Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

58A Trần Nhân Tông

            Đây là nơi nhà mình chuyển đến ở khi rời nhà ông bà ngoại.
        Khu này thuộc quận Hai Bà Trưng. Từ nhà ông bà ngoại, ngược về phía Bờ Hồ, cách chừng 3 cây số.
Khu 58A (màu đỏ)
          Khu 58A là nơi làm việc của Cục kỹ thuật, Bộ CA. Khu này một mặt giáp đường Trần Nhân Tông, một mặt giáp đường Trần Bình Trọng, một mặt giáp đường Nguyễn Quyền, một mặt giáp với bến xe Kim Liên nổi tiếng một thời, giờ là khách sạn Nikko.
          Trong khu này có 4 khối nhà 5 tầng, 2 khối chạy song song và gần mặt đường Trần Nhân Tông, 1 khối chạy song song và gần mặt đường Nguyễn Quyền, một khối nữa nằm giữa sân phía đường Trần Bình Trọng. 3 khối để làm việc, một khối phía mặt đường Trần Nhân Tông lấy làm nhà ở cho cán bộ, nhân viên của đơn vị. Chắc là do nhu cầu nhà ở bức thiết, người ta xây thêm một khối nhà 3 tầng làm nhà tập thể cho những người độc thân hoặc vợ con ở quê, không có điều kiện đưa ra Hà Nội. Khối nhà này xây dọc theo chiều giáp với bến xe Kim liên; 2 dãy nhà cấp 4 xây giữa khoảng sân của 2 căn nhà 5 tầng (một phía Trần Nhân Tông, một phía Nguyễn Quyền) dành cho những người có vợ chồng đều làm việc tại Hà Nội. Trong 2 dãy thì một dãy to, song song với khối nhà 5 tầng, dài dọc sân, chắc là xây trước; một dãy nhỏ hơn, chắc là mới xây sau này; một dãy nữa sau khối nhà 5 tầng, sát tường rào giáp mặt đường Nguyễn Quyền.
Nhà mình ở dãy cấp 4 nhỏ, sau dãy cấp 4 lớn. Dãy nhỏ này không liền mạch dọc sân vì còn phải chừa lối đi. Bởi vậy cái khúc nhà mình ở gồm 3 gian, chia cho 2 gia đình, mỗi gia đình một gian rưỡi, gian giữa không cắt ngang mà cắt dọc, diện tích mỗi nhà khoảng 17m2, cửa nhà mở phía đầu hồi. Trước cửa nhà mình là một cái sân vuông khoảng gần 200m2. Nhờ khoảng không này, nhà mình luôn thoáng, mát.
Mẹ và con ở nhà trong khu 58A
          Chẳng hiểu ông ngoại “trinh sát” thế nào mà lại tìm được một cái phòng trống ở đây và không hiểu ông đã gặp những ai, nói những gì để bố mẹ được cấp cái phòng này! Rất nhiều người làm ở cơ quan này chưa có nhà ở nhòm ngó, vậy mà nó lại thuộc về bố mẹ - những người làm việc ở tận đẩu đâu! Bởi vậy hôm nhà mình chuyển đến, bố mẹ chỉ gặp những “ánh mắt mang hình viên đạn”! Thây kệ họ! Bố mẹ cứ thu xếp cuộc sống của mình, cố gắng không làm phiền ai. Ai nói lời thân thiện thì mình cũng nới, mở lòng; ai nhìn mình hằn học, nói lời cay độc, khích bác thì bố cũng trừng mắt lên đáp trả. Cuộc sống là vậy, mình hiền quá, người ta dễ bề ăn hiếp!
          Khởi nguyên là phòng làm việc nên nhà mình không có bếp, không nhà tắm, nhà vệ sinh, không nguồn nước sinh hoạt. Bếp thì mình dành một góc nhà, còn lại dùng chung của khu tập thể. Được cái nhà mới rất gần chỗ làm của bố mẹ: chỗ bố cách chừng vài trăm mét, chỗ mẹ non cây, đi bộ cũng được. Đối diện bên kia đường Trần Nhân Tông là rạp xiếc và công viên Thống Nhất, sau đổi là công viên Lê nin. Đối diện bên kia đường Trần Bình Trọng là hồ Thiền Quang. Những ngày nghỉ, lúc rảnh rỗi, dẫn con đi dạo chơi rất tiện.
          Ở nơi ở mới, chúng ta cũng có người tốt quan tâm giúp đỡ. Ông cục trưởng quản lý khu này thì rõ rồi. Chẳng biết quan hệ giữa ông ngoại và ông cục trưởng thân thiết như thế nào, chỉ biết ông ấy đã rất khó khăn, chịu nhiều áp lực, chỉ trích khi đồng ý cho bố mẹ đến ở tại khu tập thể này. Rồi khi bức tường rào ngăn cách khu tập thể với khu làm việc được xây dựng, nếu không có sự giúp đỡ của ông cục trưởng thì nhà mình cũng không tài nào có thêm được cái bếp. Đó là những việc mà bố biết được. Cũng có thể có những việc khác mà ông ấy đứng ra làm chỗ dựa để kẻ khác không dám gây chuyện với nhà mình nữa, nhưng tất cả những việc ông cục trưởng làm, chưa bao giờ ông ấy kể với bố mẹ lấy một lời. Ông ấy cũng không tỏ vẻ thân thiết gì hơn với người ở khu này, chưa bao giờ ông ấy ghé vào nhà mình. Chỉ lần duy nhất, hôm nhà ta chuyển đến, ông ngoại cũng đến, khi đồ đạc đang được chuyển từ sân vào nhà, ông ấy đi ngang qua, dừng lại chào ông ngoại, nhìn mọi người chuyển đồ vài phút rồi đi làm việc. Ngày ấy khó khăn, bố mẹ cũng cạn nghĩ và ỷ lại vào ông ngoại nên cũng không làm được cái việc sắm chút lễ mọn, tìm dịp tốt, đến nhà ông ấy để tỏ lòng biết ơn. Thật áy náy quá!
Người tiếp theo là vợ chồng ông Giang, có thời kỳ công tác cùng Bà ngoại. Cả hai vợ chồng ông Giang làm ở cơ quan này, nhà  năm sáu người, được phân căn hộ 20m2 ở tầng 1 của khối nhà 5 tầng phía đường Nguyễn Quyền. Ông Giang kiêm tổ trưởng tổ dân phố. Khi đi ngang nhà mình, thi thoảng ông cũng dừng lại, hỏi han vài câu thân thiện.
Người tốt nữa là vợ chồng bác Tuế. Bác Tuế làm ở bưu điện Bờ Hồ, vợ bác ấy tên là Hương làm ở cơ quan này, được cấp 1 gian nhà cấp 4 giáp đường Nguyễn Quyền. Dãy này ẩm thấp, ngột ngạt. Nhưng gặp lúc “bung ra”, các gia đình dãy này đồng loạt trổ cửa thông ra đường, nhà thành mặt tiền, buôn bán lặt vặt, vậy mà lại rủng rỉnh đồng ra đồng vào. Bác Tuế là người đầu tiên ở khu này chủ động vào thăm nhà mình, hỏi han, trò chuyện rất thật thà, cởi mở, mời bố mẹ hôm nào rảnh sang nhà chơi… Bác gái hơn bố mẹ chừng hai ba tuổi. Bác Tuế hơn vợ cả chục tuổi. Cả hai vợ chồng đều hiền lành, giản dị, chất phác, rất tốt bụng. Bố cũng chẳng hiểu tại sao, một người xa lạ, bỗng dưng rất quí bố mẹ, quí rất thật lòng, có miếng gì ngon cũng mang sang cho. Đổi lại bố mẹ cũng rất quí trọng gia đình bác Tuế, thân thiết, tin cậy như người nhà. Có việc bác Tuế giúp mà bố nhớ mãi. Ở quê bố, có người có con ở nước ngoài gửi về ít hàng hoá, chả hiểu vướng mắc gì bị Hải quan bưu điện Hà Nội giữ lại, đòi tịch thu. Người đó nhờ bố, bố nhờ đến bác Tuế. Nghe chuyện, bác Tuế rất sốt sắng nhận lời, nói có quen ông trưởng hải quan bưu điện. Chẳng hiểu bác ấy nói sao, chiều ấy hàng được nhận về đầy đủ. Tối ấy, bố và người nhận hàng sang nhà bác Tuế chơi, cảm ơn và biếu bác ấy chút quà lấy từ gói hàng mới nhận. Nhưng bác ấy chối đây đẩy, bảo đã xin giúp rất nhiều người và chưa bao giờ nhận quà của ai, dù chỉ là gói thuốc lá.
Người tốt bây giờ vẫn còn, nhưng cũng không thật nhiều!
Làm dáng bên vạt hoa ven hồ Thiền Quang
Ở đây, ngoài việc đi làm cho nhà nước, bố mẹ phải tìm việc làm thêm, kiếm thêm mấy đồng bù vào số tiền lương ít ỏi. Bố có một hộp gỗ hương đủ làm một bộ bàn ghế sa lông do bác Bích, anh rể của bố hồi còn làm ở Đắc Lắc mua cho. Nhà chật, chưa có dịp lấy ra làm, lại đang cần vốn, vậy là bố mẹ bán, được 100 đồng (lương của bố mẹ ngày ấy được hơn trăm đồng), bù thêm 20 đồng mua được một chiếc máy may cũ. Nhận hàng gia công, công bèo bọt, vẫn phải làm, làm được vài tháng thì không có hàng để làm nữa! Lại tìm việc khác, xoay sang dệt len. Nhờ người mách nước, bố mẹ bán chiếc máy may được trăm đồng, vay thêm bà ngoại bù vào mua một chiếc máy dệt len cũ, ọc ạch như một bà lão. Vậy mà cái “bà lão” ấy đã từng gắn bó với nhà mình gần 2 năm trời. Cứ chiều, về tới nhà là mẹ đứng máy dệt, cơm chín, ăn cơm vội vã rồi lại đứng ngay vào máy dệt, dệt cho kịp số hàng đã nhận, thường thường cứ phải mười một mười hai giờ đêm mới xong! Đêm khuya, tiếng máy dệt chạy xoẹt xoẹt, to càng to! Có người khích, nhà cô chú làm khuya thế, tiền tiêu sao hết! Phần bố, lo cơm nước chiều, rửa bát xong thì vừa coi con, vừa khâu những vạt len mẹ vừa dệt xong cho thành chiếc áo hoặc chiếc mũ. Số chưa khâu xong thì hôm sau đi học về, khâu tiếp, sao cho xong hàng để kịp giao cho người ta. Thời ấy, nhiều người cũng mánh mung, buôn bán, cũng có người phát tài, nhanh chóng có xe máy chạy vè vè, vàng đeo đỏ tay! Bố mẹ thì không có vốn, lại dốt cái khoản ấy, chỉ biết lấy sức lao động đổi lấy ít đồng tiền lẻ, nuôi mình, nuôi con. Có người chê bảo làm thế khác gì để bọn tư sản bóc lột sức lao động. Học lý thuyết, thấy bọn tư sản bóc lột sức lao động của công nhân tàn nhẫn thì mình tức lắm! Nhưng thời ấy, đói ăn, bố mẹ chỉ mong được nó bóc lột! Nó bóc lột mình còn được tý tiền, bữa cơm con thêm được tý rau, tý cá, hơn là nó không bóc lột, mình ngồi không, nhìn cái đói vàng mắt!
Ở đây, thời ấy bố mẹ cực lắm, nhưng được cái nhà cửa lại luôn rộn ràng. Khi còn ở Trung Tự, một là hơi xa, hai là còn ở nhờ ông bà ngoại nên người ta e ngại, ít người đến chơi, có thì cũng ghé thăm chút rồi đi. Còn ở đây, vừa gần nơi làm việc, lại độc lập tự do, vậy là nhà mình bỗng trở thành “trung tâm giao lưu, gặp gỡ”.
Bạn của bố, thường xuyên là nhóm của bác Cò cùng với anh Lịch, anh Dương (hai người bạn học cùng bố mẹ, lúc ấy chưa vợ, họ huấn luyện con gọi bằng anh, xưng em), bác Đức, bác Hoàng Mai, bác Trần Sự… Nhóm này tuần nào cũng họp, có tuần họp hai ba lần. Bác Cò vừa là chủ chi, vừa rất khéo nấu ăn. Khi tổ chức nhậu, không nhiều thời gian thì mua đồ ăn sẵn, có thời gian thì mua đồ tươi sống về chế biến, những món chính thì bác Cò phải tự tay pha chế, đun nấu, không ai có thể làm thay bác ấy được. Tiệc nhậu bày ở chiếc phản gỗ lim, lúc thì năm sáu người, lúc hơn chục người, hò hét, quậy tưng bừng. Cũng có những cuộc nhậu tới bến, khách mời hăng hái zdô zdô quá, xỉn, ói tại trận, mẹ con phải lấy vội cái xô nhỏ để khách cúi đầu vào đó mà “hò dô ta”! Có hôm tiệc kéo dài tận khuya, trời mùa đông, đã ngà ngà say, vậy là dọn sơ cái phản, cả đám ôm nhau ngủ cho tới khi sáng bạch. Cũng tại chiếc phản này, dịp tết Nguyên tiêu rằm tháng giêng 1992, bố đã trịnh trọng mở chai rượu Suntory red của Nhật mời bạn bè. Chai rượu này bố được một đơn vị hải quan Quảng Ninh tặng dịp đến công tác. Bố và phần lớn những người dự tiệc hôm ấy lần đầu tiên biết đến mùi vị của rượu ngoại. Chu choa, xưa nay toàn uống bia Vạn lực, rượu nút lá chuối loại rẻ tiền (có khi bị cho thêm ure hay thuốc trừ sâu để tăng độ!!!), giờ được uống rượu ngoại, cảm giác - nói như bây giờ - thật yomost!!! Hoá ra rượu ngoại nó hơn đứt cái anh rượu chanh, rượu mơ Hương tích, Làng Vân… của VN mình! Sau này, có nhiều dịp uống rượu cao cấp hơn của Pháp, Anh, Úc… nhưng không có lần nào bố có được cảm giác sướng như lần đầu uống Suntory.
Con chơi ở công viên Lê nin
Bạn của mẹ là mấy bác (gái) , mấy cô làm cùng phòng, thường xuyên thì có bác yến, cô Hương, cô Vân, cô Thoa, cô Giang… Nhóm này hay tụ nhau buổi trưa, làm bún chả hoặc ốc luộc. Có lần bố cũng tham dự. Đang ăn giữa chừng, cô Hương, người to béo nhất nhóm con ông Luân, thiếu tướng CA, dừng tay bảo: xin lỗi ông nhé, tôi nới cái cúc quần, ăn cho thoải mái! Vừa nói cô vừa điềm nhiên cởi cúc lưng quần, kéo phẹc mơ tuya cái rẹc! Cả đám cười ré lên, rồi makeno, tiếp tục ăn uống vui vẻ! Có lần bố nhờ mẹ chú Thơi ở quê làm cho ít mắm tép biển, hay gọi là con moi. Sản phẩm mang lên gồm một chai 70ml nước mắm ngon tuyệt và một âu mắm cái. Một lần tổ chức ăn bún chả, mẹ con khoe có mắn tép ngon, cả hội lấy ra ăn. Ai ngờ ngon quá, sau bữa tiệc, cô Hương “tịch thu” luôn cái âu mắm vẫn còn 2/3 của nhà mình, ăn hết mắm rồi cũng quên trả lại cái âu rất đẹp!  
Ở phía ngoài đường, từ cổng 58A rẽ phải vài bước chân có 3 hàng phở. Hàng thứ nhất chuyên về sốt vang, khách vừa phải; hàng thứ hai phở bò gà, ít khách; hàng thứ 3 phở bò gà, rất đông khách. Mỗi sáng, khách ăn ở đây phải xếp hàng dài chờ tới lượt. Những lúc con biếng ăn, mẹ hay mua phở ở đây cho con. Cũng có sáng chủ nhật, hứng chí, cả nhà mình cũng ra đây làm tô phở cho tỉnh người! Bố cũng thích ăn phở sốt vang. Nhớ lúc còn ngủ ở “hàng bàn”, có lần ốm dậy, người mệt lử thử, một anh cùng phòng dẫn bố đến ăn ở hàng phở sốt vang này, ăn về thấy người khoẻ hẳn ra! Khi chuyển đến đây ở, mỗi khi có khách bất ngờ ghé nhà lúc sắp dùng bữa, bố thường ra cửa hàng phở sốt vang, mua độ ba bốn đồng là được 1 tô thịt bò sốt vang, làm thêm 1 chai 70ml rượu đế nữa, vậy là đủ để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”! Nhiều khi cao hứng, rượu ngà ngà, chủ và khách còn “bình loạn” cả chuyện thiên đình, chuyện thế giới tận bên Mỹ!
Ở đây cũng tiện đi dạo chơi, giải trí. Lúc rảnh, bố mẹ thường dẫn con vào công viên Lê nin dạo chơi, chụp ảnh. Chiều tối nóng quá thì dạo quanh hồ Thiền Quang, mỏi chân ngồi làm ly nước mía. Còn rạp xiếc thì ngay đó, chỉ vài bước chân qua đường. Những lúc con lười ăn, mẹ thường rong con tới rạp xiếc để con vừa chơi vừa ăn. Bởi vậy, mấy bác bảo vệ đã nhẵn mặt con, con được vào rạp miễn phí. Ở đây cũng gần cơ quan bố mẹ, thường tối thứ 7 cơ quan hay chiếu phim, diễn kịch, ca múa nhạc. Hôm nào có vé, vậy là vội nấu ăn sớm, bồng bế nhau đi xem. Bố nhớ có lần, đi hơi trễ, sắp đến giờ đóng cửa, bố ôm con trước bụng, chạy gằn cho kịp. Mới chạy được mươi bước, con ngước lên bảo: Bố chạy chậm thôi, kẻo ngã! Bố giật mình, bước chậm lại. Đúng là lỡ vấp chân té ngã thì con sẽ chịu trận, hậu quả khó lường! Lời cảnh báo của con thật là quí giá! Sau này, mỗi khi gặp chuyện nôn nóng, bố thường nhớ lời nhắc của con, kịp trấn tĩnh lại. Có thể vì thế mà bố tránh được những sai lầm!
Ở đây chỉ có một điều bất tiện, đó là chuyện tắm rửa, vệ sinh.
Cả cái khu tập thể mấy chục hộ gia đình ở 3 dãy nhà cấp 4 và hàng trăm người ở phòng tập thể mà chỉ có 3 cái phòng tắm, một dành cho nữ. Chiều tới mọi người dồn ra chầu chực. Mỗi phòng cứ sáu bảy người chen nhau dưới vòi nước, xoa vội vài phút rồi ra, để người khác vào.
Tắm rửa vậy nhưng chưa đến mức kinh hãi. Chuyện đi vệ sinh, nhất là đi cầu thì thậm kinh khủng. Bằng ấy con người cũng chỉ có 3 cái nhà cầu, một dành cho nữ. Hầu như mọi người đều phải nhịn, để dành đến cơ quan giải quyết. Vậy nhưng, sáng sáng vẫn có cả chục người tay ôm bụng, tay vo vo giấy báo, chờ đến lượt! Bố cũng thường phải nhịn, khi còn đi học thì mang đến trường giải quyết, dù cũng bẩn, nhưng đỡ hơn, khi học xong thì mang đến cơ quan vậy. Nhưng bụng dạ bố vốn yếu, chủ nhật hoặc khi không thể nhịn được phải vào đó giải quyết, cảm giác thật không dám tả, sợ bẩn blog, bẩn mắt người đọc! Ám ảnh ấy, cho đến giờ, bố vẫn mơ thấy mình cứ cuống cuồng tìm nhà vệ sinh, khi tìm thấy thì lại bật ngược trở ra vì nó… kinh tởm quá! Mười mấy năm nay, khi xây nhà mới, nhà của mình có 3 phòng vệ sinh, cần dùng lúc nào cũng được, yomost vô cùng!
Tập thể 58A Trần Nhân Tông giờ cũng giải toả hết rồi, chỉ còn lại nơi làm việc. Các gia đình tứ tán, chẳng rõ ai đi đâu về đâu!
Mỗi lần có dịp đi trên đường Trần Nhân Tông, qua địa chỉ 58A, bố lại thấy bồi hồi nhớ lại những tháng ngày gian khó, thấm đẫm nhiều kỷ niệm không bao giờ phai!
Bố yêu 58A Trần Nhân Tông, yêu mãi!



10 nhận xét:

  1. HE AI VAY NHI.MINH CUG O
    58A TRAN NHAN TONG DAY.

    Trả lờiXóa
  2. Em chào chị. Em cũng từng ở khu 58A Trần Nhân Tông. Nếu có thể chị cho em email để liên lạc và trao đổi nhé. Email của em là: tuanviet75@gmail.com. Cám ơn chị

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bác...
      Xin bác địa chỉ nhà hoặc số tel của bác Tuế hoặc chị Hương ạ...

      Xóa
    2. Chào c, e là cháu họ của ông Tuế bà Hương, ông e mất cũng đã lâu rồi, giờ còn bà H và dì cậu e thôi!

      Xóa
    3. A di đà phật!...
      Xin bạn số tel. Khi nào có dịp ra HN, tôi sẽ liên lạc để đến thắp hương cho bác Tuế, một người tốt bụng hiếm có mà tôi may mắn được gặp...
      Số tel của tôi: 0903848386(có dùng zalo)

      Xóa
  4. Đây có phải cu chuột nhà chú Thuần cô Nga ko? Chị ko nhớ tên thật của em. Giờ có bạn cho chị xem blog mới biết. Chị Hoa con bác Tuế mà em nhắc đây

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sorry cháu Hoa, chú Thuần đây, giờ chú mới đọc được comment này.
      Em chuột là tên thường gọi, tên giấy tờ là Khánh Duy. Nếu cháu đọc được comment này thì liên hệ với chú qua số 0903848386(sử dụng Zalo luôn) nhé...

      Xóa
  5. Ông cụ nhà tôi trước đây cũng ở 58A

    Trả lờiXóa
  6. Hôm nay đi qua thấy quây tôn, san bằng tất cả rồi

    Trả lờiXóa