Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Con đi nhà trẻ

          1- Thấm thoắt, con đã được hơn 6 tháng tuổi. Giờ thì nỗi lo đã đỡ hơn rất nhiều bởi con đã nhận biết được thế giới xung quanh, nhận biết người thân, biết i a, bi bô với mọi người.
Mẹ yêu con.
        Thời gian được nghỉ đã hết, mẹ phải đi làm. Mọi người đều phải đi làm. Ở nhà chỉ còn bà ngoại, nhưng bà ngoại sức khoẻ không được tốt, không thể trông cháu cả ngày. Vậy là bố mẹ phải gửi con đi nhà trẻ.
        Ở khu Trung Tự, gần nhà mình, có 2 ông bà nhận giữ trẻ. Theo giới thiệu của bạn bố, cũng có con đang gửi ở đó, ông bà giữ trẻ tốt, giá cả phải chăng, chỉ nhận số lượng giới hạn, đủ sức trông coi. Lúc mới gặp, bố mẹ hơi ngần ngại bởi cả 2 ông bà đều nhỏ bé, lùn, cao chỉ chừng 1,2m. Tuy nhiên, thấy ông bà sởi lởi, nhà cửa sạch sẽ… bố mẹ đồng ý gửi con cho ông bà.
        Sáng ngày đầu tiên đưa con đến nhà ông bà, gặp người lạ, con sợ hãi khóc thét, ôm chặt lấy mẹ, không chịu cho bà bế. Dỗ mãi, dỗ mãi, con chỉ khóc, tay chỉ đòi về nhà mình. Ông bà bảo, đứa trẻ nào cũng vậy, mới đến đều khóc vì lạ. Anh chị cứ để cháu lại, đi làm kẻo muộn, rồi cháu sẽ quen. Thương con lắm, nhưng biết làm sao, mẹ đành để bà bế dứt con ra, hy vọng rồi con sẽ quen. Nhưng tới gần trưa, ông bà gọi mẹ về, trả con lại vì con cứ khóc ngằn ngặt suốt sáng, dỗ thế nào cũng không được, làm những đứa trẻ khác cũng khóc theo.
       Tội nghiệp con tôi, mắt sưng húp, giọng khan đi, mới thấy mẹ là oà khóc nức nở, vừa được mẹ bế đã chỉ tay đòi bế về nhà.
       Mẹ phải xin phép được nghỉ làm, ở nhà với con. Vừa vỗ về ru con, vừa thủ thỉ: Con ngoan của mẹ, chịu khó ở với ông bà, mẹ còn phải đi làm, nếu không các cô các chú mắng, cho nghỉ việc thì rõ khổ. Con ở đó, chơi ngoan, hết giờ mẹ về ngay, đón con về… Ấy là thủ thỉ vậy, chứ nào con đã biết mẹ nói gì!
       Tối hôm ấy, bố mẹ lại sang ông bà nói khó nhờ ông bà trông giúp. Mới đầu, bà dứt khoát không chịu, bảo rằng chưa thấy đứa trẻ nào khóc dai như thế, khó quen như thế… Bố mẹ cũng nản, cũng định ra về mà không biết xử lý thế nào. Có lẽ hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của bố mẹ, ông nói rằng: Sáng mai anh chị cứ đưa cháu đến lần nữa xem sao. Nếu cháu vẫn không quen được thì chúng tôi đành chịu thôi.
       Sáng hôm sau, đưa con đến, con vẫn khóc, đòi về. Mẹ dỗ dành: con ngoan của mẹ, chịu khó ở với ông bà, hết giờ làm mẹ đến đón con ngay, nhé… Có vẻ như con hiểu được những điều mẹ nói, có vẻ như con bằng lòng ở lại, nhưng khi bà đưa tay định bế thì con dứt khoát quay đi, không chịu. Bà có vẻ không hài lòng. Tưởng đã phải bế con về thì ông bỗng đưa tay ra, lên tiếng: Lại đây với ông nào, ông thương… Thật kỳ lạ, con đồng ý theo ngay, mặc dù vẫn còn khóc, mắt nhìn mẹ như dặn mẹ nhớ đón con.
       Việc con theo ông làm mọi người rất ngỡ ngàng và vui mừng. Trước giờ, việc trông trẻ chủ yếu là do bà đảm trách, có sự phụ giúp của mấy cô, chú. Ông làm việc nhà, đi chợ, nấu ăn… Từ khi con theo ông, ông được giao đặc trách trông chỉ mình con. Sau này, con cũng quen dần với bà, với mọi người, với các bạn, nhưng thực sự con chỉ tha thẩn chơi với ông, theo ông như cái bóng của ông vậy.
     Ở với ông bà, con được ông bà quí mến, khen con ngoan, không quấy khóc, không nghịch ngợm quấy phá ngoài một lần ông ngủ trưa, sẵn có mẩu thuốc lá ông hút dở, con xé ra, lấy sợi thuốc dí vào mắt ông, làm ông đau mắt mất mấy ngày. Khi chuyển lên 58A Trần Nhân Tông, nhà mình chỉ cách nơi làm việc của bố mẹ chừng vài trăm mét, nhưng bố mẹ vẫn gửi con ở đây. Hàng ngày, mẹ đưa con tới gửi ông bà rồi quay ngược đến cơ quan. Chiều mẹ lại đến Trung Tự đón con về nhà. Cứ như vậy cho tới khi con được 3 tuổi, làm xong các thủ tục vào nhà mẫu giáo, con mới phải chia tay với ông bà. Cuộc chia tay ấy thật cảm động. Ông cứ ôm riết lấy con, không muốn rời. Ông bảo, ông chưa quí đứa trẻ nào như con, không nỡ xa một đứa trẻ ngoan ngoãn, quấn quýt tình cảm như con. Và ông đã khóc khi bố mẹ bế con ra về. Đúng là chuyện hi hữu đấy con ạ.
x
x x

       2- Khi con hơn 3 tuổi, con được mẹ đưa đi mẫu giáo. Ngày đầu tiên đến trường, con cũng gây ra chuyện kinh thiên, động địa!
       Trước đó vài ngày, bố có chuyến đi công tác ở Quảng Ninh. Theo chương trình, hôm sau bố sẽ đi Móng Cái hai ba ngày rồi mới về Hà Nội. Chẳng hiểu thế nào, buổi chiều hôm ấy bố thấy bồn chồn ghê gớm, nhớ con, chỉ muốn về. Rồi bố quyết định hôm sau về Hà Nội, không đi Móng Cái nữa.
      Thời ấy đi lại khó khăn lắm, mãi chiều bố mới về tới nhà. Vào nhà, bố thấy có mùi vật gì cháy, tưởng mẹ mới đốt gì. Mẹ thì bảo không. Nhìn bàn thờ, thấy bát hương vẫn nghi ngút khói, chân nhang đã cháy rụi. Hoá ra cháy bát hương, hôm ấy ngày rằm, mẹ mới thắp hương. Bố nghĩ chắc có điềm gì. Hỏi mẹ có chuyện gì lạ, mẹ kể chuyện sáng nay con mới trốn trường! 
Hôm nay con tới trường...
     Mẹ kể, sáng đưa con tới trường, mọi việc diễn ra bình thường. Mới đầu con cũng ngần ngại, không dám vào, vì lạ. Nhưng được mẹ động viên, các cô chào đón nên con cũng vào lớp. Mẹ về cơ quan làm việc, trưa ghé về nhà, đầu giờ chiều lên lại cơ quan để làm việc, hết giờ chiều mới phải đến đón con về. Nhưng vừa tới phòng làm việc, đã thấy con đang đứng khóc, tay vẫn cầm đôi dép, các cô cùng phòng mẹ đang rối rít vây quanh, không hiểu sao con lại về được đây. Cũng đúng lúc ấy, điện thoại bên trường gọi sang, hỏi con có về đó không! Họ rất mừng khi biết con đã về cơ quan mẹ, không lạc đâu hay bị ai bắt cóc!
    Thì ra, cả buổi sáng con vẫn ở trong lớp. Đến trưa, sau khi ăn, tất cả các cháu đều ngủ, các cô cũng tranh thủ ngủ. Đúng lúc ấy, con đã lặng lẽ bò dậy, ra cửa lớp tìm lấy đúng đôi dép của mình và trốn khỏi trường. Điều đáng ngạc nhiên là, từ chỗ mẹ làm, phải qua 2 con phố ồn ào náo nhiệt, xe cộ ngược xuôi mới đến được trường con. Mới ngày đầu mẹ chở con bằng xe đạp đến trường, con còn bé thế, làm sao con qua đường được, làm sao con nhớ được đường để tìm về đúng chỗ mẹ làm việc! Đến bây giờ bố vẫn không thể tin được điều này. Bố vẫn nghĩ rằng hình như có thần thánh dẫn đường cho con đấy. Nếu đúng vậy thì bố chắc là bà cụ nội là người dẫn đường cho con bởi cụ nội của con ngày xưa rất yêu quí bố, thường dẫn bố đi học và đón về khi bố còn bé như con.
        Nghe xong chuyện, bố nhớ ngay tới việc bát hương mới bốc hoả. Đúng là điềm báo tai qua nạn khỏi bởi trời đất tổ tiên phù hộ. Bố chỉ còn biết vội vào chắp tay xá liên hồi để cảm tạ.
       Rồi mẹ lại dẫn con sang trường, giao cho các cô, dặn con phải học chăm chỉ, không được trốn nữa. Con là đứa con biết nghe lời. Sau đó, không một lần con làm các cô phải lo lắng, hoảng sợ nữa.
        Hai cô giáo để con trốn ra buổi trưa hôm ấy bị một phen xanh mặt. Tháng ấy các cô bị cắt thi đua. 
       Còn con thì bị hai cô đưa vào diện cần theo dõi đặc biệt! 


      Hình ảnh lúc nhỏ của con

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét