Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Nhà mình không có ti vi!

Chiếc đài VEF 206
Phương tiện giải trí duy nhất
của nhà mình!

      Những năm 80 thế kỷ trước, ở miền Bắc, ti vi là hàng hoá cao cấp, tài sản quí hiếm, chỉ ít gia đình có. Nhà ông bà ngoại có một chiếc ti vi cũ hiệu Sanyo 14 inch, đựng trong chiếc tủ gỗ, có cánh lùa, khép lại mỗi khi xem xong. Khi còn ở Trung Tự, hôm nào có phim, kịch, bố mẹ sang xem ké. Khi chuyển lên 58A Trần Nhân Tông, bố mẹ chỉ có cái đài VEF 206 của Liên xô mang theo. Chiếc đài này được bà ngoại mua, nhân chuyến đi thăm quan Hung ga ri năm 1986 do Ban tổ chức TW sắp xếp cho cán bộ Lão thành cách mạng, tặng cho con gái - mẹ con.
Những năm đầu ở 58A, nhà mình không có ti vi cũng là chuyện bình thường, chả ảnh hưởng gì đến “hoà bình thế giới”! Khi ấy con còn nhỏ, bố mẹ phải làm thêm quần quật ngoài giờ, chả có thời gian để mà xem ti vi. Ngay cái đài VEF cũng ít khi mở nghe buổi tối. Khi con 3-4 tuổi, biết xem ti vi, cứ đến chương trình những bông hoa nhỏ, mẹ thường đưa con sang nhà cô Thắm xem nhờ, hết chương trình lại về. Cũng có hôm bố mẹ mải làm, con một mình tự sang nhà cô Thắm xem ké, lúc thì vào trong nhà ngồi xem đàng hoàng, lúc chỉ đứng ngoài, nhìn qua cánh cửa kép hờ. Nhà cô Thắm ở dãy cấp 4 lớn, cửa nhà mở đối diện ngay cửa sổ nhà mình. Hai vợ chồng cô Thắm làm cùng cơ quan, chồng cô có thời gian làm chuyên gia giúp bạn Lào nên có tiền sắm được chiếc ti vi Samsung đen trắng 14 inch. Cô Thắm có đứa con gái, tên là Trang, hơn con vài tuổi.
Samsung đen trắng
Mơ ước một thời!
Vào một buổi tối giữa năm 1991, bố mẹ đang mải dệt len, khâu len thì thấy con về khóc mếu máo, hỏi thì con bảo chị Trang không cho xem ti vi! Như thường lệ, bữa ấy tới chương trình những bông hoa nhỏ, con lại sang nhà cô Thắm xem ké. Con đứng ở ngoài cửa nhìn vào, trong nhà chỉ có 2 mẹ con cô Thắm. Thấy con xem ké, chị Trang ra khép cánh cửa lại, nhưng chưa chốt cửa. Con kéo cửa ra, đủ để hé mắt nhìn vào cái ti vi, chị Trang liền ra khép cửa và chốt lại! Mẹ phải dỗ mãi, nói bố sẽ mua ti vi cho con xem thoải mái, tẩy chay, không thèm xem ti vi nhà ấy nữa!
Từ đầu năm 1991, Bố đã chuyển nơi công tác, cuộc sống đã dễ thở hơn. Bố mẹ cũng dành dụm được chút tiền, định mua một chiếc samsung 14 inch, nhưng có người bảo giờ ti vi đen trắng đã lỗi thời, có thì sắm luôn ti vi màu! Nghe mọi người nói, ti vi hàng cáy (hàng cũ từ nước ngoài nhập về), đem chuyển hệ (từ hệ NTSC sang hệ PAL) là có ti vi màu loại xịn,  nhiều cái dùng rất tốt, nếu quen biết thuỷ thủ viễn dương thì có thể mua được với giá rẻ. Bố gọi điện cho bác Phong ở Hòn Gai Quảng Ninh, dạm hỏi việc này. Bác Phong là nhà báo, quen biết nhiều, nhận lời nhờ người quen mua giúp. Khoảng một tuần sau, bác Phong thông báo có một chiếc ti vi màu, 14 inch, đã chuyển hệ, mang về xem liền, giá 600 ngàn (hơn một chỉ vàng, tương đương giá mua chiếc Samsung đen trắng do VN lắp ráp) nếu ưng thì mang tiền xuống lấy. Bố bàn với mẹ, quyết định mua chiếc đó. Bố đến nhà bác Phong tầm chiều, sau bữa cơm tối thì người ta mang chiếc ti vi đến. Người mang đến là một cán bộ hải quan làm ở cảng Hòn gai. Anh ta nói chiếc ti vi do anh ta mua lại của thuyền viên, đã đưa thợ chuyển hệ, nể bác Phong nên để lại cho bố giá gốc, không lời lãi! Anh ta giở ra, cắm điện, mở cho bố và bác Phong xem muỗi (xem màn hình không có tín hiệu). Đó là chiếc ti vi hiệu Siemens, không phải các hiệu nổi tiếng như Sanyo, National, JVC, Sony… Vỏ chiếc ti vi màu đen xám, vẫn còn khá tốt, theo bác Phong, muỗi khá đẹp. Bố ưng thuận liền, chả đắn đo suy nghĩ. Bố và bác Phong hì hục đóng nó trở lại vào chiếc hộp carton, làm thêm cái quai để xách. Đêm ấy, bố ngủ chập chờn, 4 giờ sáng đã dậy. Bác Phong đưa bố ra bến xe, gửi bố đi nhờ một bác tài xe khách quen về Hà Nội. Bác tài rất nhiệt tình, dành chỗ tốt để chiếc ti vi, trưa hôm ấy lại mời bố bữa ăn, có cả bia chai Hà Nội!
Chiều ấy, bố đi mua ngay một chiếc ăng ten, một đoạn dây ăng ten, chờ hết giờ, người làm việc đã về, bố mang ăng ten lên mái nhà 5 tầng, tìm chỗ đặt, thả dây xuống. Buổi tối, cơm nước xong, chờ đến giờ vô tuyến truyền hình, cả nhà mình hồi hộp mở ti vi. Ôi, nhạc hiệu quen thuộc nổi lên, hình màu, đẹp mỹ mãn. Vậy là nhà mình tiến thẳng lên ti vi màu, bỏ qua giai đoạn ti vi đen trắng! Cuộc sống thay đổi đến bất ngờ, cứ ngỡ như mơ!
Sony 14 inch theo vào SG
Cuối năm ấy, bố có chuyến công tác ở phía Nam, in và phát hành lịch tết, được một khoản kha khá. Đáng kể hơn là nhân chuyến đi phát hành lịch cho một tỉnh miền Tây Nam bộ, bố được đơn vị nọ cho mua hàng thanh lý từ nguồn bắt hàng lậu qua biên giới. Đó là một chiếc ti vi màu Sony 14 inch và một chiếc đầu video đa hệ. Cả hai đều mới cứng, tổng giá trị 3,2 triệu đồng. Khi về Sài gòn, riêng chiếc đầu video đã bán được 2,5 triệu đồng. Bố giữ lại chiếc ti vi, mang ra Hà nội sau chuyến công tác. Chiếc ti vi ấy ngoài thị trường bán 4,9 triệu đồng, tương đương một cây vàng. Những người cùng cơ quan bố, kể cả ông thủ trưởng, đều vẫn đang dùng ti vi Samsung đen trắng. Bởi vậy, nhiều người nhìn chiếc ti vi nhà mình với con mắt đầy ghen tỵ! Chiếc ti vi Siemens, nhà mình để lại cho ông bà ngoại, đúng dịp chiếc ti vi của ông bà ngoại mới hư cách đó vài tuần. Khi bố đi thường trú ở phía Nam, có lần viết thư cho bố, mẹ kể, lần nào xuống nhà ông ngoại, con đều bảo: Ông trả ti vi cho nhà cháu!
Khi nhà mình chuyển vào Nam, chiếc ti vi Sony cũng được mang theo. Nó ở với nhà mình thêm cả chục năm trời, cho đến khi ti vi 21- 29 inch tràn ngập, thay thế, nó đã lặng lẽ theo ai đó về miền đồng bằng Nam bộ, chả hiểu giờ còn “sống” không!
Giờ thì ti vi các loại nhiều vô kể, hiện đại vô cùng, giá lại rẻ như bèo! Nhà mình 3 nhân khẩu mà có lúc có tới 4-5 chiếc! Ti vi nhiều quá, rẻ quá, mua sắm dễ dãi quá… thành thử cảm xúc khi đón nhận nó cũng nhợt nhạt, chẳng để lại dấu ấn gì đáng kể, chả khác gì quan hệ thời kinh tế thị trường, dễ đến và dễ đi một cách vô hồn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét