Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Hai lần doạ mổ ruột thừa

           Sáng sớm ngày này cách đây 25 năm, con bước sang ngày tuổi thứ 11, bố mẹ vội vã ôm con, chở bằng xe đạp chạy vào viện C bởi con bỏ ăn từ 10 giờ đêm hôm trước. Rồi may mắn, con được BS Hiếu gửi nhờ Viện nhi Thuỵ Điển kiểm tra, theo dõi. Con ở đó 10 ngày thì được xuất viện về nhà. Đó là những ngày bố mẹ lo thắt ruột, thắt gan. Ơn trời, những ngày ấy cũng qua trong bình yên!
Chợ Hoa Nguyễn huệ SG 1994
Sau này, ngoài chuyện hắt hơi, sổ mũi, con còn làm bố mẹ hoảng hồn 2 lần nữa!
Lần thứ nhất lúc con 7 tuổi, đang học lớp 2 Trường PTCS Nguyễn Thái Học, Q1, TP HCM. Hôm ấy tầm hơn 4 giờ chiều, bố có việc ở bên ngoài, mới về tới công sở thì nghe chuông điện thoại bàn đổ dồn. Phòng làm việc chiều ấy mọi người đi vắng hết. Thời ấy điện thoại di động chưa phổ biến như bây giờ. Khi bố nhấc ống nghe, xác định được người cần gặp, người ở đầu dây bên kia nói: Chúng tôi gọi nhiều lần, giờ mới gặp, anh đến trường gấp, cháu bị đau bụng, nghi đau ruột thừa! Bố hỏi gấp: cô báo cho mẹ cháu chưa? Trả lời: chưa! Bố cuống cuồng gọi cho mẹ con rồi xách xe chạy. Cũng may, trường con cách chỗ bố làm chừng non cây số, cách chỗ mẹ gần 2 cây số. Khi bố đến, con đang ở phòng bảo vệ của trường, chẳng có cô giáo hay người nào của trường cả. Người đang ở bên con, xoa bụng cho con là một bà lão ngoài 60 tuổi. Bà lão là người bán hàng quà bánh ngoài cổng trường. Thấy bố đến, bà lão trách: Sao bây giờ anh mới đến, cháu nó đau hai ba tiếng rồi. Thấy cháu đau quá mà không có ai chăm sóc, tôi vào dỗ và xoa bụng cho cháu. Anh nên đưa cháu ngay tới bệnh viện khám cho cháu xem sao! Tội nghiệp cháu tôi, đau tái cả mặt thế kia!
Mẹ con cũng kịp nhờ người chở tới. Chỉ kịp nói lời cảm ơn những người tốt bụng rồi bố mẹ vội đưa con tới bệnh viện nhi đồng 2 cách đó chừng 3 cây số. Nghe nói cháu đau ruột thừa, các bác sỹ vội tiến hành khám sơ bộ, cho cặp nhiệt độ… Lúc sau, có vẻ như không thấy dấu hiệu của bệnh đau ruột thừa, BS khám cho con hỏi, hôm nay cháu đi cầu chưa? Con lắc đầu. Quay sang mẹ con, BS hỏi, cháu có ăn gì khó tiêu, ví như ổi, sung… Mẹ con bảo chiều qua con có ăn ổi xanh. BS đưa cho mẹ viên thuốc sổ bảo cho con uống, chờ con đi cầu, đi cầu rồi mà vẫn còn đau thì đêm nay ở lại viện để theo dõi.
Đúng là thuốc thần, hiệu nghiệm nhanh thật. Chừng năm mười phút gì đó thì con ôm bụng chạy vào nhà cầu, chừng mươi phút sau thì ra. Bố mẹ hỏi dồn, còn đau không, con lắc đầu. Thật hú vía, nhẹ bỗng cả người! Vào gặp BS báo cáo kết quả, BS dặn hạn chế cho con ăn quả xanh, thức ăn khó tiêu, cần ăn nhiều rau xanh…
Đường về nhà hôm ấy thật vui! Vui bởi không phải con đau ruột thừa, một căn bệnh cấp tính, rất nguy hiểm nếu không cấp cứu kịp thời! Vui vì các y bác sỹ làm việc rất tận tình, rất ân cần! Vui vì cuộc sống có những người thật tốt bụng như bà lão ở cổng trường! Bà lão không hề quen biết bố mẹ, không hề quen biết con, nhưng khi con gặp nguy hiểm, bà lão sẵn lòng bỏ việc kiếm sống của mình, chăm sóc con như người thân vậy! Chỉ đáng trách là cô giáo chủ nhiệm lớp con! Một đứa trẻ bé như thế, nghi bệnh cấp tính như thế… mà đem bỏ mặc con ở cổng trường! Lẽ ra cô phải đưa con đi bệnh viện gấp và chờ cho đến khi liên lạc được với bố mẹ. Không đưa đi bệnh viện được thì phải cắt cử người chăm sóc con cho đến khi bố mẹ đến chứ! Cô thật vô tâm quá! Rủi ngày ấy có việc gì, chắc bố không để cô ấy sống yên thân! Ơn trời!!!...
Lần thứ hai lúc con 18 tuổi. Thi xong tốt nghiệp phổ thông và đại học, con xuống Vũng tàu, ở nhà chú Phương, dự định ở chơi một tuần. Đâu được hai ba ngày thì chú Phương gọi cho bố báo tin dữ: Con bị đau bụng, bệnh viện nghi con đau ruột thừa, làm thủ tục chuẩn bị mổ! Nhưng chú Phương bảo không dám cho mổ ở Vũng tàu, sợ họ làm ẩu, nên đã mua vé tàu cánh ngầm, đang “áp tải” con trên dường về Sài gòn!
Bố mẹ lại một phen rụng rời chân tay, vội nhờ chú Khương liện hệ với BS quen, chuyên về mổ ruột thừa, hẹn chờ đưa con đến cấp cứu. Bố mẹ chạy ra bến Bạch Đằng đón con, phân công chú Khương chờ trong bệnh viện.
Khánh Duy 18 tuổi
Thật may, tàu cánh ngầm không trục trặc gì, cập bến đúng giờ, tính ra con đã phải chịu cơn đau thêm gần 2 tiếng đồng hồ, một khoảng thời gian đáng kể đối với những căn bệnh cấp tính. Nhưng lúc đón con lên bờ, thấy con không đau lắm. Sau khi hỏi han kỹ càng về mức độ đau, bố mẹ quyết định đưa con về bệnh viện quân đội 175 gần nhà, nhờ cô Mơ làm ở bệnh viện này gửi người quen khám, theo dõi. BS khám kỹ nhưng cũng không thấy triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm ruột thừa nên cho nhập viện để tiếp tục theo dõi. Thời gian nặng nề trôi trong sự lo âu mà cơn đau của con cũng không thấy tăng lên, thậm chí có vẻ như giảm đau so với lúc ở Vũng tàu. 9 giờ tối rồi, bố mẹ cũng đã chuẩn bị tinh thần qua đêm ở bệnh viện cùng con, nhưng con lại muốn về nhà ngủ. Bố mẹ lên xin BS trực, lúc đầu họ không cho, nói mãi lý do nhà gần và con cũng giảm đau, sau khi kiểm tra lần nữa BS đồng ý cho về, hôm sau vào tiếp để theo dõi.
Ơn trời, đêm ấy rồi cũng trôi qua mà không có sự biến gì. Sáng hôm sau, cơn đau chỉ còn đau nhẹ. Sau khi kiểm tra lại, BS đã đồng ý cho con xuất viện. Hôm sau nữa thì cơn đau dứt hẳn, con trở lại bình thường.
Ruột thừa (ruột dư) là một đoạn ruột hẹp, kín, tận cùng, dài khoảng vài centimet và bám dính vào manh tràng (đoạn đầu tiên của ruột già). Lớp lót bên trong lòng ruột thừa tiết ra ít chất nhầy và chảy vào manh tràng. Thành của ruột thừa chứa mô bạch huyết, là một phần của hệ miễn dịch sản xuất kháng thể. Bình thường ruột thừa cũng tham gia vào quá trình tạo tế bào lympho giúp cho hệ thống miễn dịch của cơ thể. Khi con người ngoài 30 tuổi thì ruột già không còn tác dụng gì và nó teo dần, ngoài 60 tuổi thì ruột già hầu như biến mất.
Viêm ruột thừa là do lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng bị tắc nghẽn. Hiện tượng tắc nghẽn này là do tích tụ nhiều chất dịch nhầy trong lòng ruột thừa hoặc do phân từ manh tràng đi vào ruột thừa. Chất nhầy hay phân trở nên cứng, giống như đá và làm tắc nghẽn lỗ thông. Hiện tượng phân cứng như đá được gọi là "sỏi phân" (phân có kích thước bằng hạt đậu, cứng và bị can xi hóa gây tắc nghẽn lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng). Có thể có hiện tượng mô bạch huyết của ruột thừa bị phù và làm tắc nghẽn ruột thừa. Sau khi hiện tượng tắc nghẽn xãy ra, các vi khuẩn bình thường thường trú trong lòng ruột thừa bắt đầu xâm lấn vào thành ruột thừa. Cơ thể đáp ứng với hiện tượng xâm lấn này bằng cách tấn công các vi khuẩn. Hiện tượng tấn công các vi khuẩn đó được gọi là viêm.
Triệu chứng chính của viêm ruột thừa là đau bụng. Đầu tiên, đau thường lan tỏa và ít khu trú thành một điểm đau cụ thể. Đau ít khu trú là điển hình của các bệnh lý ở ruột non, ruột già và kể cả ruột thừa. Sau đó có thể xuất hiện các triệu chứng sớm của viêm ruột thừa như ăn mất ngon miệng và có thể diễn tiến đến buồn nôn và thậm chí nôn ói. Khi hiện tượng viêm ruột thừa tiếp tục diễn tiến, nó sẽ lan rộng ra lớp ngoài cùng của ruột thừa và sau đó đến lớp lót ổ bụng, một màng mỏng được gọi là phúc mạc. Khi phúc mạc bị viêm thì triệu chứng đau có thể thay đổi và khu trú tại một vùng nhỏ. Thông thường, vùng đau này nằm giữa điểm lồi ra phía trước của xương chậu bên phải và rốn. Điểm đau này mang tên bác sĩ Charles McBurney, được gọi là điểm McBurney. Nếu ruột thừa bị vỡ thì nhiễm trùng sẽ lan tỏa khắp ổ bụng và triệu chứng đau lúc này cũng sẽ lan tỏa.
Viêm ruột thừa là bệnh cấp tính, rất nguy hiểm, cần chẩn đoán và xử lý sớm trong vòng 24 giờ đồng hồ. Nếu không xử lý kịp thời, viêm ruột thừa dẫn đến biến chứng xấu cho sức khoẻ, dễ tử vong. Bởi vậy, mỗi khi nghe người than của mình bị viêm ruột thừa, ai cũng hốt hoảng, lo lắng. Đôi khi viêm ruột thừa có thể tự khỏi mà không cần phẩu thuật nếu hiện tượng viêm và nhiễm trùng không lan rộng vào ổ bụng. Viêm, đau và các triệu chứng sẽ biến mất. Đó là kết quả của hiện tượng tự "chữa lành" của cơ thể.
Ruột thừa của con vẫn còn đó. Lạy trời cho nó nằm yên mãi mãi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét