Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Con là báu vật của mẹ cha.

                                          Viết cho con nhân dịp sinh nhật.

         Ngày này, tháng này cách đây 25 năm, lúc khoảng mười rưỡi sáng, con cất tiếng khóc chào đời.
Khánh Duy 1986
Mới đấy mà nhanh quá! ¼ thế kỷ đã trôi qua! ¼ đời người đã trôi qua!
          Suốt 25 năm qua, có lúc nào con tự hỏi: Ồ! Mình đã sinh ra và lớn lên như thế nào nhỉ? Mẹ con, nếu có, thì cũng chỉ nói thoáng qua. Bố thì chưa lần nào nghe con hỏi và cũng chưa từng chủ động nói cho con hay. Bố nghĩ cần nói cho con biết con được sinh ra và lớn lên như thế nào. Vấn đề là nói vào thời điểm nào. Khi con tròn 18 tuổi, bố nghĩ đó là thời điểm thích hợp nhất. Nhưng thời điểm đó, có thể vì bố lu bu quá, có thể bố nghĩ con vẫn còn bé dại quá… nên bố đã chưa làm được.
Vậy nên, ở thời điểm con đã bước trọn ¼ thế kỷ, ¼ đời người, bố thấy cần nói chuyện này cho con biết.
Thời tuổi trẻ, sức khoẻ của mẹ con không được khoẻ như người ta. Mẹ con bị khớp mãn tính, hen xuyễn mãn tính. Mùa đông đến, mẹ không chỉ chống chọi với cơn đau khớp mà còn rất mệt mỏi với cơn hen xuyễn. Lúc nào mẹ cũng húng hắng ho khan, nhiều lúc ho đến chảy nước mắt, nước mũi. Nhiều đêm đông lạnh, bị cơn hen hành hạ, mẹ phải ngồi dậy, tựa lưng vào tường để thở một cách khó nhọc! Khi bố mẹ quyết định vào Sài Gòn sống cũng là để tránh mùa đông miền Bắc, hạn chế bệnh tật cho mẹ. Thực tế những cơn đau khớp, cơn hen suyễn đã giảm rất nhiều.
Bố mẹ cưới nhau cuối năm 1983, ngày 20 tháng 11. Mãi đến đầu năm 1986 mẹ mới có bầu. Khoảng hơn 2 tháng đầu thì cũng bình thường, mẹ chỉ hơi mệt hơn một chút. Nhưng sau đó, những cơn đau bụng bắt đầu xuất hiện. Khi được hơn 3 tháng thì các cơn đau xuất hiện thường xuyên hơn, dữ dội hơn, nhiều đêm đau đớn, mất ngủ, có dấu hiệu xảy thai. Vậy là phải vào viện dưỡng thai.
Cũng may là thời gian trước đó, do công việc, mẹ từng giúp vô điều kiện (không nhận ơn của họ) một bác sỹ tên là Hiếu, phó giám đốc bệnh viện C Hà Nội (Bệnh viện bà mẹ, trẻ em) trong việc nhận quà biếu từ nước ngoài gửi về. Khi vào viện C khám thai, tình cờ gặp  BS Hiếu, biết được sự khó khăn của mẹ khi mang thai, BS Hiếu đã giúp đỡ rất nhiệt tình, nhận bảo lãnh để mẹ được nhập viện dưỡng thai. Ngày ấy, không có sự bảo trợ của BS Hiếu, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Một hôm, đâu khoảng giữa tháng 6 thì phải, đang ngồi với mẹ trong bệnh viện, có 2 bà dì ( em bà ngoại) vào thăm. Có điều lạ là vừa thấy mẹ con, 2 bà dì cứ thế nước mắt ngắn dài, nhìn bố mẹ với sự ái ngại! Khi tiễn 2 bà ra về, bố hỏi, 2 bà mới khóc to hơn và nói rằng nghe nói mẹ con bị ung thư!!! Bố cũng choáng với tin này, hỏi nghe từ đâu, 2 bà nói nghe bà ngoại bảo thế. Bố tức tốc về, hỏi bà ngoại, bà cũng nói nghe loáng thoáng vậy!
Buổi tối hôm ấy, bố đã đến nhà BS Hiếu để hỏi bệnh tình của mẹ. BS giải thích thế này: trong toàn bộ thành dạ con của mẹ con (nơi con nằm trước khi chào đời) có một cái lưới nhân u sơ. Con cứ hình dung nó giống như cái túi lưới. Ở các điểm giao nhau của các mắt lưới có cái nút thắt, đó chính là cái u sơ. Bình thường cái lưới ấy không hoạt động gì. Nhưng khi có bầu và bào thai lớn lên, thành dạ con căng ra, cái lưới kia cũng căng ra theo. Căng đến một độ nhất định là các u sơ ấy bị kích động và nó sẽ co bóp, gây đau, gây xảy thai. Để chống lại cơn co bóp này, BS đã cho mẹ con uống một loại thuốc chống co bóp. BS cũng nói rằng sẽ cố gắng cầm cự để con được hơn 7 hay 8 tháng, vào thời điểm thích hợp sẽ mổ để lấy con ra, không thể chờ 9 tháng 10 ngày như người ta. (Chính vì cái lưới nhân u sơ ấy mà sau này bố mẹ không dám sinh thêm em bé nữa).
Rồi vào ngày này, tính ra mới hơn 7 tháng, mẹ con bất ngờ vỡ ối. Các BS vội đưa mẹ vào phòng mổ, mổ và đưa con ra chào đời. Khi mọi chuyện đã tốt đẹp, BS Hiếu mới điện báo cho bà ngoại biết.
Hôm ấy, sau khi mang đồ ăn sáng cho mẹ, bố về nhà (ở Trung Tự) viết cho xong bài tiểu luận (bố đang học ĐH ), định nộp cho trường rồi hôm sau đi Quảng Ninh mấy ngày lo việc cho cô Ninh. Mãi trưa, bố mới thấy bà ngoại lật đật chạy sang bảo bố vào ngay bệnh viện. Nghe tin mẹ tròn, con vuông, bố mừng quá! Đến phòng hồi sức, mẹ con vẫn nằm thiêm thiếp, chưa hết thuốc mê. BS Hiếu đưa bố đến phòng trẻ sơ sinh, chỉ vào một cái lồng kính và nói: Con cháu đấy, cháu khoẻ mạnh và bình thường, không bị tác động của thuốc dưỡng thai (BS lo ngại có dị tật do sử dụng nhiều thuốc dưỡng thai).
Ô! Con trai của bố vẫn còn đỏ hỏn, bé tý, có 2 ký 7 thôi. Có lẽ con cảm thấy chống chếnh nên chân và tay quờ quạng. Bố muốn ôm con vào lòng, để con không phải sợ hãi, nhưng BS nói không được. Con sinh thiếu tháng nên sức đề kháng rất yếu, phải nằm trong lồng kính ít nhất 7 ngày.
Mẹ sinh mổ, phải uống và tiêm kháng sinh mạnh nên mất sữa. Vậy là từ khi mới chào đời, con đã không được bú sữa mẹ, phải uống sữa bò. Ở trong viện, con được Y BS chăm sóc. Được 7 ngày bố mẹ đón con về. Cả ngày lẫn đêm, cứ cách 2 tiếng là bố mẹ lại pha sữa cho con uống. Có lẽ tại sữa bò của VN sản xuất nó không hợp với trẻ sơ sinh nên bắt đầu từ 10h đêm ngày thứ 3, kể từ khi con về nhà, tức là con mới được 10 ngày tuổi, thì con bỏ ăn, cứ ngủ li bì. Bố mẹ và bà nội cả đêm lo lắng, không biết phải làm sao! Sáng sớm bố mẹ vội đèo nhau bằng xe đạp, đưa con  chạy vào viện C. Chả biết duyên số thế nào, vừa tới cổng viện thì gặp xe ô tô cấp cứu chạy ra, trên xe có BS Hiếu. BS Hiếu nhìn thấy bố mẹ thì cho dừng xe lại, chạy lại hỏi mang con đi đâu. Nghe bố mẹ nói con bỏ ăn, BS bảo mẹ bế con lên xe ô tô đến Viện nhi Thuỵ Điển, tiện thể BS sang đó có việc, bố đạp xe chạy theo sau. Đến viện nhi, BS Hiếu nhờ BS trưởng khoa nhi của viện nhi Thuỵ Điển khám và chăm sóc cho con. Thật là mừng quá!
Ở viện nhi, mẹ được họ cho mượn một cái giường xếp để ngủ cạnh phòng của con, để tiện chăm sóc. Còn bố, buổi tối bố ngủ trên chiếc ghế kê ở hành lang. Bố không nhớ rõ là đêm thứ nhất hay đêm thư 2, đang ngủ thì bảo vệ bệnh viện vào dựng bố dậy, đuổi ra khỏi khu vực khoa nhi. Bố giả đi xuống, nhưng khi thấy bảo vệ đi rồi, bố lại luồn ngược lại, lên ghế ngủ tiếp. Có đêm, chừng khoảng 2 giờ sáng, đang ngủ, bố nghe như tiếng con o oe. Bố vào lay mẹ dậy, cùng vào nôi chỗ con nằm, đúng là con đang o oe thật, mặc dù tiếng o oe rất nhỏ. Bố định bế con lên, dỗ cho con ngủ, nhưng cô y tá không cho, sợ nhiễm trùng vì sức đề kháng của con rất yếu.
Rồi một sáng, ngày thứ 3 con vào viện nhi thì phải, bố từ nhà mang cơm vào cho mẹ, thấy mẹ con khóc mếu máo, nói cô y tá bảo con bị nhiễm trùng máu! Bố nghe mà thấy lạnh xương sống! Bố chạy về viện C, gặp BS Hiếu nói lại tin này. Bố thấy BS Hiếu cũng hơi thất sắc. Bác ấy lấy giấy viết thư, đưa cho bố và nói: Tôi nói với BS trưởng khoa bên ấy có loại thuốc gì tốt nhất thì dành cho cháu, cần thiết bên viện C sẽ hỗ trợ. BS Hiếu cũng động viên rằng, đừng lo, nhiễm trùng máu có thể chữa được. Bố mang thư đưa cho BS trưởng khoa, BS ấy tỏ ra ngạc nhiên không biết ai nói con bị nhiễm trùng máu. Sau khi khám cho con, BS ấy nói rằng sức khoẻ của con đang tốt lên, không bị bệnh gì, khoảng tuần nữa là xuất viện! Nghe nói vậy mà bố mẹ mừng rơi nước mắt! Cảm ơn trời đất đã thương chúng ta!
Nằm ở viện nhi đúng 10 ngày, rồi con được xuất viện. Về nhà con đã ăn uống đều, thỉnh thoảng bị tưa lưỡi – bệnh thường gặp của trẻ con. Bố nhớ không chính xác lắm, hình như khi con được 2 hay 3 tháng gì đó thì vợ chồng bác Khánh mang anh Long từ Liên Xô về. Bác ấy cho con mấy hộp sữa của Nga, một thứ quí hiếm ngày ấy. Do con ăn nhiều sữa bột nên bị nóng trong, sinh ra mụn nhọt. Lúc con 4 hay 5 tháng tuổi, con bị mụn nhọt mọc đầy đầu. Bố mẹ biết con lúc ấy đau lắm, chỉ nằm nghiêng đầu về một bên ít mụn nhọt. Bé vậy nhưng con biết chịu đựng, ít quấy khóc, cho đến một ngày kia, bố chẳng nhớ nữa, những cái mụn nhọt theo nhau bay mất, để lại nhiều sẹo mà bác Khánh thường chọc ghẹo con là “anh đầu sẹo”!
Hình như khi con được 5 tháng, mẹ có sữa trở lại, dù ít thôi. Vậy là con cũng được bú sữa mẹ và chính sữa mẹ giúp con cứng cáp lên nhiều.
Về tên gọi của con, khi mới sinh ra, mẹ tạm đặt tên con là Hải, tên lót là Xuân. Chữ Hải có lẽ mẹ lấy trong chữ Tiền Hải quê của bố. Còn chữ Xuân lấy từ đâu, với ý nghĩa gì, con có thể hỏi mẹ. Bố không thích cái tên ấy vì thấy nó bình thường như bao cái tên bình thường khác. Vậy nên từ lúc con chào đời, bố bắt đầu suy nghĩ để đặt tên cho con. Một chiều, trên đường vào viện C, bố vẳng nghe đâu đó tiếng hát của Khánh Ly, chẳng nhớ là bài gì nữa. Bố vốn rất thích giọng hát Khánh Ly. Anh ruột của mẹ con là bác Khánh, người đã rất tận tình với bố trong cuộc tình duyên với mẹ. Quyết định lấy chữ Khánh bởi nó vừa gợi nhớ tới người thân, vừa gợi nhớ một tên tuổi nghệ sỹ lớn sẽ còn mãi với thời gian. Còn chữ Duy? Bố yêu tiếng hát Khánh Ly và cũng rất thích một số nhạc phẩm của Phạm Duy. Chữ Duy còn được lấy trong từ “Duy nhất”, tức là chỉ có một. Bố biết mẹ khó có thể sinh thêm em bé nữa nên nghĩ rằng chọn chữ Duy với nghĩa duy nhất cũng là một ý nguyện giữ sức khoẻ cho mẹ con. Chữ Khánh Duy ra đời như vậy đấy. Tên của con gắn với người mà bố luôn nhớ tới khi nghĩ về gia đình, gắn với âm nhạc - thứ ngôn ngữ luôn xoa dịu tâm hồn, trái tim ta. Vào viện, gặp mẹ, bố nói đặt họ tên con là Phạm Khánh Duy, không giải thích gì thêm. Mẹ con cũng đồng ý ngay mà không căn vặn gì. Kể ra, nghĩ được xa hơn, đầy đủ hơn thì họ tên con đầy đủ nên là Phạm Nguyễn Khánh Duy.
58A Trần Nhân Tông 1991
Còn tên thường gọi ngày bé của con là Chuột do đâu mà có? Từ sau khi đón con ở viện nhi Thuỵ Điển về, ông ngoại đặt cho con cái tên ấy. Ông ngoại giải thích rằng: Một là cháu nó bé nhỏ quá, trông như con chuột vậy. Hai là theo kinh nghiệm của các cụ ở quê, đặt một cái tên thường gọi xấu xí một tý để dễ nuôi (nếu tên đẹp, thánh thần hay để ý nên con trẻ hay bị đau ốm…). Đây là kinh nghiệm dân gian rất tốt đấy con ạ. Sau khi có cái tên do ông ngoại đặt, ơn trời đất, bố cũng thấy con đỡ ốm đau hơn, việc nuôi con đỡ chật vật rất nhiều. Sau này có con, con nhớ áp dụng kinh nghiệm này nhé.

Đó là những tháng ngày mong manh nhất, gian truân nhất, lo lắng nhất… nhưng thật may, ơn trời đất, chúng ta đã vượt qua! Đó là những ngày tháng đẹp nhất, đáng nhớ nhất của bố mẹ khi đón con chào đời!
Kể lại chuyện này, bố chỉ muốn con hiểu rằng mẹ đã phải chịu đau đớn, khó nhọc để sinh con ra, nuôi con lớn lên người. Vì vậy, con phải biết thương yêu mẹ, giúp đỡ mẹ việc gia đình, nhất là giờ đây mẹ con đã có tuổi, sức khoẻ ngày càng giảm sút. Hãy làm tất cả những gì để mẹ con được sống vui, khoẻ, tự hào về những việc con làm được. Bố biết do chỉ có mình con, lại khó nhọc lắm mới có được con, nên mẹ con rất thương con, nuông chiều con, sẽ làm mọi chuyện cho cuộc sống của con. Nhưng tuyệt đối không vì được mẹ cưng chiều mà bắt nạt mẹ. Làm thế không xứng là đấng nam nhi, không phải là người tốt đâu con ạ.
Từ một mầm sống nhỏ nhoi, giờ con đã lớn khôn, khoẻ mạnh, trưởng thành. Con đã có những tháng ngày cắp sách đến trường như bao đứa trẻ khác, học xong đại học, đã có việc làm ổn định… Tất cả những điều đó làm bố mẹ vui lòng xiết bao. 
          Tương lai của con ở phía trước, hãy vững bước con nhé!
Bố của con.














Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét