Năm 1989, bố cùng bác Mạnh, bác Phong đi ra đảo Rều, xem khỉ.
Một góc trung tâm đảo Rều. |
Đảo Rều thuộc phường Cẩm Đông, thị xã Cẩm Phả tỉnh Quảng Ninh, cách đất liền chừng 4 km về phía Đông Nam. Đảo Rều vốn là đảo hoang, chỉ một số cư dân từ đất liền đến đây trồng khoai sắn. Năm 1962, nơi này được Bộ Y tế quyết định đầu tư thành nơi nuôi khỉ thí nghiệm, phục vụ cho công tác nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, giờ thuộc Trung tâm nghiên cứu sản xuất vác xin và sinh phẩm y tế của Bộ Y tế. Cái tên “đảo Khỉ” cũng đã ra đời từ đó.
Trên đảo có vài dãy nhà dành cho cán bộ, công nhân viên chuyên chăm sóc khỉ. Đây là đảo đất, nhỏ, không có gì đặc biệt, ngoài khỉ. Trên đảo có gần ngàn con khỉ sinh sống, chúng sống thành từng đàn trên dưới 50 con và rất có kỷ luật để bảo vệ bầy đàn. Mỗi đàn là một lãnh địa riêng do một con khỉ đực mạnh mẽ nhất cai quản. Khỉ đầu đàn có quyền lực tối thượng, đi một bước, cả bầy phải theo. Vị trí này được xác lập bởi những trận chiến khốc liệt, thậm chí đổ máu giữa các con đực cùng đàn để giành lãnh địa và... các nàng khỉ cái. Kẻ chiến thắng trở thành “Hầu vương”, kẻ thua trận phải rời khỏi đàn, sống cô độc.
Giống khỉ nuôi trên đảo thuộc họ khỉ vàng Đông Nam Á có tên gọi Maccaca Mullata, với đặc điểm lông vàng, đít đỏ, đuôi hơi ngắn và đặc biệt là phần lông ngực màu xanh xám. Ở đây, chúng được nuôi theo phương pháp bán tự nhiên: không nhốt, ăn thức ăn riêng. Mỗi ngày, cả bầy được ăn hai lần. Thức ăn của chúng là cơm gạo lức trộn đậu đen hoặc đậu tương, lạc nhân và muối. Riêng củ quả tươi, mùa nào thức nấy, đều đặn mỗi tuần 2 lần, đủ loại như: chuối, ổi, mía, cam, khoai lang, cà rốt...
Tuổi thọ trung bình của khỉ là 30 năm. Chúng bước vào thời yêu đương lúc 4-5 tuổi. Mùa yêu đương của khỉ cũng trùng với mùa cưới của con người và đến tháng 2- 3 năm sau là mùa sinh sản. Khỉ mẹ mang thai 6 tháng. Sau khi đẻ, 6 tháng sau chúng có thể có mang trở lại. Một đời, khỉ có thể đẻ từ 7-10 lứa.
Tình mẫu tử |
Bây giờ, không biết đảo Rều có mở cửa đón khách du lịch không? Năm bố đến, chỉ những người có trách nhiệm hoặc quen biết thế nào đó mới được đến đảo. Chuyến đi mà bố được tham dự do bác Phong (nhà báo) đạo diễn với sự dẫn đường của bác trưởng công an thị xã Cẩm Phả. Từ bến nước chỗ tàu thuyền cập mạn, có con đường dẫn lên khu nhà ở của cán bộ, công nhân, tiếp đó dẫn đến khu trung tâm cho khỉ ăn. Lúc đi trên đường, cây cối hai bên đường xao động, thỉnh thoảng có tiếng chí choé của khỉ. Đó là vì khỉ bám theo người. Quay lại nhìn sẽ thấy trong lùm cây, các con khỉ đang đu cây, chuyền cành, mắt láo liên nhìn du khách. Có một vài con dạn dĩ, bám theo ngay trên đường. Bác Phong dặn bố giữ chắc đồ đạc, mũ nón… Chỉ cần sơ hở là lũ khỉ có thể cướp mất!
Đến khu trung tâm mới thấy đúng là đảo khỉ! Từng bầy khỉ đang đùa giỡn trên bãi đất trống, khá bằng phẳng rộng chừng hai trăm vuông. Ở giữa bãi đất là một gian nhà nhỏ, mái bằng dùng để bắt khỉ khi cần. Những con khỉ ở đây khá dạn, chúng bu theo người, ngửa tay xin đồ ăn. Khi có đồ ăn ném xuống, chúng tranh nhau chí choé. Có một con khỉ mẹ bồng theo một con khỉ con tha thẩn ở một góc sân. Thấy bố lại gần, nó ngửa tay xin. Sẵn có quả chuối nhỏ, bố đưa cho nó. Nó cầm lấy, bóc vỏ rất nhanh, đưa cho đứa con. Nó ngước mắt nhìn bố, như muốn xin thêm, nhưng bố không còn gì để cho nó cả. Nhìn lũ khỉ chơi đùa thật thanh bình. Giá như chỉ xem vậy rồi về thì mãi mãi bố sẽ có ấn tượng đẹp về đảo Rều. Nhưng không chỉ có thế! Bố không biết mình sắp phải chứng kiến một cảnh tượng thương tâm, đầy ám ảnh!
Những con khỉ con bị đưa về đất liền để chiết xuất sản xuất vắc xin. |
Đó là lúc người ta mang đồ ăn lên cho khỉ và lại đúng vào ngày bắt khỉ. Thức ăn được rải ra quanh bãi một ít, còn phần nhiều để trong gian nhà. Khỉ từ các lùm cây ùn ùn kéo ra, cơ man là khỉ. Có nhiều con khỉ mẹ dẫn theo cả khỉ con. Nhặt hết thức ăn ngoài sân, chúng tranh nhau vào trong gian nhà. Bỗng rầm, rầm!!!... Các cánh cửa sập xuống, lũ khỉ hoảng loạn tìm lối thoát thân! Những con khỉ mẹ ôm con, nhớn nhác. Bố cũng không để ý, không biết trong số ấy có mẹ con con khỉ mới xin bố quả chuối không! Người ta nhanh chóng tìm cách thả bớt những con khỉ trưởng thành, tập trung vào mấy con khỉ mẹ và khỉ con. Lũ khỉ con sợ hãi, bám chặt vào mẹ, nhưng rồi từng con, từng con bị giằng khỏi mẹ chúng, đưa ra nhốt vào những chiếc lồng sắt nhỏ, xách về phía khu nhà ở của cán bộ công nhân. Những con khỉ mẹ chạy theo kêu khóc não nùng. Những con khỉ con khiếp sợ, kêu lạc giọng, tay thò ra về phía mẹ chúng cầu cứu…
Thật là một cảnh tượng hãi hùng. Sự việc diễn ra bất ngờ quá, kinh khủng quá làm bố bủn rủn chân tay, tim thắt lại. Bác Phong và bác Mạnh cũng thất thần, quay mặt đi, không dám nhìn theo nữa. Họ đều đang có con nhỏ, chỉ hơn con một hai tuổi thôi! Ai đã làm bố, làm mẹ, nhất là đang nuôi con nhỏ, chắc chắn đều sock nếu bất ngờ chứng kiến cảnh này!
Trước khi đến đảo, bố được nghe nói khỉ nuôi ở đảo là để phục vụ việc sản xuất vác xin phòng chống bại liệt cho người, nhưng không nghĩ rằng việc sản xuất ấy từ những con khỉ con mới một hai năm tuổi! Chúng còn bé dại quá! Tội nghiệp chúng nó!
Nhiều năm rồi bố vẫn không sao quên được hình ảnh những con khỉ con khiếp sợ, quơ quơ tay về phía mẹ chúng, gào thét đến lạc giọng, gọi mẹ, cầu cứu!
Mong sao các nhà khoa học tìm cách chế được vác xin phòng chống bệnh cho người mà không phải giết những con khỉ con tội nghiệp.
Mong lắm thay!!!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét