Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Xếp hàng thời bao cấp

Chen nhau mua hàng thời bao cấp!
Thời bao cấp, chuyện xếp hàng mua nhu yếu phẩm, hàng hoá phục vụ tiêu dùng là chuyện “thường ngày ở huyện”. Cán bộ công chức ngoài tiền lương còn được cấp tem phiếu để mua lương thực, thực phẩm, mắm muối, vải vóc, đường sữa, thuốc lá, xà phòng… Ngày thường xếp hàng đã cực, ngày giáp tết xếp hàng mua hàng tết còn cơ cực nữa, cứ là phải xác định mất ba bốn ngày mới mua xong tiêu chuẩn! Những ngày cuối năm, phòng làm việc thường vắng teo, tất cả đều phải tranh thủ đi xếp hàng chờ mua hàng tết! Nhiều lúc xếp cả buổi, sắp đến lượt mình thì… hết hàng!
Hồi mới ra trường, làm ở Trần Bình Trọng, ngủ ở phố “hàng bàn”, bố báo cơm ở nhà ăn tập thể ở đường Nguyễn Quyền, giáp với khu tập thể 58A Trần Nhân Tông. Cơm 2 bữa chính: sáng và chiều, trưa tự túc. Ngày ấy bố còn bị đau dạ dày, chả được kiêng khem gì, canh dưa cải chua lại là món thường trực, đau càng thêm đau! Bố ăn ở đây chừng gần năm, khi có bác Cò về ở cùng thì thôi, tự nấu ăn lấy. Ấn tượng về nhà ăn này cũng không nhiều lắm. Nhưng có một lần ăn mà nhớ tới già! Hôm ấy là ngày theo lịch bố dành buổi tối cho “sức khoẻ” của ông ngoại, bố đi ăn sớm. Ăn cùng mâm với bố là 2 bác, bố không biết tên. Lúc đầu cũng chuyện qua chuyện lại rôm rả. Nhưng đến giữa chừng thì hai bác kia bỗng ngưng chuyện và vội vàng kết thúc khi mới ăn được 2 chén (thường chị nuôi chia cơm mỗi người 3 chén). Họ đi rồi, bố cũng làm thêm chén thứ 3, định chan canh để ăn cho nhanh. Canh hôm ấy là canh rau cần nấu với vài miếng thịt heo, thường đựng trong chiếc xoong nhôm. Nhưng muỗng canh vừa lên khỏi mặt nước, bố vội buông tay thả xuống bởi trong cái muỗng ấy, lẫn trong mấy cọng rau cần là một khúc của con… thằn lằn, màu xanh lè! A, giờ thì bố hiểu vì sao hai bác kia đột ngột kết thúc bữa ăn! Mà cũng lạ, lẽ ra khi phát hiện thấy thế, họ phải thông báo cho người cùng ăn biết, tốt nữa thì cầm ngay xoong canh báo cho chị nuôi để rút kinh nghiệm chứ nhỉ!...  Bố phải ngồi một lúc cho trấn tĩnh lại rồi lặng lẽ thu dọn đồ ăn đưa xuống trả cho nhà bếp. Bao năm rồi, mỗi khi nhớ chuyện ăn cơm tập thể ở Nguyễn Quyền, một khúc con thằn lằn màu xanh lại hiện ra trước mắt bố, rõ mồn một!
Từ khi có bác Cò về làm chung phòng, ngủ chung phố “hàng bàn”, bố không ăn ở cái bếp tập thể ấy nữa. Bác Cò khảnh ăn, không ăn được cơm ở bếp tập thể, nấu ăn rất giỏi, biết buôn bán, có đồng ra đồng vào, lại hay có khách… Vậy là bố và bác ấy mua một số thứ dùng cho nhà bếp, tự nấu ăn ngay tại phòng làm việc, sử dụng bếp điện là chính, bếp dầu chỉ để dự phòng lúc cần kíp hoặc khi mất điện. Do nấu ăn giỏi nên bác Cò giữ chân nấu ăn, bố lo đi mua đồ ăn. Từ chỗ làm, bố thường ra chợ Hôm xếp hàng, mua hàng theo tiêu chuẩn tem phiếu được cấp. Chuyện xếp hàng ở đây có 2 chuyện vui.
Chuyện thứ nhất: Bố bắt được kẻ trộm! Hôm ấy là ngày mùa đông, bố ra đây xếp hàng mua cá hay thịt gì đó, chả nhớ. Bố mặc một chiếc áo blu dông bằng vải ni lông lót mút mỏng, có 4 túi, miệng khoá bằng phẹc mơ tuya. Đó là chiếc áo ấm đẹp đầu tiên bố tự mua được có sự giúp sức của mẹ con. Lúc ấy, trước bố còn 3 người, phía sau còn khoảng mươi người. Trong lúc bố đang chăm chú nhìn về phía trước, nhìn ngó hàng, chờ đến lượt, bố bỗng cảm thấy như có ai đang từ từ kéo phẹc mơ tuya miệng túi áo dưới, bên trái. Không cần ngoái lại nhìn xuống, với một động tác nhanh như chớp, tay phải bố đã nắm được cổ tay của kẻ trộm, vặn ngược ra phía sau. Kẻ trộm kêu oai oái! Thì ra kẻ trộm là người phụ nữ vẫn đứng sau bố từ lúc đến xếp hàng. Cái miệng túi mới kéo được nửa chừng. Chị ta van xin: Tiền của anh vẫn ở trong túi, em chưa lấy được, xin anh tha thứ! Mọi người xúm lại bảo, con mẹ này thường xuyên móc túi ở đây, giải nó lên giao cho công an phường! Vậy là bố phải bỏ việc mua hàng, cùng với một hai người hỗ trợ dắt kẻ trộm lên làm thủ tục giao cho công an.
Chuyện thứ hai: Anh Dê giả làm… thương binh! Anh Dê tên thật là Dương, cùng quê “Thái lọ” với bố, bạn học ĐH với bố mẹ, cười nói be be suốt ngày nên mọi người gọi luôn là dê. Tính anh như trẻ con, giờ đã quá nửa đời người mà tính trẻ con thì vẫn nguyên như ngày nào. Khi nhà mình chuyển đến 58A Trần Nhân Tông, anh thường ghé chơi cùng nhóm bác Cò, “huấn luyện” con gọi anh là anh dê, xưng em. Do có vài trục trặc, anh Dê ra trường sau bố một năm, run rủi thế nào lại về làm cùng cơ quan với bố, khác bộ phận. Anh Dê cũng ngủ “hàng bàn”, ăn cơm Nguyễn Quyền. Ngày chủ nhật hoặc hôm nào có khách, bố và bác Cò lại gọi anh Dê đến tham dự. Anh Dê được cái chân chạy, sai việc gì cũng đi, chẳng nề hà, nhất là đi xếp hàng mua thực phẩm thì rất yên tâm, thế nào cũng mua được, lại ngon nữa! Chẳng hiểu anh Dê nhặt đâu được cái thẻ thương binh, cái ảnh thì mờ cũ, nhờ cái mờ cũ ấy mà được việc! Thời đó, tại các điểm dịch vụ của nhà nước, thương binh được ưu tiên. Vậy nên, khi nào cần mua thực phẩm gấp về đãi khách hay tổ chức ăn tươi, anh Dê lại được giao nhiệm vụ. Đến chỗ xếp hàng, anh tập tễnh lê bước đứng vào hàng ưu tiên. Gặp cô mậu dịch viên kỹ tính, săm soi tấm thẻ rồi hỏi: Thẻ này có phải của anh không? Anh nghểnh tai lên và nói rõ to: Hả! Cô kia nhắc lại: Có phải thẻ của anh không? Anh đáp lại: Chân giò còn nhiều… lông cũng mua!... Mọi người nhao nhao, người ta là thương binh, bán đi, hỏi mãi! Vậy là phải bán, anh lại cứ chỉ miếng ngon! Sau này họ quen mặt anh, thấy anh tập tễnh đến là bán, không cần phải kiểm tra thẻ nữa!
Từ khi rời phố “hàng bàn” về Trung Tự, bố vẫn thường đảm nhận việc xếp hàng mua thực phẩm. Một số thứ có thể mua ban ngày, bà ngoại thường làm vì bà đã nghỉ hưu, dư thời gian. Nhưng khi mua thịt hoặc cá, muốn tươi ngon thì phải xếp hàng từ sớm, làm sao khi cửa hàng mở cửa thì mình phải đứng ở top 5 hoặc chí ít trong top 10! Bà ngoại có một chiếc làn nhựa rách, chuyên dùng cho việc xếp hàng.  Mưa, nắng, rét buốt gì cũng vậy, cứ khoảng 9 giờ tối, bố mang chiếc làn rách này ra chỗ bán thực phẩm để xí chỗ, vậy mà cũng ít khi được vị trí số 1, thường là số số 5 số 7. Xí chỗ xong thì về ngủ, sáng hôm sau 3 rưỡi hoặc 4 giờ phải dậy để giữ chỗ. Đến gần 7 giờ sáng, bà ngoại ra nhận chỗ, bố về ăn sáng rồi đi làm, sau này, từ đầu 1985, là đi học. Những lúc đi giữ chỗ như vậy, bố thường mang theo cuốn truyện để đọc. Khi đi học, bố thường mang theo sách giáo khoa, nhất là sách chính trị để tranh thủ học bài. Trong ánh đèn đường vàng vọt, bố chăm chú đọc học thuyết Mác-Lê nin, “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng”- tác phẩm nổi tiếng của Lê duẩn… Ngày ấy, đọc họ, bố thấy họ viết đúng quá, chả sai chỗ nào!!! Càng đọc càng thêm yêu cuộc sống mới, thêm yêu Cách mạng, chả thấy việc xếp hàng là khổ cực, là vô lý!!!... Cũng nhờ tranh thủ đọc sách khi đi xếp hàng mà các môn thi chính trị, vốn chẳng thông minh lắm mà bố toàn được điểm 7, điểm 8!
Hàng hoá bây giờ tràn ngập, không sợ phải xếp hàng, chỉ sợ không có tiền. Người ta bảo có tiền là có tất cả, cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền!




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét