Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

Nhà mình có bếp

Nhà mình có lẽ vốn là cái phòng làm việc, lấy làm nhà ở. Bởi vậy nó không có bếp, không có nguồn nước sinh hoạt, không có khu vệ sinh. Từ khi chuyển đến ở, mẹ vẫn phải nấu ăn ở một góc nhà.
Rồi một sự kiện bất ngờ xảy ra!...
Khoan hãy nói đến sự kiện ấy. Bố muốn kể trước một câu chuyện lạ, khó tin, cho đến giờ hơn 20 năm rồi, bố cũng chẳng biết giải thích thế nào!
Hãy trở lại cái ngày con trốn trường mẫu giáo. Buổi chiều hôm trước ngày này, bố vẫn đang ở nhà bác Mạnh, tại cọc 8 Hòn Gai, Quảng Ninh, định hôm sau đi Móng Cái. Nhưng rồi cái chiều hôm ấy, bố thấy bồn chồn kỳ lạ, chỉ muốn về nhà ngay. Trong lúc đang chờ bác Mạnh về để bàn với bác ấy tạm dừng chuyến đi Móng cái thì có một bà cụ hàng xóm bế cháu sang chơi. Bà cụ người thấp đậm, gương mặt phúc hậu. Thằng bé mới chừng hơn một tuổi, miệng còn thơm mùi sữa. Bà bảo nó là cháu nội của bà. Bà cụ vừa bế cháu đi lại quanh nhà, vừa lân la hỏi chuyện bố, rằng bố là thế nào với chủ nhà, quê ở đâu, giờ ở đâu, có gia đình riêng chưa, được mấy cháu… Sau khi hỏi tuổi bố, bà cụ bảo: Anh tuổi Mậu Tuất, bằng tuổi thằng con tôi, bố thằng cháu này đây. Tuổi của anh, thời đầu vất vả lắm, phải tự lập sớm. Có tí may mắn là tuổi này thường có quí nhân phù trợ khi quẫn bách. Nhưng anh yên tâm, cái thời kỳ khó khăn nhất của anh sắp qua rồi! Sau này, cuộc sống của anh sẽ tốt hơn lên. Anh sẽ có nhiều con cái, có của ăn của để, có nhà lầu xe hơi… Rồi cụ bỗng nói: Anh giơ  bàn tay cho tôi xem nào. Bố làm theo răm rắp, như có ai xui khiến, giơ tay phải rồi tay trái, mặt trước rồi mặt sau theo yêu cầu của bà cụ. Bà cụ đứng cách bố chừng 3m, nhìn tay bố rất nhanh, chỉ khoảng mươi giây, chả hiểu cụ xem kiểu gì. Khi bố hạ tay xuống, bà cụ lại bế cháu đi quanh nhà và bảo, anh sắp có lộc trời cho!...
Ước mơ của bố!
Bố vốn không mê tín, ngày bé cũng chẳng sợ ma lắm, lớn lên được học và rất tin vào duy vật nên khi nghe bà cụ nói, bố thấy ngồ ngộ, buồn cười, chả tin. Phải tự lập sớm thì đúng bởi ông nội con mất lúc bố mới 13 tuổi. Vất vả thì đúng bởi bố là con nhà nông nghèo, lại đông anh chị em. Bố mẹ lấy nhau, hai bàn tay trắng, đồng lương ít ỏi, thời buổi khó khăn, sinh con thiếu tháng, lại mất sữa, phải nuôi bộ… vất vả thấm lắm rồi, rõ lắm rồi! Nhưng vào thời ấy, vất vả, khó khăn như bố là phổ biến. Nhìn khuôn mặt gày gò thiếu ăn của bố, nhìn quần áo bố mặc là quần áo nhà nước cấp, đã sờn… thì không phải là thày bói, bố cũng phán được câu này! Bảo bố sẽ có nhiều con thì đến 99% là không đúng bởi bố biết bệnh của mẹ, bố không muốn mẹ vất vả đau đớn thêm nữa, nguy hiểm thêm nữa. Các cụ nói cửa sinh cửa tử mà! Bảo bố sẽ có của ăn của để ư? Chả biết rồi sau sẽ thế nào! Còn thực tại lúc ấy, bố mẹ toàn phải ăn vay, giật gấu vá vai. Tiền lương cứ đến giữa tháng đã hết, mẹ lại vay tạm của các cô, các chú ở cơ quan. Đầu tháng có lương, trả nợ một mớ, còn mớ ăn đến giữa tháng, hết, lại vay… Cái vòng quay “nhận lương, trả nợ, ăn, vay,… nhận lương… ” cứ bám theo bố mẹ mãi, dai như đỉa, dù bố mẹ cũng tìm mọi cách xoay xoả! Vậy bảo bố mẹ sẽ có của ăn của để bằng cách nào đây, bố chẳng hình dung được! Xe hơi ư? Xa xỉ quá, xa vời quá! Ra trường, chắt bóp gần 2 năm trời, lúc mua khung xe, lúc mua cái líp, bộ đũa… bố mới ráp được cái xe đạp. Cái ngày nghe bà cụ phán, cái xe ấy đã trở thành xe cố vấn (lốp lâu ngày bục, không có cái thay, phải lấy dây cao su quấn lại mà đi), líp nhọn hoắt như chông, xích rão… Ngày ấy, nếu có mơ giữa ban ngày, bố cũng chỉ dám ước nếu có được chiếc ba bét nhè (Xe máy Babetta của Tiệp khắc sản xuất) để lâu lâu chở hai mẹ con lượn phố vè vè là mỹ mãn lắm rồi! Có xe hơi ư, chắc là chuyện trên mây! Còn nhà lầu? Khi được cấp cái phòng ở Khu tập thể 58A Trần Nhân Tông, bố mẹ mừng hết biết. Thú thực bố nghĩ rằng mình sẽ sống suốt đời ở đó. Sau này con lớn lên, có cưới vợ, bố mẹ sẽ tìm cách làm thêm cái gác xép, như những gia đình khác trong khu này vẫn làm, vậy là ổn rồi, vậy là đã hơn bao nhiêu gia đình cán bộ khác còn đang phải sống chung, tính ra mỗi người chỉ chừng 1m2! Tiền ăn hàng ngày còn chả đủ, lấy tiền đâu mua nhà lầu! Sắp có lộc ư? Nhìn lại những người thân của bố mẹ, ai cũng khó khăn cả, lấy đâu của mà cho! Người có tí “máu mặt” là chú Thơi, bạn thân học phổ thông với bố. Năm 1980,  chú Thơi đi Đức, năm 1986 cũng về nước rồi. Tiền của kiếm được, mớ thì chia cho họ hàng chú bác, mớ thì mua cái nhà nhỏ ven đô thị xã Thái Bình, mớ thì dùng để chạy chọt xin được chân công nhân ở nhà máy đay, đồng lương cũng bèo bọt, lại đang lo cưới vợ nữa, làm gì có quà cho bố! Còn bác Khánh, anh của mẹ con, đi lao động ở Liên xô mấy năm, năm 1986 cũng đưa cả vợ con về nước. Tài sản đáng giá nhất là 3 cái tủ lạnh Xaratop, một cái để dùng, hai cái bán đi đâu được chừng hơn triệu, quy ra thành 5 chỉ vàng, đem gửi tiết kiệm, qua mấy năm tiền mất giá, 5 chỉ xuống còn 3 chỉ, nẫu hết cả ruột! Nhà lầu ư, Xe hơi ư, Lộc trời ư?… Chắc là bà cụ nói cho vui, nói để động viên bố!
Hôm sau về nhà thế nào, bố đã kể trong chuyện đưa con đi nhà trẻ. Rồi bố cũng quyên ngay câu chuyện với bà cụ.
Khoảng 2 tuần sau đó thì có sự kiện bất ngờ xảy ra. Hôm ấy bố được nghỉ học sớm, về tới nhà đã thấy người ta dùng xà beng đang đục sân gạch, đào một cái rãnh dài chạy dọc sân, hỏi thì người ta bảo làm móng xây tường rào ngăn khu tập thể với khu làm việc. Thì ra vậy. Có điều, cái tường rào kia không xây áp sát với tường hồi nhà mình mà nó chạy song song và cách tường hồi nhà mình 1,2m. Đầu của bức tường rào người ta xây một bức nữa, vuông góc, nối thẳng với bức tường bên của nhà mình. Thấy bố về, mấy người trong khu tập thể kéo đến, bàn tán ì sèo. Họ bảo nhà mình được giời cho vàng…, tự nhiên được thêm mấy m2 …, chỗ ấy làm bếp, làm nhà tắm thì quá tuyệt!... Lúc đầu bố ngớ ra, chả hiểu họ nói gì. Nhưng nhìn kỹ, nghĩ kỹ thì hoá ra tự nhiên mình được thêm dễ đến gần 4m2. Bức tường rào họ xây cao 2 m. Nhà mình chỉ cần xây thêm một bức tường nữa, trổ cái cửa, làm cái mái che là sẽ biến chỗ đất thêm ấy thành công trình phụ rồi. Vậy là nhà mình sẽ có bếp, sẽ có chỗ tắm rửa riêng rồi! Ô, đúng là tự nhiên được lộc trời! Chả lẽ bà cụ nói đúng!
Tưởng dễ, hoá ra để chiếm được chỗ đất công ấy thành đất riêng chả dễ tẹo nào. Bố phải nhờ ông ngoại đến nói khó với ông thủ trưởng cơ quan quản lý cả khu vực đó. Ông ấy đồng ý, bảo bố làm cái bản thiết kế, mang sang đưa cái ông cấp phó xem, cho ý kiến. Khi gặp bố, cái ông phó kia khó chịu ra mặt. Ông ta bảo để đó, ông ta xem thế nào! Cả hơn tuần lễ, chả thấy ông ta có ý kiến ý cọp gì, bố lại cầu cứu ông ngoại. Mấy hôm sau, ông ta nhắn bố sang. Cái mặt khó chịu vẫn thế, nhưng vì không dám chống lại thủ trưởng, nể ông ngoại nên ông ấy nói sẵng: Cho cậu làm, nhưng phải làm đẹp, đừng để rác mắt cơ quan!
Được phép rồi nhưng tiền đâu mà làm! Một chiều, anh Lịch (bạn học ĐH với bố mẹ, nhưng anh lại “huấn luyện” con gọi bằng anh, xưng em!) đến chơi. Biết chuyện, anh Lịch tháo ngay chiếc nhẫn vàng 2 chỉ đưa cho bố bảo bán đi, lấy tiền làm, khi nào có thì trả.
Bức tường (bên trái) tạo ra cái bếp.

Có tiền rồi, vậy là thuê thợ, mua vật liệu, khởi công. Trong khuôn viên gần 4m2 ấy, bố cho xây 1 bức tường phụ, chia làm 2 phần bằng nhau, phía ngoài làm bếp, phía trong một phần xây một bể chứa nước nhỏ, còn lại làm chỗ tắm rửa. Mái thì dùng cốt tre, sang bằng gạch, láng xi măng ở trên. Trên bức tường rào, khu vực nhà tắm, bố cho trổ một cái cửa sổ nhỏ, cho thoáng và lấy sáng tự nhiên. Từ lúc khởi công, chiều chiều, anh Lịch lại chạy ra, xem xét, chỉ đạo, nhiều lúc xắn tay làm cùng với thợ. Thấy nhà mình làm, nhiều người tới ngó nghiêng. Người tốt thì nói lời mừng cho bố mẹ. Có một số thì tỏ ra ghen tức, đố kỵ. Kết quả là khi cái mái mới sang gạch xong, đang láng xi măng thì có 2 anh cán bộ đến, xưng là ở bộ phận quản trị, xây dựng của Bộ, sau một lúc nhìn, ngó, săm soi, yêu cầu bố cho thợ dừng lại, dỡ bỏ phần đã xây dựng thêm! Bọn nó cũng ác thật. Nếu chúng ngăn khi mình mới làm, mình sẽ thiệt hại ít. Chúng cứ để mình làm, gần xong chúng mới báo cho bên quản trị. Làm thế, nếu phải dỡ bỏ thì mình sẽ thiệt hại to. Hôm ấy anh Lịch cũng có mặt. Nghe họ nói vậy, bố và anh Lịch nhã nhặn mời họ vào nhà để nói chuyện. Chả biết anh Lịch đã gọi sẵn mấy chai bia từ lúc nào.  Nhưng mời mãi họ không vào, cứ một mực đòi dỡ bỏ. Tức quá, bố bảo, tôi là công chức, chỗ ở khó khăn thì mới phải tận dụng và cũng đã xin phép trước khi làm. Tôi phải vay tiền để làm, không thể dỡ bỏ! Ai muốn dỡ, lên mà dỡ! Tôi cảnh cáo trước, ai trèo lên dỡ bỏ, tôi bắn giữa trán!... Hai thằng cha đó bỏ ra về, không bao giờ thấy quay lại nữa.
Có thêm cái bếp, thật là sướng quá con ạ. Ngoài việc không phải nấu nướng trong nhà thì chúng ta đã có chỗ tắm rửa, không phải ra chầu chực ở mấy cái phòng tắm tập thể, đông và bẩn, nhất là mùa đông, dễ cảm lạnh. Rồi đêm hôm, khi cần đi tè, vào ngay cái bếp, chỗ tắm, làm một phát, dội nước là xong, không phải ra nhà vệ sinh chung cách đấy vài chục mét, bẩn kinh khủng. Lúc đầu không có nguồn nước dẫn vào bể, bố vẫn phải xách nước ở mấy cái vòi công cộng gần đó, đổ vào. Sau nghĩ ra cách mua mấy chục mét ống nhựa, chờ đêm khuya, rải ra, ròng nước về, sáng thu ống lại. Dễ đến cả năm sau, bố mẹ mới có tiền, góp với nhà bên cạnh, lắp ống dẫn nước vào tận bể.
Làm bếp xong, còn ít tiền, bố mẹ làm một bữa ăn tươi, mời bạn bè đến mừng tân…bếp! Chu choa, bỗng dưng có cái bếp, mặc dù hơi trục trặc tí, sao mà thấy hạnh phúc lâng lâng, rượu uống mãi chả say!
Sau đó khoảng tuần lễ hơn, anh Lịch ra chơi, nói sắp đi công tác, bảo bố đưa lại cho anh khẩu súng ngắn lần trước bố mượn mà chưa trả lại. Mươi năm sau, có dịp gặp ở Sài Gòn, nhắc chuyện cái bếp, anh Lịch cười bảo: Tao có đi công tác gì đâu, thấy mày doạ bắn mấy thằng quản trị, tao làm cớ lấy lại súng kẻo mày bắn thật, đi tù, khổ vợ con!
Rồi cuộc sống đưa đẩy, vài năm sau, nhà mình lại chuyển nhà, lần này đi xa, vào tận Sài gòn. 3 năm sau nữa, bố lại may mắn, “tự dưng” được nhà nước cấp 50 m2 đất. Cuộc sống lúc này đã khá hơn, vay mượn cũng dễ hơn, trên mảnh đất ấy, bố xây một căn nhà 3 tầng, một trệt hai lầu!
Ô, thì ra mình có nhà lầu thật! Chuyện ăn vay, chẳng nhớ hết tự lúc nào, nhưng cũng lâu lắm rồi. Từ ngày vào Sài gòn, chất lượng bữa ăn cũng khá lên nhiều. Ngoài tiền ăn, mặc, bố mẹ cũng để dành được vài đồng, phòng khi trái gió trở trời. Còn chuyện xe hơi? Giờ đã là năm thứ 11 của thế kỷ 21, ô tô không còn là đồ xa xỉ nữa. Nếu muốn, mua một cái tầm hai ba trăm cũng không phải là không mua được!...
Mỗi khi lại nhớ lời phán của bà cụ năm xưa, chả biết là nhân bảo hay là thần bảo! 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét