một mình, nó chưa bao giờ ăn vụng.
Nó là con mèo nhát. Lúc bé, hễ cứ thấy người lạ vào nhà là nó chui tọt vào gầm giường ẩn nấp, khách về một lúc mới lò dò đi ra. Khi lớn, nó dạn hơn, nhưng ít khi nó để cho khách vuốt ve, ôm ấp.
Nó là con mèo không hay chuột. Bố chưa thấy nó bắt được con chuột nào. Nhiều lần bố chứng kiến nó ngồi ngoài cửa, hững hờ nhìn chuột cống chạy ngoài sân. Vậy mà kể từ cái đêm có nó, chuột bọ rủ nhau trốn đâu hết, không còn thấy chúng phá phách trên trần nhà!   
Nó có một cái tật hay đi toilet trong gầm giường. Nó là con mèo nhát, ít khi mò ra ngoài nhà. Nhà mình lúc ấy cũng chưa có bếp. Bố cũng chẳng “dạy” nó, bởi vậy khi có nhu cầu, nó chẳng biết toilet vào chỗ nào, cứ vào gầm giường là chỗ “kín đáo” nhất mà “giải quyết”! Mùi cứt mèo chua loét, nồng nặc. Mỗi lần dọn, lau rửa rất cực, lau rửa rồi vẫn còn mùi. Lúc còn bé, bố tha cho cái tội chưa biết gì. Khi nó đã thau tháu, mỗi lần dọn phân cho nó, bố lôi nó vào, chỉ cho nó biết lỗi, cho nó vài cái phát tay vào mông. Nhưng nó vẫn chứng nào tật ấy. Tức quá, có mấy lần bố lấy cái đũa cả, đánh nó thật mạnh, nó gào lên: ngao ngao… đau đau!!!
Bị đánh đòn đau, nó sợ bố. Mỗi trưa bố về, vừa mở cửa nhà là nó vội chạy ngay ra, không dám ở trong nhà. Có lần, chắc là ngủ quên, khi mở cửa bố thấy nó còn mắt nhắm mắt mở chạy ra, thật tội! Nỗi sợ này theo nó mãi, kể cả khi đã trưởng thành, đã là mẹ của mấy lứa con. Mẹ con kể,  đang ngồi lim dim với mẹ, hễ thấy nó chạy vội ra cửa ngồi là y như rằng biết bố đang về tới đầu ngõ. Có buổi chiều chú Thắng (bạn học với bố mẹ) tới chơi, bố đi làm chưa về. Trong lúc ngồi đợi, chú Thắng vừa trò chuyện, vừa vuốt ve con mèo. Con mèo đang lim dim bỗng dỏng tai, lách ra khỏi tay chú Thắng, chạy nhanh ra cửa. Mẹ bảo: ông ấy (bố) sắp về tới. Chú thắng ngó ra cửa nhìn, không thấy, quay lại hỏi: Có thấy đâu! Sao bà biết ông ấy đang về? Mẹ bảo: Con mèo nó nghe thấy tiếng xe đạp của “bố” nó, nó mà chạy ra cửa ngồi là bố nó sắp về! Quả đúng là như vậy!
Nó sợ bố nên nó thường né, không dám gần bố. Những lúc bố ở nhà, nó thường ra cửa nằm. Có lúc quên, nó đi vào nhà, nhưng thấy bố nhìn, tỏ ý không bằng lòng là nó lại quay ra cửa. Vậy nên, muốn để nó vào hoặc nằm chơi trong nhà, bố thường phải tránh, không nhìn nó. Nhiều lúc bố cũng lừa bắt được nó, vuốt ve, gãi đầu, gãi lưng cho nó. Những lúc như thế, tay trái bố phải giữ nhẹ nó, tay phải vuốt ve, gãi cho nó. Nó cũng để yên cho bố vuốt ve. Nhưng chỉ cần nó thấy bố buông tay, không giữ nữa là nó thoát khỏi bố ngay, không bao giờ chủ động ngồi chơi hay đùa giỡn với bố.
Nó rất quấn mẹ con. Mỗi khi mẹ đi làm về, nó rối rít theo chân, dụi đầu vào người mẹ, giục mẹ cho ăn. Hôm nào đói quá, nó giục mẹ cuống cuồng, có lần còn nhảy lên cả bàn bếp, ngó nghiêng vào cái chảo đang chiên cá cho nó, lửa bén cháy rụi một bên ria. Nhiều lần, biết tính nó, chưa kịp thay quần áo, chưa kịp nấu ăn cho người, mẹ phải vội làm đồ ăn cho nó. Những tối mùa đông, mẹ ngồi khâu len, nó thường quẩn quanh bên cạnh, chơi đùa với những sợi len. Có lúc làm vướng tay, mẹ nhắc nhở nó, nhưng nó cứ kệ, không nghe. Mẹ phải bảo, bố kìa, bố mắng nó đi! Bố chỉ cần tằng hắng, lừ mắt nhìn, vậy là nó thôi, không nghịch nữa, ngồi cạnh mẹ, ngủ gà ngủ gật. Đêm đến, cả nhà đi ngủ, nó thường nằm ngủ bên cạnh chân mẹ. Sáng ra, chừng 5 giờ, thấy mẹ trở mình, nó đi lên ngồi ngay ngang tai, kêu “mao mao…”, ý giục mẹ dậy “mau” để cho nó ăn. Nếu mẹ chần chừ, nằm rốn thêm, nó lấy tay cào cào vào tay mẹ, bắt dậy cho bằng được.
Đến tuổi trưởng thành, nó có bầu. Thương nó bụng mang dạ chửa, mẹ thường mua cá tẩm bổ cho nó. Một buổi, nó cuống cuồng quấn lấy chân mẹ. Biết nó chuyển dạ, sắp sinh nở, mẹ lấy một chiếc nắp hộp, lót một chiếc áo cũ, đặt vào gầm giường, chỗ khuất. Nó vào ngay, rục rịch một lúc thì thấy tiếng mèo con oe oe chào đời. Lần đó nó đẻ 3 con, con nó đều trắng, đốm đen giống mẹ. Khi con nó cứng cáp, biết bò lổm ngổm, một hôm nó tha một con đến trước mặt mẹ, đặt xuống, có ý muốn khoe. Con mèo con giống mẹ như đúc, rất dễ thương. Mẹ con đặt nó lên lòng bàn tay, vuốt ve, bảo: Trộm vía, con mày xinh lắm,… giống mẹ quá,… hay ăn chóng lớn nhé,… Nhưng mà mày đẻ vừa thôi, đẻ nhiều quá, không chăm sóc tốt được, biết chưa!... Con mèo nằm nghiêng, chân tay duỗi dài rất thoải mái, cái đuôi hững hờ vẩy qua lại. Nghe mẹ bảo đẻ ít thôi, nó nhìn lơ đãng đâu đó, kêu meo một tiếng như là tiếng… vâng! Nhưng nghe giọng điệu, có vẻ nó vâng cho phải phép!
Nó là con mèo khoẻ mạnh, mắn đẻ. Con nó được chừng hơn 2 tháng là người ta đến xin. Chừng tháng, hai tháng gì đó, đã lại thấy nó có bầu, rồi lại đẻ, nuôi con… Rồi một đêm tháng năm hay tháng sáu năm 1992, nó lại đến kỳ động dục. Nó ra ngoài tìm bạn từ chập tối. Nửa đêm, bố giật mình thức giấc vì tiếng con mèo chạy về, vào nhà qua cửa sổ. Tưởng nó về rồi nó ngủ. Nhưng không, nó và con mèo kia cứ nhảy qua nhảy lại qua cửa sổ, gầm gừ ầm ĩ. Tức mình bố bò dậy, quát nó một tiếng. Thấy vậy cả 2 phóng qua cửa sổ ra ngoài. Tiện tay bố khép cửa sổ lại để chúng nó khỏi quậy phá. Mọi lần, nó cũng đi qua đêm, nhưng sáng sớm hôm sau là nó về, nằm ở cửa chờ mẹ dậy. Nhưng lần này, sáng ra không thấy nó, đến chiều tối cũng không thấy nó về. Mãi sáng ngày thứ 3, khi mẹ chuẩn bị đi làm, mới thấy nó về, người lấm lem, leo lên ngay cái gác trong bếp nằm. Mẹ lấy đồ ăn cho nó, gọi nó xuống ăn, nhưng nó không xuống. 
     Mẹ điện báo cho bố biết con mèo đã về, dặn bố đừng mắng, đừng đánh nó, kẻo nó sợ, nó bỏ đi nữa, biết tìm ở đâu. Chiều bố về sớm. Chén cơm để trong bếp từ sáng vẫn còn nguyên. Vậy là nó bỏ ăn. Bố vào, nhìn lên chỗ nó ở, thấy nó đang nằm, quằn quại, đau đớn, miệng nó sùi bọt, quanh đó có một ít chất nó nôn ói ra. Vậy là có thể nó ăn phải bả độc ở đâu đó rồi! Trong cơn vật vã, nó nhìn bố như muốn cầu cứu, nhưng bố chẳng biết làm thế nào! Ngày ấy bác sỹ thú y chưa sẵn như bây giờ. Mẹ về, có mua cho nó con cá, vội chiên lên, nhưng nó không kịp ăn nữa!...
Bao năm rồi, mỗi lần nhớ chuyện con mèo, bố lại thấy hiện lên đôi mắt nó nhìn bố cầu cứu, thật thương tâm, thật đau lòng quá!
Lúc nó mất, nó mới được 5 năm tuổi, cái tuổi đang sung mãn của đời nó. Giá như bố không khép cái cửa sổ lại, có thể nó sẽ sống với nhà mình cho đến lúc già!
Giá như!!!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét