Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Chiếc phản gỗ lim

Hằng đêm, chiếc phản để con tè... thoải mái!
Khi rời nhà ông bà ngoại, chuyển đến ở 58A Trần Nhân Tông, ông bà ngoại cho nhà mình một chiếc phản bằng gỗ lim. Chiếc phản gồm 3 tấm ghép lại với nhau, mỗi chiều 2m. Mỗi tấm lại được ghép bằng các tấm nhỏ dài 2m, rộng 0,2m.
Chiếc phản gỗ này thời còn khó khăn, ông bà ngoại cũng đã từng dùng nó làm giường để ngủ. Năm 1977, khi chuyển về Trung Tự, ông bà được cấp 2 căn hộ. Thời ấy, được một căn hộ đã là hạnh phúc lắm rồi! Ông bà được 2 căn là vì bà ngoại là cán bộ lão thành, tham gia cách mạng từ trước năm 45. Ở Trung Tự, nhà cửa rộng rãi, lại đủ tiền mua giường cho các thành viên trong nhà nên tấm phản gỗ không cần dùng nữa. Nó được xếp ở hành lang phía sau căn hộ của ông bà.
Những năm 81, 82, đất nước lâm vào khủng hoảng, đồng tiền mất giá, lạm phát tăng cấp độ số nhân, giá cả thị trường leo thang vùn vụt, đời sống cán bộ, công nhân, viên chức cực kỳ khó khăn. Khó thì phải tìm cách vượt khó. Mọi người tìm đủ mọi cách để kiếm thêm thu nhập. Có nhiều người nghĩ ra cách nuôi lợn ngay trong những căn hộ tập thể chật hẹp. Bà ngoại cũng nuôi và rất mát tay. Lợn giống mua về chừng hơn chục ký, nhốt nuôi ở cái phòng tắm bé tý. Dưới bàn tay chăm bẵm của bà ngoại, chỉ sau 3 tháng, con lợn đã được bẩy tám chục ký, cho xuất chuồng, nuôi con khác. Con lợn được gọi là “bạn lớn” (nghĩa là lợn bán!), là “thủ trưởng hợi” (Hợi là lợn, thủ trưởng chắc là nói về sự quan trọng của nó!)… Con lợn ngày ấy được quan tâm, chăm sóc còn hơn cả con người! Người ốm, hãy cứ nằm đấy, từ từ lo! Còn “thủ trưởng hợi” mà ốm có mà lo sốt vó, lo thuốc thang chữa bệnh, rủi khó bề qua khỏi thì lo bán cho nhanh, không nhanh có mà cụt vốn! Mùa hè còn đỡ. Mùa đông phải lo chống rét cho “bạn lớn”. Cái nền nhà tắm vốn láng bằng xi măng. Để chống rét cho “bạn lớn”, bà ngoại đã lấy 1 tấm trong 3 tấm của chiếc phản ấy, kê cho “bạn lớn” nằm! Có “anh bạn” nào đó, chắc là ngứa răng, gặm vẹt mất một miếng gần bằng bàn tay. Nuôi được vài lứa, cũng có lời chút đỉnh, nhưng vất vả quá, lại hôi nữa nên bà ngoại chia tay với “bạn lớn”. Tấm phản lại được xếp vào chỗ cũ cho đến khi theo chúng ta về nhà mới.
Ở nhà mình, chiếc phản được kê ở góc ngoài, sát cửa ra vào. Chiếc phản có chân để kê lên, thành chiếc giường. Nhưng nhà mình chật, bố bỏ chân, kê trực tiếp xuống nền nhà cũng láng bằng xi măng.
Chiếc phản là nơi nhà mình ngồi ăn cơm, nơi tiếp khách đến chơi và là nơi bạn bè của bố tụ tập mỗi khi có tổ chức nhậu nhẹt. Bố mẹ vốn nghèo khó nên các cuộc nhậu thường do bác Cò tổ chức. Các bữa nhậu ngày ấy thường là bia hơi, bia tàu, rượu đế… Mồi nhậu khoái khẩu nhất là thịt chó mua ở chợ âm phủ, vó bò, nem bì heo, cá… Chiếc phản từng nghe nhiều chuyện khóc cười của người nhậu do “rượu vào lời ra”, chịu hứng cả bia rượu, mắm tôm rơi vãi, thậm chí cả cái thứ mà người nhậu xỉn quá ói ra ngay tại trận. Được cái nó làm bằng gỗ lim, rắn chắc như thép, sức chịu đựng rất tốt. Bia, rượu, mắm tôm hay thứ gì vấy ra, chỉ cần lấy nước lau rửa là nó lại sạch bong.
Lúc mới đến ở, cả nhà mình thường ngủ trên giường. Lúc ấy khoảng tháng 8, tháng 9 thì phải, trời vẫn còn nóng. Nhà chỉ có một chiếc quạt con cóc, nhưng điện yếu, quạt chạy lờ đờ, đưa cả quạt vào trong màn mà vẫn không đủ mát, con ngủ không yên giấc. Nóng quá, bố mẹ liền nghĩ đến chiếc phản. Thế là chiếc phản thêm nhiệm vụ làm giường ngủ cho cả nhà. Nằm ngủ ở chiếc phản hoá ra tiện nhiều thứ: không cần chiếu, rộng rãi hơn giường, lại mát lưng. Mùa đông thì trải thêm tấm mền nữa là ổn. Và một cái tiện nữa là để cho con… tè dầm thoải mái!
Trời đất, nhớ lại chuyện con tè dầm mà phát ớn! Đêm nào con cũng tè dầm, có đêm tè 2 trận. Khi còn ngủ ở giường, không chiếu nào chịu nổi, mỗi lần lau giường cực hết biết. Từ khi ngủ ở phản, hoá ra lại hay! Như đã nói, chiếc phản làm bằng gỗ lim, nước đái của con nó chịu tốt, tè vậy chứ có tè nữa cũng chẳng xi nhê gì! Khi cần, chỉ dở từng tấm lên, rửa lau sạch, xếp lại là lại ok. Nó vẫn làm tốt nhiệm vụ là chỗ cho mình ăn cơm, tiếp khách, nhậu nhoẹt, ngủ và hứng chịu những cơn tè dầm của con.
Con đã tè dầm bao đêm, khi nào thì hết chứng tè dầm, bố chẳng nhớ nữa! Chỉ nhớ khi con gần 7 tuổi tròn, lúc chuyển nhà vào Sài Gòn, ngủ bằng nệm, bố không thấy con tè nữa. Nếu con vẫn tè như trước, nệm nào chịu cho thấu!
Chiếc phản gỗ lim ấy, khi chuyển nhà vào Nam, bố mẹ tặng cho nhà cô Vân làm cùng với mẹ con, cô vân tặng bố mẹ 20 đô để nhà mình làm lộ phí. Chẳng biết chiếc phản ấy bây giờ thế nào?!!
Ngày ấy nếu chịu khó mang theo thì đâu đến nỗi giờ bố luôn canh cánh nhớ chiếc phản gỗ lim ấy!




1 nhận xét: