Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

39 C3 Trung Tự

Đó là nơi ngày này cách đây 25 năm, bố mẹ đón con từ nơi sinh, bệnh viện C Hà Nội, trở về khi con được 7 ngày tuổi.
39 C3 Trung Tự
Căn hộ 39 C3 Trung Tự là một trong hai căn hộ ông bà ngoại được nhà nước cấp và chuyển về ở từ năm 1977.
Khu tập thể Trung Tự đối diện với khu tập thể Kim Liên, mới xây dựng sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, thuộc quận Đống Đa Hà Nội, gồm nhiều khối nhà 5 tầng, xếp thứ tự theo các khu A, B, C, D, xây dựng theo công nghệ của Đức, lắp ghép bằng các tấm bê tông đúc sẵn. C2 nằm mặt đường, nay tên đường là Phạm Ngọc Thạch, C3 nằm sau C2, sau C3 là C4… Mỗi căn hộ có diện tích chính 24m2 và diện tích phụ rộng khoảng 0,8m, chạy dọc theo chiều dài của nhà, dài khoảng 10m. Diện tích chính chia thành 2 phòng: Phòng ngoài 14m2 , phòng trong 10m2 , sàn lót bằng gạch bông, màu tím sẫm. Diện tích phụ, một khúc làm bếp, một  khúc làm nhà tắm, một khúc chừng 0,5m2 làm nhà vệ sinh với một cái bệ xí xổm. Chiều cao từ sàn lên trần nhà là 2,8m. Ai quen ở nhà trần cao, khi bước vào căn hộ sẽ có cảm giác trần muốn chạm đầu! Phía trước là hành lang rộng chừng 1m dẫn vào các nhà. Phía sau có một hành lang nữa, nhỏ hơn dành để phơi phóng quần áo, để đồ lặt vặt… Tại đây, để chống trộm đột nhập, nhà nào cũng phải làm lồng sắt bảo vệ. Nhiều nhà có sáng kiến làm cái đế lồng sắt có chiều rộng từ 0,5 đến 1m, vậy là có thêm diện tích để vài thứ linh tinh, có khi là vài chậu hoa nhỏ. Các căn hộ ở khu tập thể Trung tự, cái nào cũng giống cái nào, đều tăm tắp, đúng là sản phẩm công nghiệp.
Ông bà ngoại được cấp 2 căn hộ liền nhau ở C3, số 39 và 40, tầng 2. Ông bà ở căn số 40, phòng trong dành để ngủ, phòng ngoài làm phòng khách, sàn nhà lót các tấm chiếu dệt bằng cói xe (cây cói chuyên dùng để dệt chiếu). Phòng khách kê một bộ bàn ghế sa lông nan, có nệm mút. Một chiếc tủ búp phê kiểu Đức, mặt tủ kê một chiếc ti vi Sanyo 14 inch, vỏ gỗ, có cánh lùa khép lại khi không xem; một dàn Akai băng cối. Thời ấy, đó là những thứ không phải nhà nào cũng có. Tại căn số 39, phòng ngoài kê một chiếc giường đôi để bác Bình và bác Khánh ngủ. Chỗ còn lại kê một chiếc bàn ăn với 5 sáu chiếc ghế để cả nhà ăn cơm. Nó không phải là bàn ăn chuyên dụng như bây giờ. Đó là chiếc bàn gỗ hình chữ nhật 0,8m x 1,2m, thường được dùng làm bàn giấy ở các cơ quan, công sở. Phòng phía trong 10m2 là không gian riêng của mẹ con. Cái bếp của căn hộ này dùng làm nơi nấu ăn chung cho cả gia đình.
Từ cầu thang đi lên, rẽ trái, căn hộ đầu tiên là số 40, rồi đến số 39. Tiếp theo, căn hộ số 38 là nhà của ông Thính, làm ở CA Hà Nội, sau sang làm giám đốc Hải quan Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu. Khi ông Thính chuyển nhà, gia đình ông Ninh chuyển đến ở. Phòng số 37 là nhà của ông Thảo, làm tổ chức ở CA Hà Nội. Phía bên kia cầu thang, căn 41 là nhà bà Nga, chồng bà là bác sỹ mắt, căn 42 là nhà của ông Cáp Xuân Diệm, cục trưởng bộ CA.  
       Lần đầu tiên bố đến nhà của ông bà ngoại vào năm 1980. Bố đến vừa với tư cách là bạn học của mẹ con (lúc ấy bố mẹ yêu nhau rồi, nhưng giấu, chưa dám công khai), vừa nhờ ông ngoại gợi ý giúp việc chọn đề tài làm luận văn tốt nghiệp. Đó là một buổi chiều cuối xuân, trời vẫn còn se lạnh. Khi bố đến, ông ngoại đang đi làm, chưa về. Bà ngoại đã nghỉ hưu được mấy năm. Mẹ đưa bố vào phòng khách, giới thiệu với bà ngoại, để bố ngồi đó, sang bên nấu cơm. Nhìn lướt căn phòng, đồ đạc, bố thấy ngần ngại, lo lắng bởi căn phòng trông sang trọng quá! Nhà bố ở quê tường đất, mái rạ, nền bằng đất nện, không có đến vữa (vôi trộn cát) mà trát chứ đừng nói đến xi măng! Còn ở đây, nền đã lót gạch bông lại còn trải thêm lớp cói xe nữa. Cói xe thì bố chẳng lạ bởi hồi nhỏ ở quê, bố xe cói mãi, cả xe bằng tay và cả xe bằng máy. Ngày ấy chỉ biết xe, giao lại cho người ta, không biết cói xe để làm gì. Đến nhà ông ngoại, bố mới biết nó được dùng cho người thành phố lót sàn nhà, đi cho khỏi lạnh chân! Bà ngoại tiếp bố chừng mươi phút, hỏi vài câu về gia đình, học hành… rồi bảo bố sang nhà bên (số 39) chơi, chờ “bác trai” đi làm về, ăn cơm và nói chuyện. Bà ngoại vốn thế, chẳng tiếp ai lâu. Sau cái lần gặp ấy, bà ngoại nói với mẹ con rằng trông nó yếu ớt, rõ là đói ăn, bố thì mất sớm, nhà đông anh em, chắc là vất vả lắm…
Ông ngoại bế con năm 1990
Bố ngồi một mình, đọc cuốn sách truyện gì đó mẹ đưa. Chừng nửa tiếng thì ông ngoại về, sang phòng để ăn cơm. Thấy bố, ông ngoại sững lại một hai giây, quay ngược sang phòng 40. Rồi ông trở lại ngay với nụ cười thân thiện. Chắc trước đó bà chưa kịp nói với ông về sự có mặt của bố, chẳng biết bố là ai, quan hệ thế nào… nên ông quay lại hỏi bà. Ông ngoại bảo bố ngồi vào bàn ăn. Bố lúng túng quá, ngượng ngập, người nóng ran, nhìn ra phía bếp cầu cứu. Ông ngoại vừa ăn vừa chủ động hỏi chuyện nên bố cũng bình tĩnh lại đôi chút. Ông ngoại ăn rất nhanh, ăn theo kiểu người lính, ăn xong xếp bát đũa đứng dậy khi bố còn đang mân mê chén cơm mới vơi non nửa, bảo bố cứ tự nhiên, ăn xong “sang gặp bác”.
Từ tháng 9 năm 1981, sau khi tốt nghiệp ra trường, bố về nhận công tác ở Hà Nội, làm ở phố Trần Bình Trọng, quận Hai Bà Trưng, ngủ “hàng bàn” (không còn nhà tập thể, buổi tối bố phải ngủ tại cơ quan, trên những chiếc bàn làm việc, rất nhiều người phải ngủ “hàng bàn” như bố). Tuần nào cũng vậy, bố dành 3 buổi tối thứ ba, thứ năm, chủ nhật để đến nhà 39 C3 chơi với “sức khoẻ” của ông ngoại. Ngày nắng cũng như ngày mưa, mùa đông cũng như mùa hè, cứ đến giờ là bố xuất hành. Không có phương tiện đi lại, bố đành cuốc bộ, cứ đúng giờ 7 giờ là gõ cửa 39 C3, đúng 9 giờ là trở về, chính xác như một cái đồng hồ Thuỵ Sỹ! Những người bạn ở “hàng bàn” với bố biết và rất tôn trọng cái lịch tình yêu của bố. Hôm nào có tổ chức ăn tươi mà trùng với lịch đi Trung Tự của bố, họ phải căn giờ nấu nướng. Nếu ăn muộn, dù mới ăn mà đến giờ “lên đường” là bố cũng đứng dậy, không ai có thể giữ bố lại được.
Thấy bố thường xuyên đến, ông bà gặng hỏi, mẹ con phải thú nhận là bố có “vấn đề” với mẹ. Biết vậy, ông bà ngoại cũng chẳng tỏ ra mặn mà hơn, cũng không có ý ngăn cản. Những buổi tối đến chơi với mẹ con, bố mẹ thường ngồi ở phòng ngoài, có sự “tuần tra, giám sát” kỹ lưỡng của bà ngoại. Có lần bố mẹ ngồi chơi, không bật đèn, bà ngoại vào nhắc liền: Các con bật đèn cho sáng! Cấm không được ngồi nói chuyện trong bóng tối!... Hãi quá, bố mẹ chẳng bao giờ dám tái phạm.
Vợ chồng ông bộ trưởng (ngồi giữa).
Cuối năm 1983 thì bố mẹ cưới nhau. Thời ấy cưới xin cũng đơn giản, chỉ mời nhau đến ăn kẹo, hút thuốc lá, uống nước chè tàu. Thường thì làm việc ở đâu, mượn cái hội trường ở đó mà tổ chức lễ cưới. Ông bà ngoại là người cách mạng, cũng từng nghèo khó, đều là công chức sống bằng lương nhà nước, chẳng dư giả gì. Ông bà cũng là người ưa giản dị, sống kín tiếng, không ưa ồn ào. Bởi vậy, ông bà quyết định tổ chức cưới cho bố mẹ theo hình thức tiếp khách tại nhà. Trong số khách dự đám cưới, nể trọng ông bà ngoại, vợ chồng ông bộ trưởng cũng đến chia vui.
Cưới xong, bố theo mẹ con về ở trong cái phòng 10m2 nơi mẹ vẫn ở. Mẹ vốn có một chiếc giường đôi rẻ quạt. Nghe lời người ta xúi, bố vay tiền mua và gạ mẹ con cho bố mang đến một chiếc giường hộp. Chiếc giường cũ chả biết rồi cho ai. Cái giường hộp người ta làm ẩu, vai giường mỏng, thang giường mỏng. Có tối bố mẹ đang nằm nói chuyện, chả làm gì, giường sụp cái rầm, ông bà chạy sang, ngượng ơi là ngượng! Hôm sau phải gọi thợ đến sửa, mất cả buổi.
Ở với ông bà ngoại, bố mẹ ăn chung cùng gia đình. Bà ngoại thường đi chợ mua đồ ăn, mẹ con nhận chân nấu ăn, bố nhận chân rửa bát. Buổi sáng ăn nhẹ, đi làm xách theo cái cặp lồng cơm, ăn trưa ở cơ quan. Buổi chiều mới ăn chung cả nhà. Cuộc sống cứ êm đềm trôi. Cho đến một ngày đầu tháng 7 năm 1986, lúc con sắp chào đời, bà ngoại gọi bố sang, bảo: Trước sau gì thì cũng đến ngày các con phải ăn riêng, không thể ăn chung mãi với bố mẹ. Vợ con sắp sinh, bố mẹ không thể trông cháu suốt ngày. Chắc con phải nhờ bà nội lên giúp. Như thế ăn chung sẽ không tiện, sợ bà nội sẽ e ngại. Mẹ tính để cho các con ra ăn riêng, con thấy thế nào? Thấy bà nói đúng nên bố đồng ý ngay, cũng chẳng thấy có trở ngại gì. Bà ngoại đưa cho bố một ít tiền để mua đồ dùng bếp núc. Bố bán một cái đồng hồ đeo tay cũ, chả được là bao, gom vào mua ít bát đĩa, cái mâm, mấy cái xoong nồi, cái chảo, cái rổ, cái rá, một cái bếp dầu, một cái bếp điện dùng dây may so, một cái thùng đựng gạo, cái can đựng dầu hoả, mấy cái âu đựng mắm, muối, mỡ, một cái vại muối dưa… Cái bếp chính của căn hộ, ông bà đã dùng để nấu ăn nên bố thu dọn cái hành lang phía sau làm cái bếp của nhà mình. Khi đón con về 39 C3 Trung Tự, nhà mình đã trở thành một gia đình nhỏ gần hoàn chỉnh, tương đối độc lập. Bữa cơm đầu tiên của nhà mình, ngoài bố mẹ, con, còn có cả bà nội. Khi con chào đời, bố đã nhắn về quê, mời bà nội lên gấp.
Bà nội Khánh Duy năm 1986.
Bà nội con đã từng một tay sinh và nuôi 6 đứa con, phụ giúp 3 đứa cháu ngoại nên khi lên Hà Nội để phụ giúp nuôi cháu nội có vẻ tự tin lắm. Nhưng cái ngày đầu tiên khi đón con về, gặp thằng bé sinh thiếu tháng, bé tý tẹo, mẹ nó mất sữa, cho ăn sữa ngoài với những điều kiện nghiêm ngặt, bà nội đâm lúng túng, chả biết xoay sở ra sao, thật tội! Con về, cứ 2 tiếng lại phải nấu nước sôi, tráng bình sữa, pha sữa theo công thức bác sỹ dặn, ngâm vào nước cho nguội bớt, còn âm ấm, khoảng 37 – 38ºC, thì đánh thức con dậy, cho con bú. Ban ngày còn đỡ, đêm hôm đó, cả nhà lịch kịch suốt, chả ngủ nghê gì được, mệt phờ người!
Như bố đã kể, đến 10 giờ đêm ngày thứ 3 kể từ hôm đón con về nhà, con bỏ ăn, cứ ngủ li bì. Mẹ con, bà nội thay nhau lay con thức dậy mà con không thức. Sáng hôm sau, chẳng kịp cơm cháo, bố mẹ vội đưa con trở lại viện C tìm BS Hiếu. Con được gửi sang viện Nhi Thuỵ Điển, nằm ở đó 10 ngày mới xuất viện trở lại nhà, thật hú vía!
       Từ viện nhi Thuỵ Điển trở về, nói trộm vía, sức khoẻ của con tốt hơn, con ăn ngủ đều, ít quấy khóc, mọi người hồi hộp theo dõi con từng ngày, mừng vui thấy con ngoan từng ngày. Con có thêm cái tên là Chuột, do ông ngoại đặt. Một ngày trôi qua, một tuần trôi qua, một tháng trôi qua, hai tháng trôi qua, ba tháng trôi qua… Mỗi ngày trôi qua là mối lo của bố mẹ, của bà nội, ông ngoại, bà ngoại… vơi đi một chút. Con đã biết hé mắt nhìn quanh, biết hóng hớt u ơ, biết nhận diện người quen, biết cười khi thích thú, biết khóc khi không vừa ý, biết lẫy, biết bò, biết ngồi, biết đứng, biết đi lẫm chẫm, biết chạy tung tăng, biết gọi bà, mẹ, âm (ông) ơi…, biết đón mẹ chiều về từ ngoài hành lang, dắt mẹ vào nhà đòi ti, ti xong mới thả cho mẹ làm việc khác… Từng ngày, từng ngày con đã lớn lên trong căn hộ 39 C3 như thế.
Khi con được hai hay ba tháng gì đó thì vợ chồng bác Khánh mang anh Long từ Liên Xô trở về. Anh Long khi đó được 4 tháng, bụ bẫm như thằng bé người nước ngoài. Vợ chồng bác Khánh chiếm cái phòng ngoài, bác Bình phải “sơ tán” sang ngủ ở phòng khách, căn hộ của ông bà. Ngày trước, có 4-5 người, 2 căn hộ, thấy rộng thênh. Giờ thêm 2 gia đình, nhân khẩu thêm 4, chưa kể người phụ giúp, diện tích căn hộ thì vẫn vậy, thành thử bắt đầu thấy chật chội. Cuộc sống vốn phức tạp, chuyện xô bát xô đũa thành chuyện khó tránh, dù không nhiều, không lớn! Ông ngoại sớm thấy việc này nên đã lặng lẽ đi ‘trinh sát” và ông đã biết được ở khu tập thể 58A Trần Nhân Tông có một căn phòng đang để trống. Ông tìm gặp những người có thẩm quyền giãi bày. Rồi một ngày ông ngoại bảo bố khai vào bộ hồ sơ, xin cơ quan xác nhận chưa có nhà ở. Rồi một ngày ông bảo bố đi theo ông lên 58A Trần Nhân Tông nhận bàn giao căn phòng. Rồi một ngày cả nhà mình chở theo một ít đồ đạc rời 39 C3 Trung Tự về ở trong khu 58A Trần Nhân Tông. Khi ấy con đã được hơn một tuổi.
Nhà mình chuyển đi, nhà bác Khánh vào tiếp quản. Bác Bình lại trở về vị trí cũ, trả phòng khách cho ông bà. Rồi bác Bình lấy vợ. Lại cũng không thể ở chung. Ông ngoại lại lặn lội tìm nhà, lại nhờ vả để vợ chồng bác Bình có một căn hộ tại khu tập thể Kim Giang. Vợ chồng bác Khánh tiếp quản cả căn hộ, trừ lúc ông bà sang ăn cơm.
Đâu như năm 1998, 1999, gia đình bác Khánh gặp tai nạn liên tiếp. Đầu tiên là bác Khánh té xe máy, gẫy mấy cái xương sườn, chữa mấy tháng mới khỏi. Năm sau đến lượt bác gái - bác Tuyết – đi xe máy, bị ô tô va quyệt, đứt mất nửa bàn chân phải, chữa trị, nghỉ làm cả nửa năm. Rồi nghe xì xào trước cửa căn hộ 39 C3 có cây đa chiếu, ở nữa sẽ nguy, có khi mất mạng. Sợ quá, ông bà phải bán vội. Nhà bác Khánh dọn sang ở căn 40, chung với ông bà ngoại. Bán được mấy tháng, giá nhà tăng chóng mặt, lên gấp đôi! Lúc ấy mới lờ mờ chuyện bị nghe tin lừa, lúc ấy mới tiếc nhưng đành bó tay! Cũng may là sau đó, với phương thức “nhà nước và nhân dân cùng làm”, mỗi căn hộ ở khu tập thể này đều nới rộng ra phía sau được gần 20m2. Nhà bác Khánh ở trọn chỗ này, có cả một góc bếp, một cái nhà tắm, vệ sinh có bồn cầu xí bệt, bình nước nóng… 
Mỗi lần ra Hà Nội, đến thăm ông bà ngoại, bố lại muốn ghé vào cái phòng trong của căn hộ 39 C3 để thăm lại nơi cả nhà mình từng gắn bó. Nhưng cửa nhà ấy lúc nào cũng đóng. Vả lại, nếu có cho vào, chắc gì họ đã cho mình ngó tận phía trong, cầm lòng vậy!
C3 thì vẫn thế, còn các căn hộ đã được đánh số mới. Căn 40 đổi thành 203. Căn số 39 đổi thành  204.
39 C3 giờ chỉ còn trong ký ức!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét