Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Con gà, con ngan

Nhiều nhà ở khu 58A Trần Nhân Tông tận dụng những chỗ có thể để nuôi gà cải thiện bữa ăn. Những nhà cạnh nhà mình cũng nuôi gà. Các chuồng nuôi gà được đặt ở ngoài nhà, dọc lối đi. Nuôi gà trong khu tập thể vốn chật chội đương nhiên là gây ô nhiễm môi trường. Nhưng đời sống khó khăn, mọi người đành sống chung với gà! Thấy họ nuôi được, bố mẹ cũng tính chuyện nuôi gà.
Gà chọi (ảnh  ST)
Nhân một chuyến về quê, bố mang lên Hà Nội một ít tre, vài thanh gỗ. Một ngày kỳ cạch cưa cưa, đóng đóng, bố cũng làm được một cái chuồng gà xinh xắn, đặt phía hông nhà, cạnh chuồng gà của nhà bên cạnh. Trong một lần về chơi nhà bà u nuôi của mẹ con ở làng Trịnh, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh, nhờ bà u mách bảo, bố mẹ mua được 6 con gà con, giống lai gà chọi. Nhìn đàn gà của gia chủ, bố mẹ rất thích bởi những con gà trưởng thành rất cao, to, thường cân nặng 3 - 4 ký lô. 6 con gà con lúc mua mới bằng nắm tay, giá 25 đồng, gần bằng nửa tháng lương của bố. Bố nhẩm tính, nếu nuôi tốt, vài tháng sau, gà lớn, bán đi chắc sẽ có một khoản tiền kha khá, bù vào mua đường sữa, thịt cá cho con! 
Hai ba hôm đầu, gà được nhốt trong chuồng. Khi gà đã quen chỗ ở, bố thả cho nó chạy kiếm ăn quanh khu. Mấy con gà này nhanh nhẹn, ăn tốt, lớn rất nhanh. Mới được chừng tháng mà đã thấy chúng nó lớn lộc ngộc, gấp đôi lúc mới mang về, nhìn rất thích mắt. Lúc nuôi gà vẫn chưa có bức tường ngăn khu tập thể và khu làm việc. Bởi vậy mấy con gà nhà mình nó đi kiếm ăn cả ở khu vực cơ quan làm việc. Mấy con gà đương nhiên không biết nguy hiểm đang chờ chúng ở phía trước. Bố cũng vô tâm, không nghĩ rằng có người vốn đã không ưa  nhà mình khi nhà mình chuyển đến đây, giờ thấy gà của nhà mình lớn nhanh như thổi, lại tung tăng quậy phá cơ quan, họ nghĩ cách chơi ác!
      Hôm ấy cũng như mọi ngày, bố thả gà ra, cho chúng ăn một chút rồi đi làm. Chiều tối, gà về chuồng đầy đủ, cho thức ăn, chúng không ăn, diều con nào cũng no căng, chắc là kiếm ăn được ở đâu đó! Đêm ấy, gió Bắc tràn về, trời trở lạnh, mưa nhỏ. Khoảng 2 giờ sáng, bố mẹ chợt thức giấc, lo âu bởi có tiếng lạch phạch phát ra từ cái chuồng gà của nhà mình. Lúc đầu tưởng trộm, nhưng nhìn qua cửa sổ không có bóng dáng người! Bố xách đèn pin ra soi vào chuồng gà, rụng rời chân tay khi thấy cả 6 con gà đang giãy giãy trong cơn hấp hối. Vậy là chúng bị đánh bả rồi! Hèn nào, chập tối, diều con nào cũng căng! Rất nhanh, bố nhận diện thủ phạm vụ đánh bả này, đó là mụ Nh, nhân viên y tế cơ quan. Khi gia đình mình đến đây ở, mụ luôn tìm cách cạnh khoé nhà mình. Nhà mụ, 2 vợ chồng cùng cơ quan, có 2 đứa con, cả nhà ở căn hộ khoảng 10m2 ở dãy sát đường Nguyễn Quyền. Trước đó, vợ chồng mụ đã xin đổi ra ở chỗ nhà mình, nhưng không được, nên thù ghét nhà mình.
Đàn gà nhà mình lúc bị đánh bả
cũng lộc ngộc thế này!
Bố mẹ thẫn thờ ngồi nhìn ra đêm mưa, ruột đau buốt nghe tiếng lạch phạch giãy chết của đàn gà mà không biết làm thế nào để cứu chúng! Đã nghèo, chắt chiu chút vốn còm, nuôi con gà con qué, coi như bỏ tiết kiệm, vậy mà giờ mất sạch, đúng là chó cắn áo rách! 3 giờ đêm, lạnh lẽo quá, bố đứng dậy thắp một nén hương, cầu cho linh hồn những con gà bị chết oan được siêu thoát! Gần 4 giờ sáng, tiếng lạch phạch không còn! Bố ra mở chuồng gà, 5 con gà đã chết, 1con còn ngắc ngoải. Uất ức, bố cầm những con gà đã chết, mang đến cửa nhà mụ kia, để đó. Sáng sớm, mụ ra sân đứng, nhìn về phía nhà mình, la oai oái! Bố ra cửa, tay chống nạnh, ném cái nhìn đầy lửa vào mặt mụ. Mụ im bặt, cắm cúi quay vào nhà. May cho mụ, nếu còn đứng đó mà lu loa, có thể mụ sẽ mất mấy cái răng cửa!
        Còn một con, thật ngạc nhiên, nó vượt qua cơn nguy kịch và sống được, chỉ có điều nó bị di chứng, giống người thần kinh, đầu nó luôn lắc lư. Con gà đó bố nuôi nhốt trong chuồng, không dám thả ra, thả ra chắc nó không tự kiếm ăn được. Nó lớn chậm, vài tháng sau mới được gần ký rưỡi. Nhân một chiều thiếu mồi nhậu, nhóm bác Cò lôi nó ra, hoá kiếp cho nó thành kiếp khác! Cái chuồng gà trống không, rồi bố cho ai đó, chẳng nhớ nữa!
Con ngan (ảnh ST)
            Bẵng đi một hai năm sau, khi bức tường rào ngăn khu làm việc và khu tập thể được dựng lên, nhờ vậy nhà mình có cái bếp, mẹ con tính chuyện nuôi ngan. Mẹ mua ở đâu đó 4 con ngan con, rất xinh xắn, thả vào ngăn trong của cái bếp, chỗ dành để tắm rửa. Có 2 con, sức yếu, được mấy ngày thì chết. 2 con còn lại rất phàm ăn, khoẻ mạnh, lớn nhanh như thổi. Suốt ngày bị nhốt trong khu vực chật hẹp, ít ánh sáng, nhưng chúng rất hiền lành, ăn xong lại nằm, đi lại quanh quẩn, không hề quậy phá. Kể cả khi chúng đã to lớn, đủ lông đủ cánh, mẹ chỉ chặn cửa khu vực nhà tắm và bếp bằng tấm gỗ thấp, chừng 30cm, nhưng chưa bao giờ chúng vượt qua sang khu vực nấu ăn. Nuôi đâu chừng gần 3 tháng, mỗi con đã được hơn 2 ký lô. Nhân một ngày đẹp trời, bố mẹ mời nhóm bác Cò ra tổ chức ăn tươi. Chiều đó, anh Lịch ra sớm, cắt tiết, vặt lông ngan. Lúc sau, 4-5 người nữa đến, xúm vào mỗi người một tay, vui vẻ, náo nhiệt. Trên chiếc phản gỗ lim, món ăn bày ra gồm ngan luộc, ngan xáo măng, rau sống, bún, bia vạn lực… Không biết có phải do là sản phẩm tự tay mình làm ra không mà bữa tiệc hôm ấy ngon quá! Thịt ngan mềm, ngọt, xáo măng thơm lừng, đậm đà, tuyệt cú mèo!... Ai nấy đều no say, mãn nguyện.
Bữa đó con ngồi trong lòng anh Lịch, anh gỡ những miếng nạc ngon nhất cho con ăn, hỏi ngon không, con gật đầu: ngon! Nhưng lúc ấy con còn bé, giờ chắc chả nhớ cái vị ngan hôm đó nó ngon thế nào!
Sau lứa đầu, mẹ nuôi thêm 2 lứa nữa, kết thúc mỗi lứa bao giờ cũng là một bữa ăn tươi vui vẻ, thấm đẫm nghĩa tình.




1 nhận xét: