Ngày này cách đây tròn 25 năm, con vừa đầy tháng.
Phú quí sinh lễ nghĩa! Những gia đình khá giả, ưa tổ chức linh đình, vui vẻ, người ta thường tổ chức lễ đầy tháng. Hôm nay, khi viết những dòng này, bố tra cứu từ google mới biết rằng lễ đầy tháng, đầy năm không đơn giản như bố mẹ nghĩ.
Theo phong tục xưa, việc tổ chức lễ đầy tháng trước là để tạ ơn bà Mụ không chỉ nặn ra đứa trẻ, mà còn phù trợ cho “mẹ tròn con vuông”, sau là để trình với nội – ngoại, họ hàng lối xóm về đứa trẻ sau một tháng chào đời, nhưng ít ai nhìn thấy. Đây như là chứng nhận của xã hội về sự tồn tại của một con người để được nâng niu, cưu mang, che chở… Trong ngày đầy tháng, ngoài việc chuẩn bị món ăn, thức uống để đãi khách, gia chủ còn chuẩn bị mâm lễ vật cúng kính 12 bà Mụ (Mụ bà Trần Tứ Nương, coi việc sanh đẻ; Mụ bà Vạn Tứ Nương, coi việc thai nghén; Mụ bà Lâm Cửu Nương, coi việc thụ thai; Mụ bà Lưu Thất Nương, coi việc nặn hình hài nam, nữ; Mụ bà Lâm Nhất Nương, coi việc chăm sóc bào thai; Mụ bà Lý Đại Nương, coi việc chuyển dạ; Mụ bà Hứa Đại Nương, coi việc khai hoa nở nhụy; Mụ bà Cao Tứ Nương, coi việc ở cữ; Mụ bà Tăng Ngũ Nương, coi việc chăm sóc trẻ sơ sinh; Mụ bà Mã Ngũ Nương, coi việc ẵm bồng con trẻ; Mụ bà Trúc Ngũ Nương, coi việc giữ trẻ; Mụ bà Nguyễn Tam Nương, coi việc chứng kiến và giám sát việc sinh đẻ) gồm 12 chén chè, 3 tô chè, 3 đĩa xôi và một mâm cúng kính 3 Đức ông (Thánh sư, Tổ sư và Tiên sư có chức năng truyền dạy nghề nghiệp) gồm con vịt tréo cánh được luộc chín, 3 chén cháo và 1 tô cháo...
Sau nghi thức cúng kính là nghi thức khai hoa còn gọi là "bắt miếng". Đứa bé được đặt ngay trên bàn giữa, chủ lễ rót trà thấp hương xin phép bắt miếng. Xong, bồng đứa trẻ một tay, tay kia cầm một nhánh hoa điệp (có thể hoa khác) vừa quơ qua, quơ lại trên miệng cháu bé vừa dạy những lời tốt đẹp như sau:
Mở miệng ra cho có bông, có hoa,
Mở miệng ra cho kẻ thương, người nhớ,
Mở miệng ra cho có bạc, có tiền,
Mở miệng ra cho xóm giềng quý mến...
Mở miệng ra cho kẻ thương, người nhớ,
Mở miệng ra cho có bạc, có tiền,
Mở miệng ra cho xóm giềng quý mến...
Sinh nhật Khánh Duy năm 1991 |
Tiếp sau là lời chúc mừng và tặng quà hoặc tiền lì xì của khách mời, của dòng họ bà con cho cháu bé và gia đình nhân ngày cháu tròn một tháng tuổi.
Khi đứa trẻ được tròn 1 tuổi, người ta tổ chức cúng đầy năm. Lễ đầy năm còn gọi là lễ thôi nôi. Thôi nôi có nghĩa là bỏ cái nôi. Từ khi sinh ra cho đến lúc được một tuổi, đứa bé thường được đặt trong nôi. Nhưng sau khi đầy năm, người ta sẽ cho bé nằm giường và thôi không nằm nôi nữa. Vào ngày này, ngoài việc cúng lễ, người ta còn có tục thử trẻ. Đứa trẻ được tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới. Nếu là con trai, người ta sẽ bày bên cạnh nó những đồ chơi là cung tên, giấy bút; nếu là con gái thì bày kim chỉ, dao kéo. Theo phản xạ tự nhiên, đứa trẻ sẽ bò đến và nhặt lấy những thứ mà nó thích. Người xưa cho rằng: nếu đứa con trai chọn kiếm cung thì sẽ theo nghiệp võ, còn chọn giấy bút thì theo nghiệp văn chương; đối với con gái nếu chọn kim chỉ sẽ có tài may vá, còn chọn dao kéo sẽ có tài nội trợ. Trong lễ cúng đầy năm, người ta làm lễ cúng bà Mụ và cúng gia tiên.
Sinh nhật anh Long năm 1992, con dự ké. |
Bố sinh ra ở nông thôn, trong gia đình vốn nghèo khó. Khi bố đầy tháng, đầy năm, không biết ông bà nội có làm lễ theo phong tục trên không, bố bé quá chẳng biết! Sau đó, cho đến lúc 18 tuổi, rời làng quê, lên Hà Nội học đại học, bố không hề có khái niệm về sinh nhật. Thậm chí ngày sinh chính xác của bố là ngày nào, bố cũng không biết, bà nội cũng chỉ nhớ mang máng. Chẳng biết bố có giấy khai sinh không. Thời chiến tranh, đâu như năm bố học lớp 6 (lớp giữa cấp II, hệ 10 năm), bom đánh trúng trường, học bạ của bố và nhiều người khác cháy hết, nhà trường phải làm lại học bạ. Ngày sinh của bố bây giờ là ngày người ta gán cho, không đúng. Kể cả đến giờ, đã quá nửa đời người, bố cũng chưa từng tổ chức sinh nhật một cách ồn ào.
Mẹ con sinh ra ở Hà Nội. Nhưng ông bà ngoại cũng là công chức ăn lương nhà nước, lại nặng gánh gia đình nên cũng không dư giả. Vả lại, cả ông và bà ngoại đều là người không ưa “màu mè riêu cua”, sống rất bình dị, đặc bôn sê vích, cách mạng, duy vật hoàn toàn. Vậy nên mẹ con cũng là người chỉ quen sống mộc mạc, không ưa hình thức, ghét loè loẹt, phô trương. Thời yêu nhau, bố cũng không để ý đến ngày sinh của mẹ con, cũng không thấy mẹ con tổ chức sinh nhật lần nào. Mãi đến khi đăng ký kết hôn, bố mới biết ngày sinh của mẹ con. Biết là biết vậy thôi, chẳng khi nào bố mẹ tổ chức sinh nhật theo cách người ta thường làm.
Chính vì vậy nên việc tổ chức sinh nhật cho con, bố mẹ cũng làm rất đơn giản. Bố hầu như không nhớ những dịp lễ lạt cho con. Mẹ con kể lại, khi con đầy tháng, bà ngoại cho tiền mua một con gà. Mẹ mua thêm một ít khoai sọ, hầm với chân, cổ, cánh. Bữa ăn tươi ấy cũng chẳng mời ai dự ngoài bà nội từ quê lên trông cháu. Khi con đầy năm, ông bà ngoại tổ chức ăn tươi hơn ngày thường một chút, tham dự cũng chỉ có ông bà ngoại, bác Bình, vợ chồng bác Khánh, anh Long mới hơn 1 tuổi, bố mẹ và con. Những năm sau này, đến sinh nhật con, mẹ thường mua một con gà về, chế biến đơn giản, chẳng mời bất kỳ ai dự.
Khi vào Sài gòn, bố mẹ cũng mấy lần đưa con đi dự sinh nhật của những bạn trạc tuổi con, cũng mua quà tặng. Đến dịp sinh nhật con, bố cũng định làm mâm cơm tươm tất, mời một số người đến dự. Nhưng rồi nghĩ tới chuyện họ phải lo mua sắm tặng quà cho con, thấy phiền hà, nên thôi. Bố mẹ cũng chẳng quen làm chủ trong việc tổ chức sự kiện có nhiều người, ồn ào. Biết làm như vậy là con thiệt thòi, không được sống trong không khí vui vẻ với những lời chúc tụng tốt đẹp, không được nhận những món quà có thể có món mà con yêu thích… Được cái, con cũng là người sống hướng nội, thích yên tĩnh, biết tiết kiệm, không đua đòi theo chúng bạn. Ngần ấy năm trôi qua, chưa một lần con đòi hỏi bố mẹ điều gì mỗi khi đến dịp sinh nhật.
Con thường thích tự chơi. |
Mấy năm nay, bố phải công tác xa nhà. Mỗi lần đến sinh nhật của con, bố chỉ điện cho mẹ, cho con chúc mừng sinh nhật. Bữa cơm chắc vẫn có thêm con gà, nhưng chỉ có hai mẹ con tham dự.
Mọi năm, sau ngày 8 tháng 7, bố lại bị cuốn ngay vào công việc và những lo toan đời thường. Nhưng năm nay, suốt một tháng qua, ngày nào bố cũng sống với ký ức của những ngày đã qua mà con là nguồn cảm hứng. Tất cả các bài viết trong blog này đều viết để tặng cho con. Nhờ vậy mà bố thấy càng yêu thương mẹ con, yêu thương Khánh Duy hơn. Nhờ đó mà bố càng yêu thương quí trọng hơn tất cả những người thân trong đại gia đình nội ngoại, các bạn bè, đồng nghiệp đã yêu quí, giúp đỡ chúng ta trong cuộc sống. Nhờ đó mà bố có dịp nhìn lại mình, điều chỉnh lại mình để sống tốt hơn, tránh những sai lầm trong cuộc sống.
Cảm ơn con, Khánh Duy! Cảm ơn sinh nhật của con!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét